Đường đến Cát Tiên qua quốc lộ 20 uốn lượn lên xuống với cung đường xanh ngát và màu đất đỏ đặc trưng vùng Đông Nam Bộ. Hai bên đường mênh mông những vườn cao su thẳng tít tắp, vườn điều, rẫy trồng khoai mì… Các bạn trẻ sống ở thành phố thích thú với những mảng xanh chạy dài ngút mắt cùng không khí thoáng đãng vùng ngoại ô. Đoạn đường rẽ vào Tà Lài - Trà Cổ hẹp hơn nhưng khung cảnh vẫn ngát xanh một màu trù phú.
Chúng tôi qua sông Đồng Nai đến Cát Tiên vào một ngày mưa rỉ rả. Dòng sông đỏ lừ uốn lượn nối bên này sông với bên kia vườn quốc gia. Sông Đồng Nai bắt nguồn từ cao nguyên Lâm Viên, tỉnh Lâm Đồng, đoạn chảy qua Vườn quốc gia Cát Tiên dài khoảng 90km tạo thành ranh giới tự nhiên bao bọc 1/3 chu vi của vườn về phía Bắc, phía Tây và phía Đông. Cảm giác về với rừng xen lẫn nhiều cảm xúc khó tả. Đây thật sự là một trải nghiệm mới mẻ cho những ai lần đầu đi trên những con đường đất đỏ vùng Đông Nam Bộ vào mùa mưa. Những vũng nước giữa đường sóng sánh màu nâu đỏ, phía dưới là một lớp quảnh dẻo. Trên đường đi chúng tôi được giới thiệu về hệ động thực vật đa dạng ở đây cũng như công tác quản lý, bảo tồn, bảo vệ vườn quốc gia.
Với vị trí nằm giữa hai vùng sinh học địa lý từ cao nguyên Trường Sơn xuống vùng đồng bằng Nam Bộ, Vườn quốc gia Cát Tiên là nơi hội tụ của các luồng hệ thực vật, động vật vô cùng phong phú, với các loài thực vật được xác định là 1.610 loài thuộc 724 chi, 162 họ và phụ họ, 75 bộ thực vật bậc cao có mạch; đặc biệt, nơi đây còn có nhiều cây quý hiếm như gõ đỏ, cẩm lai, gõ mật, giáng hương…
Mặc cho những hạt mưa rừng vẫn rỉ rả, đoàn chúng tôi vẫn háo hức với rất nhiều loại cây lần đầu tiên được thấy như: cây tung cổ thụ vòng tròn thân khoảng 20 người ôm mới xuể, cây bằng lăng có 6 ngọn vút thẳng lên bầu trời, cây gõ quý hiếm được gọi với tên thân thương cây gõ Bác Đồng là nơi ghi dấu ấn của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng vào năm 1988… Hệ thực vật ở đây chia ra làm 5 kiểu rừng chính: rừng lá rộng thường xanh; rừng lá rộng thường xanh nửa rụng lá; rừng hỗn giao gỗ, tre nứa; rừng tre nứa thuần loại, thảm thực vật đất ngập nước… Đầu tháng năm là thời gian của các loài bướm. Nếu có dịp đến Cát Tiên vào thời điểm này, du khách sẽ như lạc vào chốn thần tiên với hàng trăm loài bướm đủ kích thước, màu sắc bay rợp trời giữa màu xanh ngát của rừng già.
Hệ đất ngập nước cũng là một điểm độc đáo của Vườn quốc gia Cát Tiên như Bàu Sấu, Bàu Chim, Bàu Cá…, trong đó, khu hệ đất ngập nước Bàu Sấu là một trong 8 khu ramsar ở Việt Nam.
Một trải nghiệm rất độc đáo mà du khách khó lòng bỏ qua khi đến với Vườn quốc gia Cát Tiên là thăm thú ban đêm. Đây là nơi duy nhất ở Việt Nam có tổ chức ngắm thú đêm cho du khách. Theo ánh đèn, chúng tôi được tận mắt chứng kiến những đàn nai đi ăn đêm, có con nai con thản nhiên bú mẹ, không có vẻ gì e ngại khi có ánh đèn. Anh hướng dẫn chỉ cho chúng tôi những chú chim ngủ ngon trên cành như một hòn bông nhỏ. Đi thêm một đoạn, cả đoàn hào hứng khi được thấy bò tót đen bóng giữa màn đêm giương đôi mắt sáng quoắc. Vườn quốc gia Cát Tiên còn được biết đến là khu vực có số lượng cá thể bò tót lớn nhất Việt Nam.
Một ngày trải nghiệm ở Vườn quốc gia Cát Tiên được nghe bản hòa tấu êm đềm của rừng, ngắm những cơn mưa rừng đầy thi vị dường như mọi bộn bề cuộc sống đã được tạm gác lại. Chúng tôi lên đường trở về thành phố khi dòng Đồng Nai còn mờ trong sương sớm, hành trang đã nặng thêm bởi những kỷ niệm đẹp về rừng cùng nhiều câu chuyện của những người giữ rừng đầy tâm huyết.
Phong Dương