Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật
Bà Vũ Thị Mai - Thứ trưởng Bộ Tài chính: Các giải pháp miễn, giảm, giãn thuế và các khoản thu ngân sách đã được ban hành kịp thời, nhằm vào các đối tượng thực sự khó khăn do tác động của dịch bệnh (trong đó có các doanh nghiệp hoạt động trong ngành Du lịch). Những chính sách này đã góp phần tháo gỡ khó khăn về thanh khoản cho các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phục hồi sản xuất kinh doanh khi có điều kiện. Tính chung các giải pháp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính thực hiện, số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân trong năm 2021 là gần 140 nghìn tỷ đồng... Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tổng kết, đánh giá việc thực hiện các giải pháp đã ban hành, bám sát diễn biễn thực tế và điều kiện của ngân sách để nghiên cứu, đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền các giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất phù hợp.
Ông Võ Thành Thống - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Cần có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực Du lịch; huy động nguồn lực, thu hút đầu tư phát triển, nhất là đối với những vùng khó khăn có tiềm năng du lịch. Ngành Du lịch tập trung ưu tiên các biện pháp phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh; khuyến khích các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch thực hiện quy trình đảm bảo an toàn cho du khách, nâng cao chất lượng phục vụ; đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường, xây dựng các thị trường khách đa dạng và phong phú; hỗ trợ doanh nghiệp khảo sát, tuyên truyền quảng bá tại các thị trường tiềm năng, thị trường du lịch mới; hỗ trợ về cải cách thể chế, cải cách hành chính, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch và hỗ trợ Chương trình đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch.
Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Với nguy cơ thiếu hụt nguồn lao động chất lượng, Chính phủ, các Bộ, ngành cần có chính sách hỗ trợ nguồn nhân lực cho ngành Du lịch do tác động bởi dịch bệnh COVID-19. Cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ an sinh cho người lao động, đảm bảo người lao động vẫn có thể duy trì cuộc sống trong trường hợp dịch bùng phát trở lại. Bên cạnh đó, tăng cường mở rộng chính sách tài khóa trên cơ sở có tính toán đến các rủi ro vĩ mô của nền kinh tế. Thời gian qua, chính sách tài khóa đã mở rộng thông qua các gói hỗ trợ cùng với kích thích đầu tư công, tuy nhiên dư địa của chính sách tài khóa vẫn còn. Chính sách giữ vai trò dẫn dắt hỗ trợ những ngành, lĩnh vực có sự lan tỏa lớn và những ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, trong đó có ngành Du lịch.
Ông Trần Thắng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình: Quốc hội, Chính phủ cần ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch với các cơ chế hỗ trợ đặc thù để doanh nghiệp phục hồi các hoạt động kinh doanh phù hợp với tình hình mới theo các lộ trình tương ứng với lộ trình mở cửa của thị trường khách quốc tế, sự biến đổi về các loại hình sản phẩm du lịch đối với nhu cầu tiêu dùng mới; triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu hạ tầng du lịch, bố trí các nguồn vốn kết hợp từ các nguồn chương trình mục tiêu, vốn đầu tư công hỗ trợ cho các địa phương nhằm đầu tư, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các khu du lịch quốc gia và giải quyết các điểm nghẽn giao thông, tạo sự đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật; ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển các ngành dịch vụ, du lịch ban đêm, tại các khu, điểm du lịch, khu thương mại, dịch vụ tại các vực biên giới đất liền theo để tạo điều kiện cho việc phát triển du lịch gắn với đảm bảo an ninh quốc gia, an ninh biên giới.
Xu hướng, giải pháp phục hồi, phát triển du lịch
Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng: Để có thể nhanh chóng phục hồi hoạt động du lịch, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn cần có sự hỗ trợ và vào cuộc quyết liệt của nhiều cấp, nhiều ngành cả ở Trung ương và địa phương, cùng với sự chung tay góp sức của cộng đồng doanh nghiệp. Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn, tránh đóng cửa, giải thể, phá sản; duy trì hoạt động và từng bước phục hồi để có nguồn lực tham gia vào các hoạt động liên kết tạo sản phẩm, thu hút khách; quan tâm quy hoạch, đầu tư các dự án trọng điểm như các dự án về hạ tầng giao thông sân bay, cảng biển, hệ thống đường bộ cao tốc… nhằm tạo động lực, sức lan tỏa toàn vùng.
