Gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và nhận Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) của Hoa Kỳ, thị trường lớn nhất thế giới đã đánh dấu một bước ngoặt trong quá trình phát triển kinh tế nói chung và ngành Du lịch Việt Nam nói riêng.
Đối với dịch vụ du lịch, Việt Nam đã cam kết về các dịch vụ đại lý du lịch và kinh doanh lữ hành du lịch, dịch vụ đặt phòng trong khách sạn và dịch vụ ăn uống. Trong Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA), Việt Nam cũng có những cam kết tương tự như WTO; tuy nhiên, một số cam kết theo BTA đã có hiệu lực từ năm 2001; vì thế hiện tại doanh nghiệp Hoa Kỳ đã có thể đầu tư dưới dạng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam.
Cơ hội và thách thức đối với du lịch Việt NamVới các cam kết của ngành Du lịch Việt Nam nêu trên, Việt Nam đứng trước những cơ hội lớn như: dòng khách du lịch quốc tế vào Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh, thị trường khách cũng được mở rộng, xu thế phát triển du lịch của các nước thuộc châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng trưởng bình quân 7 - 8%/năm; đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam xúc tiến chương trình quảng bá, thu hút khách. Trong sự hội nhập với nền kinh tế thế giới, đầu tư nước ngoài (FDI) vào các ngành kinh tế của đất nước chuyển đến Việt Nam ngoài vốn, công nghệ, tri thức kinh doanh tiên tiến, mà còn là một yếu tố quan trọng góp phần phát triển thị trường MICE đến với Việt Nam. Trong 10 tháng đầu năm 2006 có tới 3,1 tỷ USD đầu tư vào Việt Nam, lĩnh vực du lịch - dịch vụ chiếm 31,3% trong tổng đầu tư vào Việt Nam, chẳng hạn các dự án lớn như: Đankia - Suối vàng, tổ hợp khách sạn, căn hộ cao cấp tại TP. Hồ Chí Minh, Phú Quốc với 2 dự án của Hoa Kỳ và Thụy Sỹ... Đây là cơ hội để làn sóng đầu tư vào Việt Nam tiếp tục gia tăng, đặc biệt là trong lĩnh vực khách sạn nhà hàng và lữ hành.
Tuy nhiên, bên cạnh các cơ hội, Việt Nam cũng phải đương đầu với những thách thức không nhỏ như: các nhà kinh doanh lữ hành nước ngoài với khả năng tài chính lớn, kỹ năng quản lý chuyên nghiệp, am tường về thị trường khách du lịch quốc tế, nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu của thị trường và đặc biệt là kỹ năng tiếp thị chuyên nghiệp sẽ có nhiều lợi thế hơn so với các nhà lữ hàng trong nước.
PATA và lợi ích thành viên
Như vậy, với các cơ hội và thách thức mà ngành Du lịch Việt Nam phải đối mặt khi vào WTO thì vai trò của Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương (PATA) nói chung và PATA Việt Nam nói riêng cần phải được hiểu rõ nét hơn nhằm phát huy được các lợi ích của hội viên khi tham gia vào PATA.
Năm 1994, được sự đđồng ý của Chính phủ và của Tổng cục Du lịch, được PATA TW chấp thuận, Chi hội PATA Việt Nam được công nhận là đại diện chính thức của PATA tại Việt Nam. Chi hội PATA Việt Nam là một tổ chức nghề nghiệp trong đó các thành viên đơn vị thuộc mọi thành phần kinh tế liên quan đến lĩnh vực du lịch, hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, liên kết tự nguyện nhằm tăng cường trao đổi thông tin, hợp tác và giúp nhau cùng phát triển theo pháp luật nhà nước Việt Nam và phù hợp vơi điều lệ Hiệp hội PATA.
Trải qua hơn 10 năm hoạt động, từ chỗ ban đầu chỉ có 19 hội viên, đến nay Chi hội đã kết nạp được gần 200 hội viên, hầu hết là các doanh nghiệp hoạt đđộng trong lĩnh vực lữ hành, khách sạn, vận tải… trong cả nước. Chi hội đã tổ chức nhiều hoạt động như: hội thảo, cung cấp thông tin, đào tạo ngắn hạn, quảng bá du lịch Việt Nam thông qua sự kiện của PATA tại nước ngoài, quảng bá các sự kiện trong nước qua trang web của PATA quốc tế, giao lưu với chi hội Thái Lan...
