Phát biểu tại hội thảo, GS. TS. Phạm Quang Minh – Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội nhấn mạnh: Trên thế giới và ở khu vực ASEAN, phát triển du lịch bền vững là vấn đề rất quan trọng, đóng góp vào việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc. Các quốc gia ASEAN và Việt Nam đều đang hướng tới sự phát triển đồng đều, bền vững; đặc biệt ngành Du lịch có vai trò như một chất keo gắn kết các quốc gia và tạo động lực phát triển. Tuy nhiên, khi phải đối mặt với bài toán về phát triển nóng, các quốc gia ASEAN cần tìm kiếm những giải pháp phù hợp để phát triển bền vững, trên cơ sở học hỏi từ những quốc gia có nền du lịch phát triển hơn như Anh, Tây Ban Nha, Áo…
Hội thảo có sự tham gia của khoảng 60 học giả, chuyên gia, nhà nghiên cứu trong nước và từ nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Áo, Tây Ban Nha, Phần Lan, Nhật Bản, Thái Lan… TS. Phạm Hồng Long – Trưởng khoa Du lịch học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội cho biết: hội thảo tập trung trao đổi, tiếp thu kinh nghiệm, chia sẻ kiến thức, các kết quả và phương pháp nghiên cứu liên quan đến hoạt động du lịch trong khu vực Đông Nam Á, qua đó Việt Nam có thể có cái nhìn sâu sắc và toàn diện hơn về phát triển du lịch bền vững để vừa mang lại nguồn lợi kinh tế, phát huy giá trị văn hoá và bảo vệ môi trường.
TS. Jaeyeon Choe (Đại học Bournemouth, Anh) chia sẻ bài học từ Bali nơi du lịch phát triển tập trung và nhanh chóng nhưng tỉ lệ nghèo đói vẫn gia tăng. Tỉ lệ nghèo đói ở Indonesia là 9,8% (2018) nhưng ở 86/706 ngôi làng ở đảo Bali tỉ lệ này lên đến 35%, hơn cả những quốc gia có kinh tế chậm phát triển hơn trong khu vực như Lào (23.2%) hay Myanmar (24.8%). Sự phát triển mất kiểm soát của du lịch dẫn đến sụt giảm việc trồng lúa, gây ảnh hưởng đến nguồn cung cấp lương thực, trong khi phần lớn lợi nhuận từ du lịch không thuộc về người dân Bali. Dựa trên sự thành công của một số mô hình du lịch cộng đồng ở làng Ubud tại Bali, TS. Choe đưa ra giải pháp phát triển bền vững: các bên liên quan cần hỗ trợ các mô hình kinh doanh nhỏ dựa vào cộng đồng, không chỉ tạo sinh kế cho người dân, xóa đói giảm nghèo mà còn giúp lưu giữ những tài nguyên, giá trị văn hóa địa phương.
Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu nhận định: Sự tăng trưởng nhanh của Du lịch Việt Nam cũng đã kéo theo nhiều thách thức, như việc phát triển mất cân đối giữa các vùng miền hay những sức ép du lịch gây ra cho môi trường. Du lịch Việt Nam cần phát triển bền vững để cân đối các mục tiêu kinh tế, văn hóa và môi trường, kiểm soát tăng trưởng, phát triển du lịch tôn trọng sự đa dạng và phát huy bản sắc văn hóa địa phương.
HN