“Cuộc cách mạng công nghệ số đã và đang tác động mạnh mẽ đối với các ngành, lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có Du lịch. Xu thế công nghệ sẽ làm thay đổi các phương thức quản lý, kinh doanh và tiêu dùng du lịch. Vì thế, phát triển nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh cách mạng công nghệ số là yêu cấp thiết đối với Du lịch Việt Nam trong thời gian tới”, PGS.TS Nguyễn Thị Bích Loan, Phó hiệu trưởng Đại học Thương mại nhấn mạnh trong phần đề dẫn.
Các tham luận tại hội thảo cho thấy, nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam đang có sự hạn chế lớn, không chỉ thiếu về số lượng, mà chất lượng cũng chưa đáp ứng được các đòi hỏi của thị trường lao động.
Theo TS Đỗ Thị Thanh Hoa, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (TCDL), năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0 và giảm thiểu những tác động tiêu cực của làn sóng này ở Việt Nam, trong đó nêu rõ Du lịch là một trong những ngành kinh tế được ưu tiên xây dựng chiến lược chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm thúc đẩy du lịch thông minh ở Việt Nam. Trên thực tế, ngành Du lịch được xem là có lợi thế khi phát triển dựa trên sự phục vụ con người với nhu cầu đa dạng và ngày một nâng cao. Với sự hỗ trợ của công nghệ số có thể tạo ra và cung cấp các dịch vụ du lịch tốt nhất cho du khách đến Việt Nam.
Tuy nhiên, tất cả những thay đổi do cuộc CMCN lần thứ 4 tạo ra ở các lĩnh vực lưu trú, lữ hành, giải trí, vận chuyển… gắn với trí tuệ nhân tạo trong chuỗi sản phẩm du lịch từ cung cấp thông tin, đặt chỗ, cung cấp dịch vụ, mua sắm cho đến giao tiếp, hỗ trợ, truyền thông, quản lý… đều đòi hỏi sự tiến bộ đồng bộ và thậm chí là đi trước của nguồn nhân lực. Nhưng trên thực tế, nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam đang yếu và thiếu trước nhu cầu phát triển du lịch nhất là vấn đề chất lượng nguồn nhân lực du lịch trước thời đại công nghệ số.
Báo cáo của WEF xếp hạng năng lực cạnh tranh ngành lữ hành và du lịch 2019 được TS Thanh Hoa trích dẫn cho thấy, năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 4 bậc từ vị trí 67/136 (2017) lên 63/140 (2019). Song, chỉ số sức cạnh tranh về nguồn nhân lực và thị trường lao động vẫn còn thấp, xếp hạng 47/140 đạt 4,8 điểm, sụt giảm so với năm 2017, chỉ xếp trên Lào, Campuchia, Bruney trong các nước ASEAN.
Theo TS Thanh Hoa, đánh giá xếp hạng của WEF phản ánh khá chính xác hạn chế về lao động Du lịch Việt Nam trước bối cảnh công nghệ 4.0 đang phát triển mạnh mẽ. “Số liệu 2017 cho thấy, ngành Du lịch có khoảng hơn 750.000 lao động trực tiếp, trong tổng số hơn 2,5 triệu lao động liên quan đến du lịch; tỷ lệ lao động có chuyên môn về du lịch (được đào tạo và bồi dưỡng về du lịch) chiếm khoảng gần 45%/tổng số. Theo tính toán, mỗi năm toàn ngành cần thêm gần 40.000 lao động. Tuy nhiên, lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000 người/năm, trong đó chỉ hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Ngoài khoảng cách về số lượng này, khoảng cách về kỹ năng trong lực lượng lao động du lịch hiện nay cũng lớn - chỉ 42% người lao động được đào tạo chuyên ngành về du lịch, trong khi đó 38% chuyển từ ngành khác sang và 20% không được đào tạo chính quy. Như vậy, nguồn cung nhân lực du lịch trên toàn quốc được xem là yếu và thiếu”, TS Thanh Hoa cho biết.
Nhận định về những hạn chế trong việc đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực du lịch, PGS.TS Nguyễn Thị Nguyên Hồng, Trường đại học Thương mại cho biết, trước những khó khăn về nguồn nhân lực ngành Du lịch, từ năm 2017 Chính phủ đã cho phép các cơ sở đào tạo thực hiện chương trình đào tạo nguồn nhân lực du lịch theo cơ chế đặc thù. Nhưng việc tuyển sinh theo cơ chế này cũng chỉ mới được thực hiện từ năm 2018. Đến nay, cũng mới có rất ít trường xây dựng được đề án đào tạo theo cơ chế đặc thù và triển khai đào tạo.
“Những trường có chương trình đào tạo đặc thù được tuyển sinh với quy mô không giới hạn nhưng thực tế là các trường cũng không thể tuyển sinh được nhiều, do phụ thuộc vào nguồn lực mà trường có và phải đảm bảo chất lượng. Ví dụ như Trường đại học Thương mại cũng chỉ tuyển 400 - 500 sinh viên mỗi năm; Trường đại học KHXH&NV (ĐHQGHN) cũng chỉ tuyển 100 - 200 sinh viên mỗi năm”, PGS.TS Nguyễn Thị Nguyên Hồng cho hay.
Theo PGS.TS Lê Thị Thu Thủy,Trường Đại học Ngoại thương, nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao quản trị khách sạn tại Việt Nam trong thời gian tới sẽ mở ra cơ hội về việc làm cho sinh viên theo học ngành này. Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, các cơ sở đào tạo cần hướng tới tăng cường về chất, thay vì đào tạo theo số lượng.
Với các chủ đề: Chính sách và hành lang pháp lý đối với đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh hiện nay; Một số vấn đề đặt ra đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch trình độ đại học; Đào tạo và đánh giá nguồn nhân lực chất lượng cao trong du lịch; Ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam… các tham luận đã “mổ xẻ” những hạn chế về chất lượng nguồn nhân lực du lịch, những bất cập trong công tác đào tạo, hạn chế trong lý luận và thực tiễn… cũng như thảo luận, chia sẻ các thông tin, bổ sung luận cứ khoa học góp phần thúc đẩy quá trình phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo các chuyên ngành về Du lịch tại Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập, đặc biệt là bối cảnh cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ…
Nguyễn Hùng