Rối cạn - nghệ thuật truyền thống đặc sắc
Múa rối tồn tại ở Việt Nam cho đến nay đã khoảng 1.000 năm và phát triển mạnh nhất vào thời Lý - Trần (thế kỷ 11 - 12). Hiện vẫn chưa có một tư liệu nào chứng minh được nguồn gốc xuất xứ ra đời của nghệ thuật múa rối, chỉ còn lưu trên Bia “Sùng Thiện Diên linh tự tháp” có niên hiệu Thiên Phù Duệ Vũ thứ 2 (1121) thời Lý Nhân Tông, trong đó ghi rằng trò múa rối nước được biểu diễn để mừng thọ nhà vua.
Từ xưa, trò rối gắn bó sâu xa với lễ nghi phong tục của người dân Bắc Bộ. Đó là hình ảnh của những chú bù nhìn đứng xua chim, đuổi chuột đến phá hoại hoa màu trên đồng ruộng; là phong tục đốt vàng mã cho người đã mất vào ngày rằm tháng 7; là các quân rối cho trẻ em vui chơi vào dịp Tết Trung thu... Ở các dân tộc ít người có nhiều điệu múa đột lốt, múa hóa trang hình chim gắn với tín ngưỡng vật tổ như múa chim công (dân tộc Thái Đen), múa hạc (dân tộc Tày), múa chim phượng hoàng (dân tộc Dao), múa chim câu (dân tộc Cao Lan), múa chim Grư (dân tộc Êđê)… Ngoài ra, còn có trò múa đầu rối ở Vĩnh Phúc, múa mặt nạ ở Xuân Phả (Thanh Hóa), múa sọ người ở Đông Anh (Hà Nội)… Hiện nay, ở chùa Bi (Nam Định), chùa Keo (Thái Bình) vẫn lưu giữ các bộ quân rối chuyên diễn thờ ngày hội.
Múa rối được chia thành hai loại là rối cạn và rối nước. Trong đó, múa rối cạn phong phú, sinh động và dễ biểu diễn hơn. Trên sân khấu, múa rối cạn không giới hạn về nội dung, nhân vật... Tất cả nhân vật trên sân khấu rối đều có thể được nhân cách hóa, tạo sự tưởng tượng phong phú cho người xem.
Hoạt động múa rối dân gian Việt Nam gắn liền với tín ngưỡng làng xã, một mặt để lễ bái thờ cúng thần linh - thần thành hoàng, mặt khác để góp vui cho khách trảy hội. Những người tham gia trong phường rối là các nghệ nhân nghiệp dư, họ là những nông dân, thợ thủ công, lúc nông nhàn thường tham gia các sinh hoạt nghệ thuật, mỗi phường có một người đứng đầu gọi là ông trùm. Ông trùm tụ tập mọi người (tình nguyện) cùng trao đổi, sáng tác và tập luyện các tiết mục, thống nhất biểu diễn một số trò, tích theo yêu cầu.
Ngày nay, tại Việt Nam nghệ thuật múa rối đã được khai thác, xây dựng thành những sản phẩm du lịch lý thú, có sức lôi cuốn đối với du khách trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, việc khai thác múa rối vào hoạt động du lịch vẫn chưa thực sự hiệu quả và còn nhiều việc cần bàn.
Khai thácnghệ thuật rối cạn trong du lịch
Để trở thành một sản phẩm phục vụ du lịch, múa rối nói chung và rối cạn nói riêng cần được quan tâm, đầu tư hơn nữa. Theo NSND Vương Duy Biên (Nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Nguyên Giám đốc Nhà hát múa rối Việt Nam), “không nên quá dàn trải, mà trước mắt nên xây dựng một số chương trình nghệ thuật điểm với những tiết mục thực sự hấp dẫn, tiêu biểu cho nghệ thuật truyền thống dân tộc để lồng ghép vào tour”. Nghĩa là, cần chọn lọc những gì mà khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế cảm thấy dễ hiểu, dễ đồng cảm và yêu thích. Hiện nay, khách quốc tế vẫn muốn khám phá, tìm hiểu, xem múa rối của Việt Nam bởi tính độc đáo và đậm chất văn hóa dân tộc. Quan trọng hơn, múa rối ít bị vướng bởi rào cản ngôn ngữ. Mặc dù biểu diễn bằng ngôn ngữ tiếng Việt, song khách du lịch có thể hiểu gần như trọn vẹn nội dung, sắc thái của vở diễn. Đây được xem là lợi thế nổi bật của nghệ thuật múa rối so với các bộ môn nghệ thuật khác trong việc thu hút khách du lịch quốc tế.
Khi đến Việt Nam, thời gian của khách du lịch quốc tế là có hạn. Vì thế, chỉ nên lựa chọn một số trích đoạn tiêu biểu nhất để lồng ghép vào tour. Cần có nhiều sản phẩm mới, độc đáo và phù hợp với nhu cầu của mỗi thị trường. Ngoài những tích trò hiện nay, nên tìm hiểu, khai thác lại một số tích trò cổ đã bị mai một, làm mới và nâng cao kỹ thuật điều khiển để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của du khách. Để làm được điều này, cần có một đội ngũ nhân lực vững vàng kiến thức về văn hóa dân gian.
