Trong tuyên bố cùng ngày WHO đánh giá đợt xuất hiện các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới ở Việt Nam không gây lo ngại, chủng virus này không khác gì so với virus gây dịch COVID-19 ở các quốc gia khác.
Ông Kidon Park, đại diện của WHO tại Việt Nam, nêu rõ: "Virus gây bệnh COVID-19 được tìm thấy ở Đà Nẵng cũng tương tự như COVID-19 lây lan ở các quốc gia khác vào tháng 7. Mặc dù có các đột biến xuất hiện trong loại virus này, song không có lý do nào làm tăng sự lo ngại. Theo những dữ liệu hiện có, khả năng lây lan và độc lực của COVID-19 không thay đổi".
"Chính phủ Việt Nam luôn cố gắng đảm bảo rằng người dân được bảo vệ khỏi COVID-19 và kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh này. Việt Nam từng xử lý hiệu quả làn sóng COVID-19 và từ thời điểm đó luôn sẵn sàng chuẩn bị cho khả năng lây lan rộng hơn của dịch bệnh này trong xã hội. WHO tôn vinh hành động nhanh chóng và quyết đoán của Chính phủ Việt Nam nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2", ông Park cho biết thêm.
Trước đó vào sáng 29/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 trong bối cảnh vừa qua tiếp tục xuất hiện một số ca dương tính tại thành phố Đà Nẵng.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, dịch COVID-19 lần này đã khác so với lần trước do dịch đã lây ra cộng đồng nhiều ngày; chưa tìm được ca F0…. Do vậy, tình hình phức tạp và diễn biến nhanh trong thời gian ngắn. “Cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác, nêu cao trách nhiệm trước nhân dân; không được để vỡ trận, không chủ quan”, Thủ tướng yêu cầu.
Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19; Bộ Y tế; các bộ ngành liên quan, các địa phương vào cuộc mạnh mẽ, tuyên truyền lại về dịch bệnh đầy đủ, bằng nhiều hình thức để đề cao cảnh giác.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu việc thực hiện nghiêm túc Công điện của Thường trực Ban Bí thư; Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước; chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.
Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh ngành Y tế Đà Nẵng đã thực hiện giãn cách xã hội triệt để như tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg về cách ly xã hội cùng nhiều biện pháp nhân rộng để giảm mức độ giao lưu, đi lại tại các ổ dịch đã được phát hiện.
Nhấn mạnh các địa phương đều có nguy cơ cao, phải nâng cao tinh thần cảnh giác, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các địa phương huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, huy động tinh thần cảnh giác của người dân nhằm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Cùng với cảnh giác, Thủ tướng đề nghị ngành Y tế, ngành Tài chính các địa phương cần đảm bảo năng lực cho hệ thống y tế, công an, quân đội ở các địa phương trên tinh thần “hỏi đâu có đó”.
Báo cáo tại cuộc họp, quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tính đến sáng 29/7, ổ dịch tại Đà Nẵng đã ghi nhận 30 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 27 trường hợp tại Đà Nẵng; 2 trường hợp tại Quảng Nam; 1 trường hợp tại Quảng Ngãi. Dự kiến, chiều nay sẽ công bố thêm 4 trường hợp mắc COVID-19 tại một số tỉnh, thành phố lớn.
Nhận định tình hình dịch của Đà Nẵng, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, phần lớn các trường hợp nhiễm có liên quan đến khu vực của 3 bệnh viện: Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Phục hồi chức năng Đà Nẵng - hiện đã được phong tỏa.
Xác định ổ dịch không chỉ trong bệnh viện mà có thể bao gồm khu vực lân cận bên ngoài, ông Nguyễn Thanh Long cho biết, vấn đề đáng quan tâm hiện nay là có 3 trường hợp chưa tìm thấy nguồn gốc lây nhiễm (trường hợp lây nhiễm cộng đồng thuộc quận Hải Châu và quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) dù đã tiến hành điều tra kỹ.
Đối với các địa phương khác, hiện nay mới chỉ phát hiện khả năng cao xâm nhập từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đắk Lắk và Đắk Nông. Do đó, ông Nguyễn Thanh Long cho biết hiện nay ưu tiên tối đa cho vấn đề về dập dịch tại ổ dịch Đà Nẵng.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị: “Dập ổ dịch của Đà Nẵng hết sức quan trọng, quyết định thành công vấn đề kiểm soát lây nhiễm cộng đồng. Vì vậy, Đà Nẵng cần phải chạy đua với thời gian và triển khai nhanh tất cả các biện pháp”.
Ngày 29/7, hàng loạt phương tiện truyền thông quốc tế cũng có những bài viết đề cao các biện pháp mà Chính phủ Việt Nam thực hiện ngay sau khi xuất hiện trở lại các ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đầu tiên trong cộng đồng, đồng thời bày tỏ tin tưởng Việt Nam có thể kiểm soát được tình hình nhờ kinh nghiệm và thiết bị sẵn có.
Bloomberg News ngày 28/7 đăng bài viết cho biết, sau khi phát hiện các ca mắc COVID-19 trong cộng đồng ở thành phố Đà Nẵng, Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng triển khai các biện pháp giãn cách và ban hành trở lại các biện pháp phòng dịch, trong đó có quy định đeo khẩu trang ở nơi công cộng.
Cùng ngày, trang Nikkei của Nhật Bản đưa tin, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu chính quyền các địa phương kiểm soát chặt chẽ hơn các đối tượng người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Trong khi đó, bài viết đăng ngày 27/7 trên The Diplomat nhận định có nhiều yếu tố cho thấy Việt Nam có thể kiểm soát được tình hình. Theo bài viết, Việt Nam có nhiều kinh nghiệm chống dịch bệnh, không chỉ riêng dịch COVID-19. Là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới bị đại dịch tấn công, Việt Nam sớm nhận thức về tầm quan trọng của việc ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan.
Nhờ các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh lây lan ngay từ sớm, Chính phủ Việt Nam đã kiểm soát thành công hai đợt bùng phát dịch COVID-19 trước đó vào tháng 1 và tháng 3/2020, thể hiện bằng số ca bệnh thấp và không có trường hợp tử vong. Đây được cho là cơ sở để tin rằng Việt Nam có thể xử lý tốt làn sóng lây nhiễm tiếp theo này.
Nguồn: baotintuc.vn