Bà Nguyễn Thị Lan - Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam: Để hoạt động du lịch phục hồi hiệu quả sau dịch COVID-19 và thích ứng với trạng thái bình thường mới, ngành Du lịch cần xây dựng mô hình phát triển bền vững hơn, linh hoạt hơn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp. Doanh nghiệp du lịch cần chủ động sẵn sàng thích ứng, có cơ chế chuyển đổi linh hoạt, hiệu quả giữa các hoạt động du lịch nội địa và quốc tế nhằm kiểm soát, hạn chế tác động và quản trị khủng hoảng hiệu quả hơn. Các cơ quan quản lý Nhà nước, hiệp hội du lịch cần chung sức, phối hợp xây dựng các chiến dịch kích cầu ngay sau khi dịch kết thúc; chủ động xây dựng kế hoạch và dự kiến thời điểm tổ chức các hoạt động xúc tiến lại các thị trường du lịch quốc tế và quan tâm thúc đẩy du lịch nội địa. Chính phủ cần sớm ban hành cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp du lịch để có điều kiện hoạt động tốt nhất, sản phẩm du lịch được quảng bá rộng rãi đến người dân với giá thành phù hợp, ví dụ như giảm phí các điểm tham quan từ 30 - 50%, trợ giá cho du khách để ngành Du lịch sớm phục hồi sau đại dịch.
Bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội: Hà Nội hướng hoạt động đầu tư, kinh doanh du lịch theo hình thức xã hội hóa, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tư nhân xây dựng cơ sở dịch vụ, lưu trú, nhà hàng; hỗ trợ đầu tư vào các dự án phát triển du lịch cộng đồng, thu hút người dân địa phương tham gia và được hưởng lợi từ các hoạt động du lịch; ứng dụng thương mại điện tử trong phát triển và mở rộng thị trường du lịch. Hà Nội tập trung quản lý những khu vực trọng điểm du lịch, không để tình trạng giữ đất, đầu tư tràn lan gây lãng phí sức người, sức của, phá vỡ quy hoạch và ảnh hưởng tới công tác thu hút đầu tư. Thời gian tới, thành phố Hà Nội tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ sở vật chất kỹ thuật; chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch mới chất lượng cao; tích cực đổi mới công tác xúc tiến quảng bá du lịch nhằm tạo dựng nền tảng, cơ hội cho du lịch phát triển...
Tập đoàn BRG: Để hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch trong bối cảnh mới, cần xây dựng và triển khai các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động ngành Du lịch; ban hành các giải pháp chính sách về tín dụng, hỗ trợ miễn, giảm lãi suất cho các doanh nghiệp du lịch trong và sau dịch bệnh, tạo điều kiện phù hợp để các doanh nghiệp du lịch phục hồi hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó là việc triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; tăng cường các biện pháp quản lý tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành Du lịch…
Công nghệ số trong phục hồi, phát triển du lịch
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch: Công nghệ là xu thế tất yếu trong bối cảnh mới mà bất cứ các bên liên quan nào muốn tồn tại, phục hồi và phát triển phải thích ứng. Ứng dụng công nghệ kĩ thuật số, blockchain, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ không tiếp xúc nhằm gia tăng sự thuận tiện, hiệu quả quản lý, vận hành, nâng cao và đa dạng hóa trải nghiệm cũng như tối ưu hóa việc đảm bảo an toàn trong tình hình dịch bệnh sẽ là một trong những vấn đề cần ưu tiên hàng đầu… Thời gian tới, cần thúc đẩy xu hướng du lịch không tiếp xúc; liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ trong sáng tạo và xây dựng sản phẩm mới nhằm đảm bảo hạn chế tiếp xúc trực tiếp, tạo điều kiện tăng cường truy vết khi xuất hiện dịch bệnh thông qua các quy định cài đặt ứng dụng trên điện thoại thông minh, vòng tay thông minh, chứng nhận y tế điện tử cung cấp thông tin về sức khỏe khách du lịch, các bốt thông tin điện tử chỉ dẫn tại các điểm du lịch, ứng dụng công nghệ thực tế ảo trong trải nghiệm du lịch, công nghệ AI trong hỗ trợ du khách, các trang web, app hỗ trợ trực tuyến khi cần thiết…
Ông Dư Thái Hùng - Giám đốc Trung tâm CNTT Mobifone: Trung tâm Công nghệ thông tin MobiFone đã xây dựng ứng dụng di động du lịch thông minh MobiFone Smart Travel. Ứng dụng được triển khai dưới dạng nền tảng để số hóa di sản, điểm tham quan trên toàn quốc; phát triển tour du lịch ảo dành cho du khách… Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát và ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành Du lịch, MobiFone đã xây dựng và dựa vào hoạt động nhiều sản phẩm công nghệ hữu ích nhằm ứng phó với dịch bệnh COVID-19 và đảm bảo an toàn cho du khách. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục tham mưu xây dựng các chương trình, đề án về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ 4.0 trong phát triển du lịch trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, xác định hướng đi và lộ trình chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch giai đoạn tới.