Các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương cần có chính sách hỗ trợ kinh phí cho các phường múa rối hoạt động, khuyến khích các đơn vị tham dự các kỳ liên hoan toàn quốc, liên hoan quốc tế; đồng thời quan tâm lồng ghép hoạt động múa rối vào các tuyến, điểm du lịch, trợ giúp các phường rối kết nối với các công ty lữ hành đưa khách du lịch đến tham quan, tạo điều kiện tốt nhất để công ty lữ hành đưa khách du lịch tới địa phương, phối hợp với cộng đồng dân cư địa phương để đón khách du lịch và cung cấp các dịch vụ tại điểm đến...
Việc đảm bảo các tiêu chuẩn về cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng du lịch tại điểm đến cũng tạo cơ hội để thu hút khách du lịch đến với nghệ thuật rối cạn truyền thống. Cần tính toán, dự báo công suất phục vụ khách du lịch, lựa chọn thị trường để đáp ứng các nhu cầu thiết yếu mà khách du lịch sử dụng như: các bãi đỗ xe phù hợp; khu vệ sinh công cộng đạt chuẩn; không gian biểu diễn nghệ thuật thoáng mát, sạch sẽ, đầy đủ các công cụ phục vụ biểu diễn, vừa giữ được nét văn hóa truyền thống vừa cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp để du khách cảm thấy hài lòng...
Về nhân lực, cần có đội ngũ cán bộ quản lý có chuyên môn, trình độ và tâm huyết với nghề. Hiện nay, đa số nhân lực quản lý tại các địa phương chủ yếu có chuyên môn về văn hóa, cán bộ chuyên sâu về nghệ thuật truyền thống như rối cạn không nhiều. Do vậy, cần tăng cường đào tạo nhân lực theo hai hướng: đào tạo nghề tại chỗ (truyền nghề) và đào tạo theo trường lớp, chương trình, giáo án, giáo trình.
Các cơ quan quản lý nhà nước về biểu diễn nghệ thuật cần quan tâm đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá nghệ thuật múa rối cả trong và ngoài nước thông qua việc tham gia liên hoan toàn quốc về múa rối nói chung, múa rối cạn nói riêng tổ chức định kỳ 2 năm/lần; đăng cai tổ chức liên hoan múa rối quốc tế tại Việt Nam. Bên cạnh đó, xây dựng website riêng với nhiều ngôn ngữ, nội dung sinh động, cung cấp hình ảnh, video các tiết mục múa rối cạn đặc sắc để giới thiệu tới du khách…
Các sân khấu múa rối chuyên nghiệp có thể dùng con rối lưu niệm tặng cho khách du lịch đặc biệt là khách thiếu nhi (chi phí được trích từ vé, hiện nay các sân khấu múa rối đang thu phí trẻ em bằng người lớn). Thông thường số lượng trẻ em trong đoàn chiếm tỷ lệ nhỏ, nhưng đây lại là đối tượng đặc biệt thích thú với múa rối và được phụ huynh rất quan tâm. Sân khấu múa rối nên tìm hiểu và triển khai hình thức này.
Hiện nay, một số công ty lữ hành chủ động đặt mối quan hệ với các phường rối tại địa phương để phục vụ khách du lịch tham quan trong khoảng 2 - 3 giờ. Trên đường từ Quảng Ninh, qua Hải Phòng, Hải Dương ra sân bay Nội Bài, họ đưa khách về các làng quê xem múa rối. Tại đây, du khách được thành viên phường rối hướng dẫn tham quan các di tích lịch sử của làng, tham quan nhà dân, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, ăn trưa hoặc ăn tối với gia đình người dân địa phương, xem biểu diễn múa rối tại thủy đình. Những mô hình như vậy đang được phổ biến tại một số tuyến du lịch (Hạ Long - Hải Dương - Hà Nội; Hà Nội - Đông Hồ - Bút Tháp; Hà Nội - Phủ Lỗ - Đào Thục)… Mô hình này cần nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ chính quyền địa phương cũng như cơ quan quản lý nhà nước về du lịch. Ngoài ra, các đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật cần có những chính sách thuận lợi cho các công ty lữ hành đưa khách đến: giảm giá vé cho khách đoàn, ưu đãi đối với các công ty ký hợp đồng thường xuyên, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như dịch vụ tại điểm đến...
Tài liệu tham khảo:
1. Một số văn bản, bài viết liên quan đến nghệ thuật múa rối
2. Khai thác các giá trị văn hóa của nghệ thuật múa rối nước ởv ùng đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam phục vụ phát triển du lịch, Trần Thị Minh (2012)
3. Nguyễn Thành Nhân (2006), Nghệ thuật rối và một số đặc trưng của sân khấu rối Việt Nam, Nxb Văn học…
ThS. Nguyễn Hoàng Minh Vân
(Nguồn: Tạp chí Du lịch tháng 10/2021)