Xây dựng và triển khai thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương
Thời gian qua, đa số các địa phương đều thực hiện Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2030, đồng thời xác định mục tiêu ngành Du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, các tỉnh, thành huy động, tập trung nguồn lực cho phát triển du lịch bền vững, trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa, quản lý sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, mở rộng liên kết, hợp tác thị trường. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, để tiếp tục duy trì và phát huy kết quả đạt được, các tỉnh, thành trong cả nước xác định: phát triển du lịch phải phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế gắn với nâng cao nhận thức và đời sống của nhân dân; bảo tồn văn hóa truyền thống; đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, thu hút nhà đầu tư trong phát triển sản phẩm du lịch chủ đạo có thế mạnh; đa dạng hóa các loại hình sản phẩm phù hợp với yêu cầu phân khúc thị trường; đồng thời, đẩy mạnh liên kết vùng, phát triển mạnh thị trường khách du lịch nội địa, tiến tới thu hút du khách quốc tế. Bên cạnh đó, chú trọng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm nhằm phục hồi và phát triển du lịch trong bối cảnh mới:
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh cho biết: Du lịch tỉnh Cao Bằng hiện đang ở giai đoạn đầu của chu kỳ phát triển một điểm đến. Miền non nước với cảnh quan kỳ vĩ, nét văn hóa rực rỡ sắc màu là điểm đến lý tưởng cho sự lựa chọn của du khách. Cao Bằng đã ban hành các cơ chế đặc thù nhằm thu hút đầu tư, phát triển du lịch theo định hướng bền vững, bao trùm gắn liền với công tác bảo tồn văn hóa, tri thức bản địa, mang lại lợi ích cho cộng đồng; quyết tâm xây dựng hình ảnh, khẳng định thương hiệu, vị thế Du lịch Cao Bằng tại thị trường du lịch trong nước và quốc tế.
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn chia sẻ: Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ tỉnh Yên Bái nhiệm kỳ 2020 – 2025 khẳng định mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, quy hoạch và xây dựng chiến lược phát triển du lịch toàn diện, bền vững, trọng tâm, trọng điểm nhằm phát huy hiệu quả lợi thế tài nguyên du lịch của tỉnh; đẩy mạnh xã hội hóa và thu hút các nhà đầu tư chiến lược phát triển các sản phẩm du lịch theo hướng chuyên nghiệp, khác biệt, bản sắc, hấp dẫn, thân thiện môi trường, phù hợp với nhiều phân khúc khách hàng trong và ngoài nước; trọng tâm là xây dựng, định vị thương hiệu Du lịch Yên Bái và hướng tới hoàn thiện hệ sinh thái du lịch xanh theo chuỗi giá trị, tạo nên hình ảnh và điểm đến “Yên Bái – Nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc”… Để thực hiện mục tiêu đó, tỉnh Yên Bái xác định làm tốt công tác định hướng không gian phát triển du lịch; khai thác hiệu quả các tài nguyên du lịch; triển khai thực hiện các quy hoạch, đề án, chính sách phát triển du lịch; ưu tiên lồng ghép các nguồn lực để phát triển hạ tầng du lịch đồng bộ; xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh; đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực; xây dựng mối liên kết giữa các địa phương, tăng trưởng xanh và hội nhập quốc tế gắn bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên thiên nhiên và văn hóa truyền thống.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng khẳng định: Thị trường du lịch nội địa trong thời gian tới tiếp tục là thị trường khách chủ yếu, thị trường khách quốc tế sau khi mở cửa trở lại bình thường sẽ có sự thay đổi lớn về nhu cầu đối với sản phẩm du lịch và phương thức sử dụng dịch vụ. Xu hướng khách du lịch sẽ hướng đến thiên nhiên, trải nghiệm, du lịch sinh thái, đi theo các nhóm nhỏ và phân chia thành nhiều phân khúc với các mức chi tiêu khác nhau. Bên cạnh đó, chuyển đổi số trong du lịch diễn ra với tốc độ nhanh hơn và truyền thông số đóng vai trò quan trọng trong quảng bá và xúc tiến du lịch. Do đó, các chính sách hỗ trợ đối với phát triển du lịch cần được nghiên cứu, xác định lại cho phù hợp với điều kiện hoạt động và loại hình sản phẩm, dịch vụ du lịch trong trạng thái bình thường mới.
Định hướng phát triển sản phẩm du lịch mới
Kích cầu du lịch, đồng thời phát triển sản phẩm du lịch mới cũng là định hướng phát triển du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa, danh lam thắng cảnh và con người mỗi địa phương.
