Báo cáo đề dẫn của UBND huyện Mường La tập trung vào điểm nhấn du lịch của địa phương – đó là thủy điện lớn nhất Đông Nam Á cùng hơn 20 công trình thủy điện vừa và nhỏ với các hồ nước nhân tạo trên các sông Nặm Mu, Nặm Chiến, Nặm Trai, Nặm Bú…, những mó nước khoáng nóng tại bản Hua Ít, thị trấn Ít Ong, bản Lướt (xã Ngọc Chiến) bản Nà Cưa (Chiềng Hoa), bản Mển (Hua Trai)…, Mường La còn có hệ thống hang động đẹp và các di tích lịch sử thời kỳ chống Pháp (lũng Đán Đanh, xã Mường Chùm; đồn Pom Pát (thị trấn Ít Ong); đồn Mường Chiến (Ngọc Chiến). Bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc vùng núi Tây Bắc cũng là nét đặc sắc của Mường La nói riêng, Sơn La nói chung. Hệ thống giao thông từ Mường La đi Than Uyên (Lai Châu), Nghĩa Lộ (Yên Bái), Sapa (Lào Cai) thuận lợi trong việc kết nối du lịch. Những năm gần đây, các điều kiện phát triển du lịch đã hình thành, bước đầu đáp ứng các hoạt động du lịch trên địa bàn huyện.
Số liệu của UBND huyện Mường La cho thấy, lượng khách du lịch đến Mường La có sự tăng trưởng nhanh về số lượng, năm 2015 mới chỉ đạt 45.000 lượt khách thì đến năm 2019 đã đạt 165.000 lượt khách. Tuy nhiên, doanh thu từ du lịch còn “khiêm tốn”, năm 2019 tổng thu du lịch Mường La đạt 16,5 tỷ đồng.
Nhìn nhận thực trạng du lịch của địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La Mùa Thị Sinh thẳng thắn “các sản phẩm du lịch chưa phát huy được giá trị và vai trò, các chính sách phát triển du lịch chưa hiệu quả, chưa thu hút được các nhà đầu tư, cơ sở vật chất còn thiếu…”. Đặc biệt, trong xu thế CMCN 4.0 “nhân lực thực hiện ứng dụng CNTT trong phát triển du lịch đang đặt ra bài toán khó đối với địa phương” - bà Sinh nhấn mạnh.
Nhận xét về tiềm năng du lịch Mường La, PGS.TS Phạm Trung Lương, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội đào tạo Du lịch Việt Nam cho rằng, tiềm năng của địa phương là rất lớn, bên cạnh tài nguyên tự nhiên, tài nguyên du lịch văn hóa của Mường La cũng rất đặc sắc, tiêu biểu là cuộc sống người dân bản địa, các lễ hội mang đậm văn hóa tín ngưỡng như Lễ hội Mừng cơm mới, nghi lễ cúng vía trâu của đồng bào dân tộc Thái; thêu, dệt thổ cẩm của người Mông; ẩm thực khá đặc sắc; sức thu hút du khách còn ở giá trị kiến trúc truyền thống với những nếp nhà sàn bằng gỗ pơ mu hàng trăm năm tuổi vẫn còn lưu giữ được. Mường La còn có đặc điểm khí hậu trong lành mát mẻ do nằm ở độ cao trung bình 700 m so với mặt nước biển, cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, còn nhiều hang động, thác, suối chưa được khám phá…
“Mường La hoàn toàn có thể đa dạng hóa sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng du khách”, PGS. TS Phạm Trung Lương nhấn mạnh và phân tích, bên cạnh tài nguyên nước khoáng nóng đáp ứng khách nghỉ dưỡng, chữa bệnh, Mường La có địa hình rất phù hợp đối với khách khám phá, trải nghiệm thiên nhiên, thể thao, mạo hiểm, trekking…
Tuy nhiên, do tính liên kết còn quá yếu nên hình ảnh điểm đến Mường La còn rất mờ nhạt trong bức tranh du lịch chung của Sơn La và cả vùng Tây Bắc.
“Mường La có vị trí rất quan trọng với tư cách là trọng điểm kết nối liên vùng Hà Nội – Mai Châu – Mộc Châu – Mường La – Mù Cang Chải, nếu khai thác được tuyến này sẽ mang lại những trải nghiệm đầy đủ nhất về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, con người Tây Bắc. Đây cũng là sản phẩm đặc sắc do được tham quan công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á”, ông Lương nói.
Đồng tình với ý kiến này, PGS.TS Phạm Văn Lợi, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (Đại học quốc gia Hà Nội) cho rằng, du khách biết đến Mộc Châu nhiều và dừng chân tại Mộc Châu là chính. Điều này đặt ra câu hỏi, vì sao tiềm năng Mường La rất lớn nhưng chưa thu hút du khách? Ngoài vấn đề sản phẩm du lịch chưa tạo được sức hút còn có nguyên nhân khác là đường giao thông chưa thuận lợi.
“Nên tính đến việc thực hiện tour đến Ngọc Chiến (Mường La) theo hướng Hà Nội – Nghĩa Lộ - Ngọc Chiến – Sơn La – Mộc Châu – Hà Nội, thay vì Hà Nội – Mộc Châu – Sơn La – Mường La như hiện nay”, ông Lợi nêu ý kiến.