Thành viên và các lợi ích PATA mang lại
Khi trở thành thành viên chính thức của PATA, các thành viên sẽ được hưởng các lợi ích sau:
- Được Chi hội hỗ trợ trong hoạt động kinh doanh, mở rộng hợp tác kinh doanh trong và ngoài nước.
- Được cung cấp thông tin theo định kỳ thông qua trang web của Chi hội: www.patavietnam.org
- Được tham gia các chương trình hoạt động do Chi hội tổ chức
- Được tham gia góp ý kiến và quyết định kế hoạch hoạt động Chi hội.
- Được tham gia bầu cử, đề cử và ứng cử vào các cơ quan lãnh đạo Chi hội
Mặt khác, để tạo điều kiện cho Chi hội thực hiện được các quyền lợi của mình, thành viên cần chấp hành nghiêm chỉnh Điều lệ và các nghị quyết của Chi hội; tích cực tham gia các hoạt động của Chi hội góp phần xây dựng Chi hội lớn mạnh; đóng hội phí đầy đủ, đúng quy định.
Lợi ích PATA mang lại cho thành viên là những lợi ích chiến lược nhằm giúp cho thành viên tự bổ sung, trang bị cho mình những công cụ để xây dựng lợi thế cạnh tranh và đặc biệt là hội nhập vào thương trường trong nước cũng như quốc tế. Đó là sự hỗ trợ về thông tin, kinh nghiệm, đào tạo và quảng bá... Vì thế, các doanh nghiệp nên tìm đến PATA để nâng cao thương hiệu, và hưởng các lợi ích của PATA mang lại.
PATA Việt Nam chủ động hội nhập quốc tếTrong những năm qua, Chi hội PATA Việt Nam đã thực sự có được một vị thế đáng kể trên trường quốc tế, với PATA TW nói chung và các chi hội khác nói riêng.
Trước sự hội nhập toàn diện của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới, PATA Việt Nam cần chủ động hơn trong việc kết nối giữa các doanh nghiệp thành viên với doanh nghiệp quốc tế, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp trong nước, giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhằm tạo ra các cơ hội kinh doanh cho các thành viện tự nắm bắt cũng như hỗ trợ các phương thức kỹ thuật để các thành viên am hiểu vượt qua được những thách thức trong cơ chế thị trường.
Để thực hiện tốt vai trò Hiệp hội của mình, Chi hội PATA tiếp tục góp phần vào các sự kiện do PATA mang lại. Với đặc thù PATA là một tổ chức nghề nghiệp quốc tế, thông qua PATA, Chi hội có thể làm chất xúc tác trong việc tranh thủ các kỹ thuật nghiệp vụ trong tiếp thị, quảng bá và đào tạo. Hơn nữa, trong thời gian sắp tới, Chi hội có hướng đăng cai tổ chức các sự kiện quan trọng định kỳ do PATA đề xướng như: hội nghị Ban Lãnh đạo PATA, PATA Travel Mart...
Để thực hiện thành công các sự kiện quốc gia nêu trên, ngoài sự hợp tác chặt chẽ về kỹ thuật của PATA TW, sự chỉ đạo của Chính phủ, sự hỗ trợ tích cực của toàn thể các thành viên, sự quan tâm của các đơn vị kinh tế trong và ngoài Chi hội, đặc biệt là sự phối hợp nhịp nhàng của tất cả các Bộ, Ban, Ngành... là những yếu tố góp phần tạo đà phát triển đưa ngành Du lịch Việt Nam lên một tầm cao mới. Năng lực tổ chức các sự kiện trọng đại của Việt Nam đã hoàn toàn được khẳng định như: APEC, ASEM, SEA Games... Điều này cùng với các ưu thế về đất nước và con người, an toàn - an ninh của Việt Nam, đã tạo nên lợi thế cạnh tranh đặc biệt cho Việt Nam khi được mời đăng cai tổ chức các sự kiện lớn của PATA.
Với mục tiêu của ngành Du lịch Việt Nam là đưa Việt Nam thành một trong 10 điểm du lịch hấp dẫn nhất thế giới và là một trung tâm du lịch có tầm cỡ trong khu vực, PATA Việt Nam cần chủ động hơn trong việc hội nhập với PATA thế giới.
HOÀNG TUẤN ANH
Tổng Cục trưởng TCDL
Chủ tịch PATA Việt Nam