
|
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh phát biểu khai mạc Hội nghị |
Tiềm năng và thực trạng du lịch tàu biển
Việt Nam là quốc gia có lãnh thổ giáp biển lớn ở khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 27/156 quốc gia có đường bờ biển dài trên toàn thế giới với hơn 3260km và hệ thống cảng biển đủ tiêu chuẩn đón các tàu khách quốc tế cỡ lớn như cảng Hòn Gai, Hải Phòng, Chân Mây, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Vũng Tàu, Sài Gòn, Côn Đảo, Phú Quốc cùng hàng trăm bãi biển, vịnh biển đẹp trải dọc từ Bắc chí Nam như vịnh Hạ Long, Trà Cổ, Cửa Lò, Thiên Cầm, Lăng Cô, Mỹ Khê, Nha Trang, Mũi Né, Vũng Tàu... Ngoài ra, nước ta còn có hàng nghìn hòn đảo trong đó có nhiều hòn đảo nổi tiếng Cát Bà, cù lao Chàm, Côn Đảo, Phú Quốc. Khoảng cách đến các điểm tham quan du lịch chính của Việt Nam đều tương đối gần các cảng biển. Vì vậy, du khách có thể dễ dàng tiếp cận các điểm tham quan và các di sản thế giới như vịnh Hạ Long, cố đô Huế, di tích Mỹ Sơn, phố cổ Hội An... So với các quốc gia trong cùng khu vực, Việt Nam nằm trên tuyến đường giữa hai trung tâm du lịch tàu biển Singapore và Hồng Kông nên có nhiều lợi thế để phát triển du lịch tàu biển. Tuy có nhiều thuận lợi, nhưng trong những năm qua, lượng khách du lịch tàu biển mới chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam: 9% năm 2004, 5,8% năm 2005, 6,3% năm 2006 và 5,43% trong 11 tháng năm 2007.
Phát biểu tại Hội nghị quốc tế về Du lịch tàu biển lần thứ nhất, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho rằng "Thế mạnh của du lịch biển Việt Nam vẫn chưa được phát huy, chất lượng phục vụ chưa cao, sản phẩm du lịch thiếu đa dạng. Một số cơ chế chính sách liên quan đến du lịch biển còn lạc hậu, tạo ra một số rào cản cho phát triển du lịch biển. Công tác tuyên truyền quảng bá về du lịch biển còn hạn chế... Điều này đòi hỏi phải được nhanh chóng khắc phục nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của du khách quốc tế góp phần tăng cường khách du lịch tàu biển vào Việt Nam".
Một trong những nguyên nhân chính khách du lịch tàu biển chưa cao là do các cảng biển nước ta hầu hết là các cảng biển hàng hoá, chưa có cảng chuyên dụng phục vụ đón khách du lịch. Mặt khác, một số cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển du lịch biển nói riêng như thời hạn lưu trú cho khách là 5 ngày hiện không còn phù hợp, vì có nhiều tàu cỡ nhỏ như Clipper Odyssey, Spirit of Oceanus có lộ trình ở Việt Nam dài hơn 5 ngày, ghé vào nhiều cảng biển nhỏ như Cửa Việt (Quảng Trị), Chân Mây (Huế), Quy Nhơn (Bình Định); vấn đề hạn chế tốc độ trên các tuyến quốc lộ, lệ phí cảng biển, cấm các loại hình vui chơi giải trí sau 12h đêm... đã tạo ra một số rào cản phát triển du lịch tàu biển. Hơn nữa, vấn đề vệ sinh môi trường tại các cảng biển chưa được quan tâm đúng mức đã tạo ấn tượng không tốt đến du khách. Đại diện một số hãng tàu biển quốc tế còn cho rằng sản phẩm du lịch biển Việt Nam thiếu đa dạng; nguồn nhân lực du lịch còn hạn chế về trình độ, kỹ năng trong khi khách du lịch tàu biển thường mang nhiều quốc tịch khác nhau; sự phối kết hợp giữa các địa phương, giữa các doanh nghiệp trong kết nối tour và đảm bảo chất lượng các hoạt động du lịch dịch vụ chưa tốt...
Những định hướng và giải pháp phát triển du lịch tàu biển
Chính phủ và các Bộ, Ngành đã có nhiều chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút khách tàu biển vào Việt Nam như việc cải cách thủ tục hành chính tại cảng biển; giảm cảng phí cho các tàu vào Việt Nam định tuyến hoặc nhiều lần; mở cửa đảo Phú Quốc và Côn Đảo cho khách nước ngoài vào tham quan du lịch; miễn visa cho khách du lịch đến đảo Phú Quốc trong vòng 15 ngày; giảm lệ phí visa còn 5USD/khách tàu biển; đầu tư, nâng cấp, hiện đại hoá một số cảng biển quan trọng... Theo đánh giá của Vụ trưởng Vụ Lữ hành Tổng cục Du lịch Vũ Thế Bình, năm 2007 hứa hẹn sự thành công đối với du lịch tàu biển với tốc độ tăng trưởng 11 tháng đạt 27,9%, tương đương 207.162 lượt khách. Trong tháng 12/2007, các doanh nghiệp đón khách tàu biển của Việt Nam sẽ liên tục đón nhiều tàu du lịch đến Việt Nam, trong đó Saigontourist ký tiếp được hợp đồng với hãng tàu biển Star Cruise sau 2 năm không đưa khách đến Việt Nam. Riêng đối với thị trường khách du lịch tàu biển Trung Quốc ước đạt 100.000 lượt khách, chiếm 44% tổng lượng khách du lịch tàu biển tới Việt Nam trong năm 2007. Kể từ năm 2006 đã có các chuyến tàu từ Bắc Hải, Hải Nam tới Hạ Long và sắp tới sẽ có thêm các tuyến du lịch đường biển từ Trung Quốc tới các tỉnh miền Trung nước ta.
Nhằm phát triển mạnh hơn loại hình du lịch tàu biển ở Việt Nam, Thiếu tướng Nguyễn Sóng Hồng - Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đề nghị Tổng cục Du lịch nghiên cứu đề xuất Chính phủ, các Bộ, Ngành liên quan đầu tư xây dựng các cảng khách du lịch tại các cảng biển có khách du lịch đến thăm. Theo Giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist Võ Anh Tài, khách du lịch bằng tàu biển đều là những du khách có mức chi tiêu cao. Để thu hút và làm cho họ thực sự hài lòng, phải tạo được những sản phẩm và dịch vụ du lịch có chất lượng. Nhằm tăng cường quảng bá du lịch tàu biển Việt Nam, một số đại biểu đã đưa ra các giải pháp như: quảng bá Du lịch Việt Nam qua các kênh quốc tế, tham gia các hội chợ du lịch tàu biển thế giới, xây dựng các trang web về du lịch tàu biển, tổ chức các sự kiện xúc tiến du lịch tại các thị trường du lịch tàu biển lớn như Mỹ, Canada, Anh, Italia... Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn - Nguyễn Huyên đề xuất, các cơ quan chức năng xem xét từng bước miễn visa hay giấy phép du lịch cho khách du lịch tàu biển đến từ những thị trường tiềm năng, có chính sách điều chỉnh mức cảng phí cạnh tranh hơn so với các nước trong khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho tàu khách nước ngoài vào Việt Nam lưu trú theo mùa hay theo định tuyến...
Bài và ảnh: HẢI DƯƠNG