Làng Chăm An Giang
Trong số các làng Chăm ở An Giang thì Châu Phong và Đa Phước là hai làng Chăm có tiềm năng phát triển du lịch nhất, đặc biệt là làng Chăm Châu Phong nằm gần thánh đường Mubarak, có hợp tác xã Châu Giang nơi du khách có thể chứng kiến, thử dệt và bán sản phẩm dệt thổ cẩm. Làng Chăm Châu Phong đã được chính thức công nhận là làng nghề tiểu thủ công truyền thống, đây cũng là điểm du lịch nổi tiếng. Sản phẩm thổ cẩm bà con làm ra được tiêu thụ khắp đồng bằng sông Cửu Long, theo chân du khách ra tận nước ngoài.
Đồng bào Chăm Islam An Giang là cộng đồng theo Hồi giáo chính thống. Theo quy định của giới luật Hồi giáo chính thống, mọi đặc quyền đều thuộc về người đàn ông (quyền thừa kế tài sản, làm chủ gia đình, có quyền cưới bốn vợ...), còn người phụ nữ bị trói buộc trong nhà, không có tiếng nói, không được vào thánh đường, ra đường phải trùm khăn kín mặt, không cho bất cứ người đàn ông nào có thể thấy mặt ngoại trừ chồng… Tuy nhiên, làng Chăm hiện nay không còn phủ nhận vai trò phụ nữ trong cuộc sống nên họ không bị cấm cung, không phải che mặt, được tham gia công tác xã hội, được đi học, được chọn chồng cho mình, không còn chuyện một chồng bốn vợ... Mặc dù có nhiều thay đổi để thực hiện tốt nghĩa vụ công dân của đất nước Việt Nam nhưng họ vẫn làm tròn bổn phận của một tín đồ ngoan đạo.
Chính vì những điều này mà các làng Chăm An Giang đã thu hút khách du lịch nước ngoài từ những nước Hồi giáo chính thống như Ấn Độ, Campuchia và các nước muốn tìm hiểu về Hồi giáo, về cuộc sống của đồng bào Chăm như đời sống sinh hoạt hàng ngày, sinh hoạt tôn giáo, trang phục, dệt, ẩm thực, âm nhạc, lễ hội. Đối với khách tham quan du lịch đơn thuần, họ chỉ chú trọng đến những gì hiện diện trước mặt như trang phục, sản phẩm dệt thổ cẩm và cách dệt, thánh đường; đến lễ hội họ chỉ chú trọng đến phần hội vì đây là phần náo nhiệt mà mọi người đều có thể tham gia...
Người Chăm An Giang định cư tập trung ở 9 xã, phường thuộc 5 huyện An Phú, Châu Phú, Châu Thành, Tân Châu, Phú Tân và phường Mỹ Long của thành phố Long Xuyên. Đồng bào Chăm chủ yếu theo Hồi giáo Islam, toàn tỉnh có 12 thánh đường, 16 tiểu thánh đường, hầu hết số người Chăm theo đạo Hồi đều di cư vào phía Nam sinh sống ở thượng nguồn sông Hậu. Người Chăm sống đoàn tụ thành từng xóm, từng làng quây quần với nhau hòa thuận, đùm bọc nhau. Mỗi xóm đều có thánh đường (Maslid), có một vị Ha-kênh đứng đầu chịu trách nhiệm về mặt giáo lý và giáo huấn, giáo điều tôn giáo.
|
Hoạt động du lịch văn hóa cộng đồng tại làng Chăm An Giang
Nghề dệt thủ công truyền thống của dân tộc Chăm
Người Chăm Islam có một kho tàng văn hóa phong phú và nghề thủ công truyền thống cũng góp phần trong đó đặc biệt là nghề dệt thổ cẩm. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), nghề dệt thổ cẩm trở nên phát triển với những sản phẩm như mùng, khăn choàng tắm, xà rông... Trải qua những thăng trầm, có lúc tưởng như bị thất truyền, nhưng đến nay nghề dệt thổ cẩm của người Chăm An Giang vẫn được duy trì.