Ông Trần Nguyện - Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Sun World: Chuyển đổi số trong phát triển du lịch ở giai đoạn bình thường mới có ý nghĩa vô cùng quan trọng đến sự sống còn của doanh nghiệp và sự phục hồi của Du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, nếu chỉ có một vài doanh nghiệp chuyển đổi số thì cả ngành Du lịch cũng không thể đồng bộ và tiến xa hơn được. Việc chuyển đổi số cần được triển khai sâu rộng, đồng nhất. Do vậy, Chính phủ cần tiếp tục tăng cường đầu tư, khuyến khích, tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa cho các chương trình chuyển đổi công nghệ số, lưu trữ và phân tích dữ liệu về du lịch; tăng cường truyền thông, tiếp thị bằng công nghệ số với cách thức độc đáo, sáng tạo. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch nên lập sổ tay những khách sạn, resort, nhà hàng, khu vui chơi giải trí đã áp dụng chuyển đổi số nhằm tạo điều kiện cho du khách và các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tìm hiểu, tra cứu và liên hệ. Các địa phương trọng điểm về du lịch như Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Phú Quốc, Quảng Ninh… tăng cường đầu tư xây dựng các sản phẩm, dịch vụ không chạm, một chạm hoặc được số hóa đáp ứng yêu cầu của du khách, tạo thành các chuỗi sản phẩm dịch vụ số hóa. Các cơ sở đào tạo về nghề du lịch tăng cường đào tạo cho nguồn nhân lực trẻ có khả năng tiếp cận số hóa tốt hơn, qua đó giúp doanh nghiệp có một nguồn lực chất lượng cho công tác chuyển đổi số. Bên cạnh đó cần tổ chức các hội chợ hoặc triển lãm các sản phẩm số hóa trong lĩnh vực du lịch, các diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi thường niên ở quy mô quốc gia nhằm giới thiệu, chia sẻ và tăng cường học hỏi giữa các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trong việc xây dựng và phục vụ các sản phẩm du lịch số hóa…
Ông Trần Minh Huy - Chủ tịch Tập đoàn Vietsens: Việt Nam hiện nay có khoảng 44 triệu người dùng smartphone, hơn 67 triệu người dùng internet, 66 triệu người dùng mạng xã hội và 145 triệu thuê bao di động là nền tảng tốt cho chuyển đổi số. Chính phủ đã phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia từ nay đến năm 2025, trong đó dự kiến Việt Nam sẽ trở thành một trong 50 quốc gia hàng đầu về công nghệ thông tin và nền kinh tế số chiếm 20% GDP. Những điều này tạo tiền đề cho việc thúc đẩy chuyển đổi số trong tất cả các ngành, đặc biệt là khách sạn và du lịch. Chuyển đổi số được xem là một trong những giải pháp giúp ngành Du lịch khắc phục tình trạng khó khăn do dịch bệnh hiện nay... Chuyển đổi số hiệu quả giúp Việt Nam thu hút thêm khách du lịch, đất nước hiện đại hóa, theo kịp xu thế; cơ quan nhà nước quản lý minh bạch chống thất thoát, chống tệ nạn; doanh nghiệp quản lý hiệu quả tăng được lợi nhuận và cuối cùng là du khách được bảo vệ quyền lợi và tăng được trải nghiệm người dùng…
PV
(Nguồn: Tạp chí Du lịch tháng 12/2021)