Việt Nam đã và đang trải qua 4 đợt bùng phát dịch: làn sóng thứ nhất vào tháng 3 -4/2020, làn sóng thứ hai từ tháng 7 - 9/2020, làn sóng thứ ba từ tháng 1 - 3/2021 và lần thứ tư từ tháng 4/2021 đến nay. Sự bùng phát trở lại của dịch bệnh đã nhanh chóng khiến tình hình du lịch nội địa diễn biến tiêu cực; các doanh nghiệp du lịch chưa kịp phục hồi sau đợt dịch lần trước thì lại phải hứng chịu đợt dịch lần sau nên khó khăn càng thêm khó khăn...
Trước tình hình đó, Tổng cục Du lịch đã ban hành Bộ tiêu chí an toàn du lịch và cho ra mắt ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”; các doanh nghiệp du lịch đã nghiên cứu xây dựng chiến lược mới sống chung với dịch, tranh thủ thời gian đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… Sau thành công của 2 chương trình kích cầu du lịch năm 2020 với chủ đề “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”, mới đây Tổng cục Du lịch đã tiếp tục phát động chương trình du lịch nội địa mang chủ đề “Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn” theo lộ trình từ thị trường nội tỉnh, nội vùng đến mở rộng phạm vi cả nước. Chương trình đã nhận được sự tham gia, hưởng ứng của nhiều doanh nghiệp, địa phương và bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực…
Năm 2021, có 95% doanh nghiệp lữ hành dừng hoạt động, 35% doanh nghiệp lữ hành xin rút giấy phép kinh doanh; 90% cơ sở lưu trú du lịch đóng cửa, công suất phòng trung bình năm chỉ đạt 5%; hàng triệu lao động du lịch bị mất việc làm. Theo ước tính, năm qua Việt Nam phục vụ 40 triệu lượt khách du lịch nội địa, giảm 29% so với năm 2020; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 180.000 tỷ đồng, giảm 42% so với năm 2020; đóng góp GDP của Du lịch chỉ đạt 1,97% (năm 2019 đạt 9,2%, năm 2020 đạt 3,58%).
Hiện nay, đa số người dân vẫn có tâm lý e ngại khi đi du lịch. Để du khách yên tâm trước, trong và sau khi du lịch, cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm phủ vắc xin nhằm tạo miễn dịch cộng đồng, đặc biệt là tiêm cho nhân viên phục vụ tại các khu du lịch biển, khu nghỉ dưỡng, khu du lịch cộng đồng… Đối với các khu du lịch, các trung tâm vận chuyển, cần đặc biệt coi trọng chính sách 5K. Những người chưa an toàn thì cương quyết không cho gần khách du lịch; người đi du lịch cần phải cập nhật phần mềm tờ khai y tế và khách du lịch cần được test trước khi đi du lịch. Các công ty lữ hành, các doanh nghiệp tại các khu du lịch cần kiểm tra mẫu test dịch trước khi phục vụ thay cho việc đăng ký tạm trú của khách.
Chính phủ đã có Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19, trong đó quy định các chính sách cụ thể hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành Du lịch. Về thuế VAT, hiện doanh nghiệp đang được hưởng chính sách giãn nộp thuế 5 tháng và giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp du lịch đang kinh doanh thua lỗ thì không có lời để nộp thuế. Vì vậy, đề xuất cơ quan chức năng miễn thuế thu nhập doanh nghiệp và giảm 50 - 70% thuế VAT cho các đơn vị du lịch, nhất là các công ty lữ hành và các cơ sở lưu trú mới đưa vào hoạt động; miễn giảm thuế giá trị gia tăng cho tiêu dùng du lịch; giảm chi phí môi trường cho các doanh nghiệp du lịch, giảm thuế khoán đối với các hộ kinh doanh du lịch cá thể; áp dụng mức giá điện theo đơn giá điện sản xuất cho các cơ sở kinh doanh nhà hàng, dịch vụ lưu trú du lịch thay vì áp dụng mức giá dịch vụ; miễn giảm giá thuê đất khuôn viên cho các khu du lịch, khách sạn cao cấp…
Thời gian qua, nhiều lao động ngành Du lịch không có thu nhập đã phải tìm kiếm việc làm khác cho nên cần có giải pháp hỗ trợ để người lao động quay trở lại. Thiết nghĩ, Chính phủ cần có những chính sách thiết thực hơn nữa đối với các lao động ngành Du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp dễ dàng vay vốn để giữ lực lượng lao động nòng cốt. Các công ty nên có chính sách hỗ trợ để kêu gọi những người đã từng làm việc, quen việc quay trở lại.
Vấn đề cốt lõi khách du lịch nội địa quan tâm là chất lượng dịch vụ và giá thành sau đại dịch có thay đổi không, và theo hướng nào. Vì thế, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cần chứng minh chất lượng dịch vụ sẽ được nâng cao hơn và tốt hơn vì ngành đang khao khát đón khách du lịch. Bên cạnh đó, cần có nhiều chính sách giá gắn liền với khuyến mại để khách du lịch hiểu rằng mặc dù khó khăn nhưng giá dịch vụ không tăng. Các doanh nghiệp cũng cần nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật (sau một thời gian không sử dụng đang có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp)…
Tổng cục Du lịch xây dựng các chương trình kích cầu cụ thể và các công ty tung ra các chương trình du lịch ngắn ngày, trong khoảng cách gần và bổ sung các chương trình du lịch liên quan đến yếu tố thiên nhiên, chăm sóc sức khỏe và loại hình du lịch thể thao mang tính gắn kết gia đình. Nguyên tắc cơ bản của chương trình kích cầu là bảo đảm an toàn cho du khách, giảm giá các dịch vụ để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tất cả du khách có điều kiện đi du lịch, giảm giá nhưng không giảm chất lượng dịch vụ; tăng thêm dịch vụ bổ sung nhưng không tăng giá để bảo đảm hấp dẫn cho du khách
Ngoài ra, cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ số trong du lịch như: cung cấp dịch vụ đặt vé qua tin nhắn hoặc các nền tảng mạng xã hội để tăng khả năng thâm nhập thị trường. Doanh nghiệp cũng có thể tính đến chuyện áp dụng công cụ số nhằm giúp du khách chọn khách sạn, các dịch vụ theo ý muốn hoặc tạo điều kiện cho khách tự lên lịch trình, từ đó xây dựng niềm tin lâu dài - vốn là điều kiện cần thiết để sớm kéo du khách trở lại.../.
TS. Võ Quế