Hiện nay cả nước có khoảng 1.450 làng nghề, sự phân bố làng nghề trong cả nước tập trung vào đồng bằng sông Hồng (chiếm 67,3%), miền Trung (20,5%) và miền Nam (12,2%).
Kết quả phân loại 1.450 làng nghề theo 6 loại hình như sau: chế biến lương thực thực phẩm, dược liệu - 197 làng (chiếm 13,59%); ươm tơ, dệt vải, đồ da - 173 làng (chiếm 11,93%); thủ công mỹ nghệ, thêu ren - 618 làng (chiếm 62,1%), sản xuất vật liệu xây dựng - 31 làng (chiếm 2,14%); còn lại là ngành nghề khác - 341 làng (chiếm 23,52%).
Sự phát triển của làng nghề đã và đang góp phần đáng kể trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các địa phương, đóng góp GDP chiếm tỷ lệ không nhỏ. Sự phát triển của làng nghề cũng mang lại những hệ quả xã hội to lớn, mang lại lợi ích kinh tế và tăng cường quan hệ tình làng nghĩa xóm. Nhiều phong tục truyền thống được phục hồi như: hội làng, giỗ tổ nghề… Tuy nhiên, sự phát triển của làng nghề cũng kéo theo tình trạng ô nhiễm môi trường, trong đó ô nhiễm nguồn nước thải của làng nghề là vấn đề đáng được các nhà chức trách quan tâm và có giải pháp xử lý triệt để nhằm góp phần bảo đảm sức khỏe cho cộng đồng. Đặc biệt, 3 loại hình làng nghề có khả năng gây ô nhiễm môi trường nước nông thôn là làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm; làng nghề dệt nhuộm, ươm tơ, dệt vải; làng nghề tái chế giấy.
Hiện trạng ô nhiễm môi trường nước tại làng nghề
Môi trường nước tại các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm (NSTP): là loại hình sản xuất có nhu cầu sử dụng nước lớn và phần lớn lượng nước này được thải ra ngoài. Nước thải của các làng nghề này có đặc tính chung là rất giàu chất hữu cơ, dễ phân hủy sinh học. Cho đến nay, phần lớn nước thải tại các làng nghề đều thải thẳng ra ngoài không qua bất kỳ khâu xử lý nào. Nước thải này tồn đọng ở cống rãnh thường bị phân hủy yếm khí gây ô nhiễm không khí và ngấm xuống lòng đất gây ô nhiễm môi trường đất và suy giảm chất lượng nước ngầm.
Mặt khác, phần lớn các làng nghề chế biến NSTP đều tận thu phế liệu để chăn nuôi. Nước thải từ nguồn này cũng gây ô nhiễm môi trường không khí và nước đáng kể.
Hiện trạng môi trường nước tại các làng nghề dệt nhuộm: Do sản xuất có sử dụng nhiều nước, hóa chất, thuốc nhuộm nên thành phần các chất ô nhiễm trong nước thải làng nghề dệt nhuộm bao gồm: các tạp chất tự nhiên tách ra từ sợi vải: chất bẩn, dầu, sáp, hợp chất chứa nitơ, pectin trong quá trình nấu tẩy, chuội tơ và các hóa chất sử dụng trong quy trình xử lý vải, các loại thuốc nhuộm, chất tẩy giặt. Khoảng 10 - 30% lượng thuốc nhuộm và 85 - 90% lượng hóa chất sử dụng bị thải ra ngoài cùng với nước thải.
Kết quả điều tra y tế cho thấy bệnh ngoài da, viêm mũi, viêm họng và suy nhược thần kinh là các bệnh rất thường gặp ở người lao động tại các làng nghề này.
Hiện trạng môi trường nước tại các làng nghề tái chế giấy: Đối với các làng nghề tái chế giấy, ô nhiễm chủ yếu từ nước thải ở các công đoạn ngâm tẩm, nấu và nghiền nguyên liệu cũng như công đoạn xeo giấy. Tuy mức độ ô nhiễm không bằng nước thải từ các cơ sở sản xuất công nghiệp sử dụng nguyên liệu thô nhưng do việc thải nước bừa bãi và không qua khâu xử lý mà thải thẳng vào nguồn nước mặt nên ảnh hưởng đến chất lượng môi trường là rất lớn. Lượng nước thải này còn chứa hóa chất dư, bột giấy và có hàm lượng chất hữu cơ cao nên hàm lượng ôxy hòa tan tại các nguồn tiếp nhận rất thấp, gần như bằng 0. Bột giấy, xơ sợi còn sót trong nước thải gây bồi đắp lòng mương, ao hồ.
Giải pháp cải thiện môi trường làng nghề
Về quy hoạch
Các giải pháp quy hoạch không gian làng nghề gắn với bảo vệ môi trường (BVMT) bao gồm các nội dung: lồng ghép hoạt động du lịch với sản xuất nghề; tập trung theo mô hình các khu công nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn; phân tán tại từng cơ sở.
Về quản lý
Đối với các làng nghề nên lấy quản lý cấp xã làm nòng cốt trong hệ thống quản lý môi trường. Cần thiết xây dựng các chính sách khuyến khích hỗ trợ tại các làng nghề như giảm thuế, phí đối với các cơ sở thực hiện tốt BVMT và các cơ sở có đầu tư BVMT hay hỗ trợ vốn cho các dự án cải thiện môi trường thông qua việc lập qũy BVMT.
Quản lý môi trường thông qua hương ước làng xã là một giải pháp cần quan tâm vì đây là một công cụ quản lý môi trường hữu hiệu ở nông thôn do thích hợp với cộng đồng tại từng khu vực.
