Bài viết phân tích sự phát triển của du lịch tàu biển khu vực châu Á và vị trí chiến lược của Việt Nam đối với các tuyến du lịch tàu biển tại khu vực.
Du lịch tàu biển khu vực châu Á phát triển
Năm 2015 tại khu vực châu Á có 52 tàu du lịch biển, hoạt động trên 1065 chương trình khác nhau với khả năng vận chuyển 2,17 triệu lượt khách, tăng 19% về năng lực vận chuyển, 10% về thời gian lưu trú trên tàu. Khách du lịch tàu biển hiện nay chủ yếu từ Mỹ, Vương quốc Anh, Đức, Tây Ban Nha, Italia, Canada và các nước châu Đại dương (Australia, New Zealand). Tổng số khách du lịch tàu biển châu Á khoảng hơn 1,5 triệu lượt người, gần bằng số lượng khách du lịch tàu biển của Đức và hơn 1/7 so với Mỹ. Tuy nhiên, dự báo số lượng khách du lịch tàu biển Trung Quốc, Nhật Bản và các nước khác sẽ tăng mạnh mẽ trong thời gian tới (Cruise Lines International Association, 2015; Singapore Tourism Board, 2015).
Đối với thị trường Trung Quốc, năm 2012 có khoảng 0,47 triệu lượt khách Trung Quốc đi du lịch bằng tàu biển, dự kiến đến năm 2020, con số này lên đến 1,6 triệu lượt người, đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 14,8% năm (theo dự báo của Hiệp hội Du lịch tàu biển châu Á); thậm chí có thể đạt 4,5 triệu lượt người, tăng trưởng trung bình 33%/năm (theo dự báo của Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc). Hàn Quốc và Nhật Bản hiện đang là những điểm đến du lịch tàu biển phổ biến nhất đối với khách du lịch tàu biển Trung Quốc (Yamaguchi, 2015).
Khách Trung Quốc đi du lịch tàu biển ngày càng tăng do mức thu nhập cao, có nhiều ngày nghỉ được hưởng lương trong năm. Mặt khác, du lịch tàu biển là loại hình ngày càng hấp dẫn đối với các gia đình Trung Quốc, được coi là một phong cách mới trong việc hưởng thụ cuộc sống. Điều này cũng do tàu biển du lịch ngày nay có kích thước lớn hơn, trên tàu nhiều hoạt động vui chơi, giải trí hiện đại hơn và nhiều cảng biển được xây dựng để đón khách du lịch tàu biển.
Đối với thị trường Nhật Bản, ba hãng tàu du lịch đang cung cấp các sản phẩm du lịch tàu biển chất lượng cao là MS. Pacific Venus, MS.Nippon-Maru và MS.Asuka-2, giá vé khoảng 400 – 600USD/đêm hạng tiêu chuẩn. Theo ông Naohiko Yamaguchi, Giám đốc điều hành của Hãng du lịch tàu biển Mitsui O.S.K. Passenger Line, Ltd., phân khúc khách du lịch tàu biển chất lượng cao chỉ chiếm khoảng 5% thị phần khách du lịch tàu biển Nhật Bản, phổ biến là các cặp vợ chồng lớn tuổi, những người có khả năng tài chính và biết cách hưởng thụ sản phẩm du lịch tàu biển. Bên cạnh các hãng tàu biển du lịch của Nhật Bản, một số hãng tàu biển du lịch nước ngoài đã bắt đầu khai thác thị trường Nhật Bản thông qua các đại lý lớn.
Vị trí của Việt Nam đối với các tuyến du lịch tàu biển châu Á và một số vấn đề đặt ra
Việt Nam có vị trí chiến lược nằm giữa ba trung tâm du lịch tàu biển khu vực, bao gồm Thượng Hải, Hongkong và Singapore nên có ưu thế trong việc đón nhiều tàu biển du lịch cập các cảng dọc bờ biển từ Bắc đến Nam. Hiện nay, hầu hết các tuyến du lịch liên khu vực Đông Nam Á – Đông Á đều đi qua Việt Nam, đến các điểm phổ biến là Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh.