Về vấn đề quảng bá du lịch, ông Lợi thẳng thắn nói “Mường La chưa chú trọng đúng mức. Hiện tại, huyện chưa có website về du lịch, cổng thông tin của huyện cũng chỉ có rất ít thông tin du lịch dành cho du khách”. Theo ông Lợi, Mường La cần có ngay một “góc riêng” về du lịch, đây là việc hết sức cần thiết cho sự nghiệp phát triển du lịch địa phương. Đồng thời, vấn đề y tế cũng cần được quan tâm đầu tư, nâng cấp cho phù hợp với nhu cầu và sự phát triển của du lịch, nhất là trong bối cảnh y tế cộng đồng được cả thế giới chú trọng, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, du khách trước những diễn biến khó lường.
Về vấn đề nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn, Hiệu trưởng Cao đẳng Sơn La Lưu Bình Khiêm cho biết, hiện Sơn La có 3 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhân lực du lịch, gồm Đại học Tây Bắc, Cao Đẳng Sơn La, Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch. Trong đó, Cao đẳng Sơn La là trường chuyên nghiệp đầu tiên của tỉnh tổ chức đào tạo nhân lực du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, nhà hàng, dịch vụ trên địa bàn. Bên cạnh công tác đào tạo, các khóa tập huấn nghiệp vụ theo “đơn đặt hàng” của doanh nghiệp, các huyện, các xã, bản làm du lịch luôn được triển khai…
Ở góc độ doanh nghiệp lữ hành, bà Vũ Giang Biên, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch Pattours – doanh nghiệp đã tổ chức khá nhiều đoàn Famtrip đến Ngọc Chiến - cho rằng, bên cạnh tiềm năng sinh thái, văn hóa lịch sử, Mường La còn có tiềm năng về du lịch nông nghiệp, du lịch mạo hiểm, khám phá ẩm thực, chữa bệnh. Cùng với việc cần tập trung đầu tư cho sản phẩm du lịch, Mường La cần chú trọng hơn đến công tác quảng bá, nhất là xây dựng hình ảnh, điểm đến qua các website du lịch…
Chia sẻ ý kiến này, Giám đốc Công ty Tiên Phong Travel Phùng Xuân Khánh cho rằng, các sản phẩm du lịch Mường La hiện tại chưa phát huy được tiềm năng cũng như tạo lợi thế cạnh tranh.
“Tuyến du lịch đường thủy trên hồ là một trong những thế mạnh, có thể tổ chức những tour trải nghiệm đặc thù của Mường La. Từ thủy điện Sơn La, có thể ngắm cảnh lòng hồ thủy điện Sơn La, qua các bản làng tái định cư; thăm hang Đán Đanh; trải nghiệm cách nuôi cá tầm trên sông. Đây chính là cơ sở, điều kiện thuận lợi để phát triển tour đường thủy, tuy nhiên, hiện mới có 2 thuyền phục vụ và 1 nhà hàng nổi phục vụ ăn uống tuyến này, các điểm dừng, nghỉ thăm thú cảnh quan hầu như chưa được khai thác, nên chưa tạo sức hút du khách”, ông Khánh nêu ý kiến.
Bên cạnh đó, du lịch Mường La – Ngọc Chiến gần đây được du khách trong nước biết đến, song, chủ yếu do phương thức “truyền khẩu” từ người này sang người khác sau khi một số đoàn khảo sát được tổ chức đến Ngọc Chiến, Mường La. Thông tin trên các website chính thức, cũng như mạng xã hội về du lịch Mường La còn quá ít, gây khó khăn rất lớn đối với du khách khi muốn tìm hiểu thông tin về Mường La, Ngọc Chiến.
“Vài năm trước đây, khi tìm hiểu thông tin về Ba Bể, Bắc Kạn, doanh nghiệp lữ hành chúng tôi cũng đã gặp tình trạng giống hệt Mường La, Ngọc Chiến bây giờ. Tiềm năng rất lớn nhưng quảng bá rất yếu, khiến du lịch nhiều năm ‘ngủ quên’ trên tiềm năng vô cùng phong phú. Tuy nhiên, hiện tại, thông tin về Ba Bể, Bắc Kạn đã được cải thiện rất mạnh mẽ, là công cụ hữu hiệu đối với du khách trong nước và quốc tế. Điều này khiến du lịch Ba Bể có bước đột phá nhanh chóng. Đối với Mường La, cần tận dụng lợi thế công nghệ 4.0 để đẩy mạnh quảng bá du lịch. Cần xây dựng, cập nhật thông tin điểm đến du lịch Mường La qua các Website bằng ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh, đây là hình thức quảng bá đặc biệt quan trọng trong thời đại công nghệ số”, ông Khánh đề xuất.
Với tinh thần cầu thị, lãnh đạo huyện Mường La, xã Ngọc Chiến ghi nhận và tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia du lịch, doanh nghiệp lữ hành, với mong muốn “khai thác, phát triển du lịch một cách khoa học, biến tiềm năng thành hiệu quả, phát triển bền vững gắn với bảo tồn các giá trị tự nhiên và văn hóa, phát triển kinh tế từ du lịch gắn với xóa đói giảm nghèo…”.
Viễn Nguyệt