Về giáo dục môi trường và nâng cao nhận thức của người dân
Giáo dục môi trường được xây dựng theo mục đích hỗ trợ trực tiếp cho công tác quản lý môi trường của chính quyền xã, thôn nhằm làm cho người dân hiểu biết về những tác hại môi trường và sức khỏe tại làng nghề, trách nhiệm và sự tham gia của họ trong các hoạt động vệ sinh môi trường.
Công tác giáo dục, tuyên truyền cần được xem là một công việc thường xuyên và mang tính liên tục, không dừng lại ở một hoạt động chỉ mang tính chất phong trào tại một thời điểm nhất định mà cần được tổng kết, rút kinh nghiệm kịp thời để nhân rộng các điển hình như một hoạt động sinh hoạt văn hóa thường kỳ của người dân làng nghề.
Về kỹ thuật
Các giải pháp kỹ thuật áp dụng để cải thiện môi trường ở các làng nghề bao gồm các giải pháp sản xuất sạch hơn và biện pháp xử lý cuối đường ống. Thực tế cho thấy, tiềm năng thực hiện sản xuất sạch hơn ở các làng nghề là rất lớn. Việc quản lý nội vi tốt sẽ giúp giảm thiểu đáng kể lượng chất thải phát sinh cũng như tận dụng triệt để nguyên vật liệu giúp nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên vật liệu trong quá trình sản xuất, tiết kiệm tài chính.
Đồng thời việc tiến hành thiết kế hệ thống xử lý còn được thực hiện dựa trên các yếu tố chính như: đặc trưng dòng thải, điều kiện thực tế làng nghề (mặt bằng, vị trí, vốn…) và đặc tính kỹ thuật của hệ thống (lắp đặt, xây dựng, vận hành…).
Công nghệ xử lý nước thải tại làng nghề
Làng nghề chế biến nông sản thực phẩm (chế biến rượu, tinh bột, đậu phụ...): xử lý nước thải chung quy mô cả làng trên hệ thống cống rãnh chung có bố trí các hố gas để tiếp tục lắng, tách tạp chất sau đó đưa vào bể lắng - điều hòa, tại đây, phần lớn các tạp chất dễ lắng được tách ra, đồng thời bể còn có tác dụng điều hòa lưu lượng làm cho lưu lượng nước thải luôn ổn định.
Xử lý nước thải cho quy mô cụm gia đình bằng bể aeroten quy mô nhỏ được cấp khí bằng bơm Ejector.
Lựa chọn phương án xử lý nước thải làng nghề dệt nhuộm:
Xử lý nước thải tại cơ sở sản xuất hộ gia đình, nước thải sản xuất sau khi qua song chắn rác để tách hết các tạp chất rắn ra khỏi nước được đưa vào bể lắng sơ bộ, sau đó đưa qua bể điều hòa lưu lượng.
Xử lý nước thải cơ sở sản xuất quy mô lớn hoặc cụm gia đình: sử dụng quá trình keo tụ, tạo bông và lắng để xử lý các chất rắn lơ lửng, độ đục, độ màu của nước thải tẩy nhuộm.
Lựa chọn công nghệ xử lý nước thải làng nghề tái chế giấy:
Xử lý tại hộ sản xuất cho một máy xeo, nước thải từ các cơ sở tái sinh giấy chứa nhiều xơ sợi và bột giấy có kích thước nhỏ bị lọt qua nước xeo. Chỉ cần tách tận thu xơ sợi này ngay cả tại từng cơ sở sản xuất, từng hộ sản xuất trước khi nước thải nhập vào dòng thải chung để đưa đi xử lý. Để tách xơ sợi và bột giấy trong nước thải có thể áp dụng các biện pháp sau:
Xây dựng bể lắng, đơn giản và hiệu quả nhất là xây dựng bể lắng ngang. Định kỳ nạo vét, tận thu lại lượng xơ sợi lắng ở đáy bể. Kinh phí đầu tư thấp, hiệu quả xử lý tận thu được 50 - 60% lượng bột giấy.
Kết hợp bể lắng và lọc túi cho dòng nước thải chảy vào các túi lọc (bằng vải hay bao tải xác rắn), đặt nằm ngang và ngay ở cửa vào của các bể lắng.
Kết hợp tuyển nổi và lắng, đây là biện pháp tách xơ sợi trong nước thải triệt để hơn.
Phương pháp hấp phụ bằng Bentonit (áp dụng cho nước thải có độ màu cao), theo một số tài liệu nghiên cứu thì đối với công nghệ sản xuất giấy có sử dụng phẩm màu (giấy vệ sinh, giấy hàng mã..) hiệu quả của quá trình làm sạch dòng thải bằng Bentonite phụ thuộc vào thành phần của nước thải. Điểm nổi bật của phương pháp này là sử dụng bentonite là chất hấp phụ hữu cơ trong nước thải. Đây là nguyên liệu rất dễ kiếm, có nhiều trong thiên nhiên, giá thành rẻ và rất phù hợp với điều kiện kinh tế của các cơ sở sản xuất nhỏ.
Nếu như hệ thống quản lý môi trường hoạt động tốt, tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức BVMT cho bà con dân làng nghề, áp dụng triệt để và liên tục các giải pháp sản xuất sạch hơn, tuần hòan lại nước thải đã xử lý thì chi phí cho xây dựng hệ thống xử lý nước thải sẽ còn giảm đáng kể.
GS.TS. ĐẶNG KIM CHI
Viện KH &CN Môi trường - ĐHBK Hà Nội