Thổ cẩm của người Chăm An Giang chủ yếu được nhuộm bằng những phẩm màu tự nhiên, sản phẩm có màu đỏ boóc-đô, vàng, xanh thẫm chủ yếu được nhuộm bằng các loại cây, nhựa tự nhiên; loại thổ cẩm màu hồng, xanh dương, tím... được nhuộm bằng các loại hóa chất công nghiệp theo công nghệ nhuộm không phai màu. Đặc biệt, sản phẩm của hợp tác xã Châu Giang để càng lâu vải càng bóng đẹp vì được dệt bằng tơ, nên được du khách ưa chuộng.
Thổ cẩm Chăm Châu Giang nổi tiếng với sản phẩm Ikat vân mây và thổ cẩm bông dâu. Năm 2004, thổ cẩm bông dâu do anh Mohamad sáng tạo đã đạt giải nhì sáng tạo sản phẩm toàn quốc. Tiếng lành đồn xa, nhiều công ty du lịch, khách sạn đặt mua hàng tại hợp tác xã với số lượng 400 - 500 chiếc túi xách mỗi năm.
Ẩm thực của người Chăm
Người Chăm An Giang sinh sống ở một vùng đồng bằng, ven bờ và trên các cù lao sông Hậu nên tôm, cá là thức ăn hàng ngày của họ. Đến những ngày lễ tết hay có khách quý, họ làm thêm các món bò, dê, gà, vịt... Họ không ăn những con vật như chó, khỉ và các loại chim gắp mồi... Theo quy định của Hồi giáo, trước khi giết con vật nào thì phải đọc kinh Coran và quay về thánh địa Mecca làm lễ, cho nên họ không bao giờ mua thịt làm sẵn ngoài chợ. Và gạo cũng là lương thực chính, thường được chế biến thành cơm, bún... Người Chăm An Giang sử dụng nhiều gia vị, nhất là các loại gia vị cay và béo. Chất béo thường được lấy từ nước cốt dừa. Và khi nguồn cá, tôm dùng không hết họ chế biến thành các loại mắm như mắm thái, mắm chua, mắm chao để dùng vào những ngày tiếp theo.
Nói đến món ăn của người Chăm Hồi giáo phải kể đến các món: cơm nị - cà púa, lạp xưởng bò, canh thính, bánh tổ chim… Người Chăm Hồi giáo có thói quen uống nước chè và hút thuốc trong sinh hoạt hàng ngày cũng như trong tiếp khách. Rượu, bia là thức uống bị Hồi giáo ngăn cấm nhưng ngày nay một số thanh niên trẻ tuổi cũng uống rượu bia khi có cuộc vui.
Các lễ hội truyền thống
Cũng như các dân tộc khác trong đại gia đình dân tộc Việt Nam, người Chăm cũng có những lễ hội của riêng mình. Và chính những lễ hội này đã góp phần tạo nên bức tranh văn hóa Chăm độc đáo, có thể kể đến các lễ hội truyền thống như Lễ Ramadan - một trong những lễ hội lớn nhất được tổ chức từ ngày 1 - 30/9 Hồi lịch (tháng ăn chay); Lễ Royai philtrok (Lễ bố thí) diễn ra vào ngày 1/10 Hồi giáo lịch, được coi là ngày tết của người Chăm Hồi giáo; lễ sinh nhật Nabi Muhamad; Lễ cầu an Tolakbala; Lễ Roya Haji…
Kể từ khi làng Chăm bước vào hoạt động du lịch, cộng đồng Chăm nơi đây đã có sự tiến bộ về kinh tế và văn hóa. Khách du lịch đến làng Chăm tham quan thánh đường, hợp tác xã Châu Giang mua sản phẩm dệt thổ cẩm, thưởng thức ẩm thực giúp tăng thu nhập cho người dân. Ngoài ra, nhờ sản phẩm dệt thổ cẩm được khách du lịch ưa chuộng, hợp tác xã ngày càng mở rộng, thu hút nhiều lao động Chăm, vừa cung cấp đủ sản phẩm cho khách du lịch vừa góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương.
