Năm 2006 Cần Thơ đón hơn 1,4 triệu lượt khách, trong đó có 135.000 lượt khách quốc tế, doanh thu ước đạt 292 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2005 và đạt 106% kế hoạch năm. Tuy nhiên khi bắt tay vào hội nhập, Cần Thơ vẫn còn phải đương đầu với nhiều thách thức. Ông Đinh Viết Khanh, Giám đốc Sở Du lịch Cần Thơ đã dành thời gian trao đổi với PV Tạp chí Du lịch xung quanh vấn đề này.
Xin ông cho biết những cơ hội mới của Du lịch Cần Thơ khi Việt Nam gia nhập WTO?
Bình đẳng trong kinh doanh là tiền đề quan trọng để khơi dậy các nguồn lực bên trong cũng như bên ngoài cho phát triển đất nước, trong đó có du lịch. Do vậy, khả năng thu hút vốn đầu tư trong nước và FDI sẽ được cải thiện. Cần Thơ xem đây là nguồn lực quan trọng để Du lịch từng bước vươn tới trình độ của khu vực và thế giới. Với môi trường kinh doanh thông thoáng và bình đẳng, hiện tại, có nhiều tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước đang hướng đến Cần Thơ để đầu tư trong lĩnh vực du lịch.
Hội nhập cũng tạo ra cơ hội học hỏi kiến thức – kinh nghiệm – trình độ quản lý, tổ chức khai thác kinh doanh từ các nước có nền du lịch phát triển, giúp đào tạo đội ngũ nhân lực theo kịp trình độ quốc tế. Nhìn vào tốc độ phát triển du lịch nhanh chóng ở một số nước trong khu vực, có thể thấy rõ hội nhập đã đem lại lợi ích cho cả 2 phía.
Sự dỡ bỏ các rào cản sẽ cho phép gia tăng luồng lưu chuyển khách giữa các nước, du khách sẽ đến ĐBSCL và Cần Thơ nhiều hơn. Đặc biệt vào năm 2008, khi sân bay quốc tế Cần Thơ và cầu Cần Thơ được đưa vào hoạt động cùng với sự kiện Năm Du lịch quốc gia “Miệt vườn sông nước Cửu Long”, TP. Cần Thơ sẽ có sức hấp dẫn nhiều hơn đối với du khách.
Theo ông, những giải pháp nào để Du lịch Cần Thơ nhanh chóng hội nhập vào sân chơi chung WTO?
Một trong những lo ngại hàng đầu của Du lịch Cần Thơ khi bước vào cạnh tranh là sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong Thành phố và doanh nghiệp trong khu vực ĐBSCL quá yếu. Trong thời gian tới, cần nâng cao vai trò và chuyên nghiệp hóa hoạt động của các Hiệp hội Du lịch để hiệp hội giữ vai trò trung tâm tác động đến sự phát triển của Ngành; cơ quan quản lý nhà nước chỉ đóng vai trò tạo hành lang pháp lý, hướng dẫn hỗ trợ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động chứ không can thiệp sâu như trước.
Thách thức đối với ngành Du lịch Cần Thơ không phải là khai thác triệt để những cơ hội kinh doanh mang đến nhờ toàn cầu hóa, mà còn phải tìm mọi cách giải phóng những tiềm năng du lịch chưa được khai thác của địa phương, biến nó thành những sản phẩm đặc thù được du khách gần xa ưa chuộng.
Trong tiến trình hội nhập, căn cứ những cam kết của Việt Nam về hoạt động du lịch khi gia nhập WTO, các doanh nghiệp du lịch chủ động điều chỉnh chiến lược kinh doanh, phối hợp với các địa phương, tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá để mở rộng thị trường du lịch.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn nữa là Du lịch Cần Thơ phải xây dựng cho được những sản phẩm du lịch đặc thù để tạo dựng hình ảnh Cần Thơ thành một điểm hẹn sông nước ĐBSCL. Bên cạnh đó, cần đào tạo nguồn nhân lực cả chất và lượng để xây dựng được đội ngũ cán bộ có chuyên môn giỏi, thành thạo ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu phát triển của Du lịch Cần Thơ trong giai đoạn hội nhập WTO.
NGUYỄN HÀ PHƯƠNG (thực hiện)