Bà Trần Thị Thu Hằng – Sở VHTTDL Đắk Nông khẳng định, với những lợi thế về tài nguyên và văn hóa đang được giữ gìn, và đặc biệt với những giá trị đặc thù, khác biệt của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, tỉnh Đắk Nông có thể phát triển trở thành một điểm đến du lịch tỏa sáng của vùng Tây Nguyên. Việc tập trung phát triển sản phẩm du lịch tại Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, du lịch dựa vào cộng đồng, du lịch mạo hiểm, du lịch nghỉ dưỡng là định hướng đúng đắn và quan trọng, góp phần đưa hình ảnh của Đắk Nông đến với du khách trong và ngoài nước, nâng cao sức cạnh tranh cho du lịch của tỉnh và hướng tới phát triển du lịch bền vững.
Bà Nguyễn Thị Trang Nhung – Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Nghệ An – Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An cho biết, trong bối cảnh môi trường đang bị suy thoái và biến đổi khí hậu nặng nề, việc nghỉ ngơi thư giãn trong một không gian đồng quê sạch sẽ, yên bình, được thưởng thức các thực phẩm đồng quê mang tính thiên nhiên đang là nhu cầu lớn từ các cư dân đô thị. Do vậy, mô hình du lịch nông nghiệp sẽ là xu hướng đáng được ưu tiên quan tâm trong và sau đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, du lịch nông nghiệp vẫn còn là sản phẩm khá mới ở Nghệ An nên cần đưa ra hệ thống các giải pháp mang tính chất tác động đồng bộ, nhằm khắc phục các mặt còn hạn chế, khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có của tỉnh.
Giải pháp phục hồi và phát triển kinh doanh du lịch
Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2030 đặt mục tiêu đưa du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững, đưa Việt Nam trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, đáp ứng đầy đủ yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững. Trước những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, Du lịch Việt Nam muốn vượt qua và hiện thực hóa các mục tiêu trong Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2030, cần đưa doanh nghiệp tìm cách hồi phục và phát triển sau đại dịch, thực hiện liên kết vùng.
Theo đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, từ nay đến năm 2030, bên cạnh nguy cơ dịch bệnh tiếp tục diễn biến khó lường, tình hình thế giới cũng có nhiều biến động gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển Du lịch Việt Nam. Trong bối cảnh đó, “Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2030” là đột phá chính sách cho phát triển Du lịch Việt Nam trong giai đoạn mới, cụ thể hóa Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Luật Du lịch năm 2017.
Đề cập đến liên kết vùng nhằm phát triển du lịch, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng nhấn mạnh, một trong những giải pháp cơ bản giúp phục hồi ngành Du lịch các địa phương vùng duyên hải miền Trung trong trạng thái bình thường mới là nhanh chóng triển khai các liên kết về định vị nguồn khách, tạo sản phẩm và triển khai công tác quảng bá, xúc tiến du lịch.
Liên quan đến chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch trong bối cảnh mới, đại diện Tập đoàn BRG đề xuất xây dựng và triển khai các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động ngành Du lịch; ban hành các giải pháp chính sách về tín dụng, tài khóa, tạo điều kiện phù hợp để các doanh nghiệp du lịch phục hồi hoạt động kinh doanh; triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, tăng cường các biện pháp quản lý tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo; thực hiện chuyển đổi số, xây dựng mo hình kinh doanh trực tuyến.
Chia sẻ về việc các doanh nghiệp liên kết xây dựng sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu mới, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho biết, sự liên kết doanh nghiệp lữ hành trong việc xây dựng sản phẩm du lịch đáp ứng bối cảnh mới là một trong những giải pháp khắc phục khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra. Các doanh nghiệp duy trì hoạt động để giữ vững hình ảnh doanh nghiệp trên thị trường du lịch, chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn khôi phục và phục hồi du lịch. Sự liên kết các doanh nghiệp lữ hành tạo ra sức mạnh cộng hưởng, hoạt động hiệu quả hơn; khuyến khích thành lập các doanh nghiệp lữ hành có ứng dụng công nghệ số và xây dựng những sản phẩm đặc thù. Hồi sinh hệ thống sản phẩm du lịch đáp ứng bối cảnh mới là cơ sở để hồi phục hoạt động lữ hành, góp phần vào khôi phục hoạt động du lịch trong tình hình mới.
A.M