Các chương trình du lịch tàu biển đến Việt Nam hiện nay gồm ba loại chính: (1) Chương trình ngắn ngày, 3 - 7 đêm trên tàu, từ Singapore; (2) Chương trình ngắn ngày, 3 - 6 đêm trên tàu, từ Hongkong; (3) Chương trình dài ngày, 8 - 12 đêm trên tàu, giữa Singapore - Hongkong/Thượng Hải. Bên cạnh đó, các hãng tàu biển du lịch Nhật Bản đã khai thác các tuyến kết nối Nhật Bản - ASEAN trong thời gian từ 20 ngày đến hơn 01 tháng.
Theo các chuyên gia du lịch tàu biển, để phát triển du lịch tàu biển, cần có cơ sở hạ tầng cần thiết phục vụ tàu du lịch biển và các sản phẩm kết nối với các cảng biển, bên cạnh các điều kiện khác như có thị trường đủ lớn, sự hợp tác hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp. Từ các yêu cầu nêu trên, một số vấn đề đặt ra đối với sự phát triển của du lịch tàu biển Việt Nam như sau:
Một là, phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch tàu biển, đặc biệt là cảng tàu biển du lịch. Đây là thách thức lớn nhất đối với Du lịch Việt Nam. Với các cảng hàng hóa hiện nay, ngoài việc không phù hợp trong việc phục vụ khách du lịch, các tàu lớn (trên 3500 khách, khoảng 1200 thủy thủ đoàn) không thể cập cảng. Do đó, du lịch tàu biển Việt Nam sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ với việc khởi công cảng tàu biển du lịch Dương Đông trong năm 2015. Cần quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 như cảng Hòn Gai (Quảng Ninh), Chân Mây (Thừa Thiên - Huế), Tiên Sa (Đà Nẵng), Nha Trang (Khánh Hòa), Sao Mai - Bến Đình (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Hai là, phát triển các sản phẩm du lịch trên bờ. Các sản phẩm cụ thể có vai trò quan trọng trong việc thỏa mãn nhu cầu khách du lịch tàu biển và quyết định lợi ích thu được từ phát triển du lịch tàu biển. Theo khảo sát của Viện nghiên cứu Fujitsu, Nhật Bản, đối với khách du lịch tàu biển trên tuyến kết nối các điểm đến ASEAN và Nhật Bản, Hạ Long đứng đầu các điểm đến về mức độ hấp dẫn tổng thể trong số các điểm đến bao gồm Yokohama, Kobe, Hong Kong, Hạ Long, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Singapore, Yangon (Myanmar), Penang (Malaysia), Muara (Brunei), Kota Kinabalu (Malaysia) Manila (Philippines) và Keelung (Đài Loan). Tuy nhiên, vấn đề đặt ra đối với các cơ quan quản lý điểm đến và các doanh nghiệp là Hạ Long lại đứng vị trí cuối cùng về mức chi tiêu của khách du lịch.
Ba là, tăng cường hợp tác công tư. Do du lịch tàu biển là lĩnh vực phụ thuộc vào nhiều điều kiện, từ hạ tầng kỹ thuật đến các quy định về pháp lý liên quan đến hàng hải, thương mại, xuất nhập cảnh nên cần có sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan nhà nước đối với các doanh nghiệp. Thời gian vừa qua, Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực phối hợp với các hãng du lịch tàu biển, các trung tâm du lịch tàu biển, các Bộ, Ngành liên quan và các nước trong khu vực như Singapore, Philippines, Nhật Bản… nhằm thúc đẩy phát triển du lịch tàu biển. Tuy nhiên, hợp tác công tư cần đẩy mạnh hơn nữa và mở rộng sang các lĩnh vực như quản lý, phát triển bền vững điểm đến phục vụ khách du lịch tàu biển, marketing sản phẩm du lịch tàu biển, thúc đẩy phát triển các chuỗi giá trị liên quan đến du lịch tàu biển.
Tài liệu tham khảo
1. Cruise Lines International Association. (2015). State of Industry Report 2015.
2. Sakano, N. (2015). Economic Impact of Calling Cruise & Major Cruise Itineraries in Japan [MLIT Research Report]. Kuala Lumpur: Fujitsu Research Institute, The 4th Experts Group Meeting on ASEAN-Japan Cruise Promotion Strategy.
3. Singapore Tourism Board. (2015). Cruise Tourism in Southeast Asia. Kuala Lumpur: Singapore Tourism Board, The 4th Experts Group Meeting on ASEAN-Japan Cruise Promotion Strategy.
ThS. Lê Thị Bích Hạnh
TS. Lê Tuấn Anh
(Tạp chí Du lịch)