Làng Chăm Châu Phong đã đưa vào hoạt động loại hình du lịch homestay với tiêu đề “một ngày làm người Chăm”, cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt tại nhà người Chăm. Đây là cơ hội để du khách tìm hiểu sâu hơn đời sống văn hóa tín ngưỡng, phong tục tập quán của người Chăm. Nhiều du khách rất hào hứng khi được hòa mình vào đời sống thường nhật của người Chăm…
Phát triển hoạt động du lịch văn hóa cộng đồng ở làng Chăm An Giang
Giải pháp về sản phẩm du lịch
Đa dạng hóa sản phẩm thổ cẩm về chủng loại, kiểu dáng, kích thước, màu sắc,... tạo ra những sản phẩm có hoa văn phức tạp, đẹp mắt để thu hút và kích thích du khách chọn mua.
Nâng cấp một vài lễ hội lên một tầm cao mới để thu hút du khách đến tham gia. Nâng cấp không đồng nghĩa biến đổi bản chất vốn có của lễ hội mà chỉ tăng thêm các trò chơi dân gian, thi thố tài năng... làm tôn vinh thêm nét đẹp văn hóa của đồng bào Chăm.
Đẩy mạnh hoạt động du lịch văn hóa tại các làng Chăm giúp họ tiếp cận với nền văn hóa mới từ các dân tộc Việt Nam, các du khách quốc tế đến tham quan du lịch, tuy nhiên cần chú trọng gìn giữ bản sắc văn hóa Chăm nhằm tránh tình trạng nền văn hóa Chăm bị lai căng, mai một. Để làm được điều này, cần giáo dục lòng tự hào dân tộc của đồng bào Chăm, khuyến khích họ gìn giữ phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc mình; các công ty du lịch trước khi đưa khách du lịch đến tham quan làng Chăm cần nhắc nhở khách du lịch những gì nên hay không nên làm tại nơi mình tham quan du lịch văn hóa...
Giải pháp về tổ chức quản lý
Các làng Chăm đi vào hoạt động du lịch một cách tự phát, chưa có tổ chức dẫn đến sản phẩm du lịch dễ bị trùng lắp gây nhàm chán hay số lượng sản phẩm ít, không đủ sức lôi cuốn được sự quan tâm của du khách. Chính vì thế, cần nối kết các làng lại với nhau, mỗi làng nên đưa những sản phẩm nổi bật để tham gia hoạt động du lịch, từ đó nâng cao chất lượng cho du lịch văn hóa nơi này. Nếu có quy mô hoạt động lớn thì làng có thể dễ dàng kêu gọi vốn đầu tư.
Giải pháp liên kết trong phát triển du lịch văn hóa Chăm
Trước hết, cần tăng cường liên kết các khu điểm du lịch trong vùng. Nếu muốn thu hút du khách, khi thiết kế một tour phải có sự kết hợp giữa các nội dung khác chẳng hạn như: tìm hiểu thêm văn hóa của dân tộc Khmer, Kinh, Hoa; kết hợp với du lịch sinh thái, leo núi, du lịch mùa nước nổi, chợ nổi... Có như vậy, mới có thể làm hài lòng nhiều du khách ở nhiều trình độ, lứa tuổi khác nhau.
Mỗi tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long có những nét đặc thù riêng về địa hình, về dân tộc cư trú, về tài nguyên thiên nhiên, di tích văn hóa - lịch sử... Vì thế, việc liên kết giữa các tỉnh là cấp thiết để đa dạng hóa loại hình du lịch, cùng hỗ trợ nhau phát triển du lịch.
Giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực
Để tạo ra sản phẩm du lịch văn hóa có chất lượng, cần “thổi hồn” cho các sản phẩm du lịch và những hướng dẫn viên địa phương chính là người làm tốt nhất công tác này, họ chính là một phần của sản phẩm du lịch văn hóa. Cần đào tạo cho chính người của dân tộc Chăm trong làng làm hướng dẫn viên du lịch, để làm được điều này cần giúp người dân hiểu rõ những lợi ích mà hoạt động du lịch sẽ đem đến cho họ để họ hiểu và tham gia tích cực hơn.
PV