Xứng danh “thiên đường du lịch”
Bahamas là một quốc gia nói tiếng Anh, gồm 700 hòn đảo lớn nhỏ nằm trong Đại Tây Dương. Tên gọi “Bahamas” xuất xứ từ tiếng Tây Ban Nha “baja mar” có nghĩa là vùng “biển nông”. Từ năm 1650, người Anh chiếm đóng và di dân đến các hòn đảo Bahamas; Bahamas chính thức trở thành một thuộc địa của Anh vào năm 1718. Mãi đến năm 1964, Bahamas mới được tự trị và đến năm 1973 thì hoàn toàn độc lập.
Từ những năm 1950, nền kinh tế Bahamas khởi sắc nhờ hai lĩnh vực du lịch và dịch vụ tài chính. Nền kinh tế du lịch của Bahamas chiếm hơn 60% GDP, trực tiếp hay gián tiếp sử dụng 50% số lượng người lao động. Với sự bùng nổ các khách sạn, khu du lịch 5 sao, khí hậu nắng ấm, các bãi biển rộng lớn, quần đảo này thu hút khoảng hai triệu lượt du khách “thượng lưu” mỗi năm.
Du lịch Bahamas nổi tiếng khắp thế giới với những đàn lợn. Chúng rất dạn dĩ với du khách. Ở Exumas, một dãy đảo phía Đông Nam Nassau trong quần đảo Bahamas, đàn lợn lao vào lướt sóng mỗi khi nghe thấy tiếng thuyền máy chạy ở gần đó, chúng hy vọng nhận được thức ăn từ những người đi du lịch ở đây. Du khách có thể chơi đùa thỏa thích với những con lợn, trong làn nước ấm trong xanh hoặc trên bãi biển cát trắng. Sự kết hợp giữa đàn lợn dễ thương và thiên nhiên tuyệt vời làm nên những bức ảnh tự chụp (selfie) tuyệt vời đến khó tin. Kết quả là du khách từ khắp nơi trên thế giới không ngừng đổ về vì muốn xem và chơi với những con lợn. Những người nuôi lợn dần dần đã trở thành đại sứ chính thức của Du lịch Bahamas.
Đàn lợn nổi tiếng nhất thế giới
Cư dân các đảo Bahamas đều chăn nuôi đàn lợn bơi có mục đích: tạo một sân chơi cho những người giàu và người nổi tiếng. Những người nổi tiếng tầm cỡ như Johnny Depp, Faith Hill, Tim McGraw hay David Copperfield đều mua cho mình những hòn đảo ở đây. Khi Bahamas trở nên phổ biến trong các bộ phim Hollywood vào những năm 1980 và 1990, người dân địa phương nuôi lợn thịt ở nhà đã quyết định di dời những con vật đến một nơi hẻo lánh hơn, nơi đủ xa mà du khách không nhìn thấy hoặc ngửi thấy mùi lợn, nhưng đủ gần để khi họ muốn, dân địa phương sẽ dẫn những con lợn sạch sẽ đến.
Theo David Hocher, chủ sở hữu của Câu lạc bộ du thuyền Staniel Cay, đảo Big Major có một nguồn tài nguyên quan trọng là nước ngọt. "Không phải mọi hòn đảo Bahamas đều có nước ngọt như Big Major". Người bản địa nói: "Hòn đảo đó được ông trời thiết lập hoàn hảo để hỗ trợ và duy trì sự sống." Từ năm 1990, người dân địa phương đã sử dụng Big Major làm trang trại nuôi lợn, thu hoạch và giết mổ chúng. Tuy nhiên, khi kinh tế du lịch phát triển, những năm 2000, sinh hoạt này đã biến mất, mặc dù không có luật nào bảo vệ cho lợn khỏi bị tổn hại. Ngày nay, có khoảng 30 đến 40 con lợn trên đảo tại bất kỳ thời điểm nào. Lợn đi lang thang tự do với người. Các loài lợn rất khác nhau về màu sắc; một số màu đen, một số khác màu hồng hay trắng. Chúng cũng có những tính cách khác nhau; một số muốn tương tác với du khách, trong khi những con khác thì ngại ngùng. Hầu hết đều được chủ nhân đặt tên; phổ biến là được đặt tên theo màu như “Blanche”, hoặc lấy tên chủ nhân “Maggie”, “Diane”...
Chamberlain là một chuyên gia về đàn lợn đảo Exuma. Đầu năm nay, cô và các tình nguyện viên khác đã thành lập “Hiệp hội Lợn bơi”, một tổ chức phi lợi nhuận thực hiện việc chăm sóc lợn. Nhóm này đảm bảo cho đàn lợn luôn có nước ngọt, tích trữ ở trung tâm đảo. Các tình nguyện viên cũng xây dựng các chuồng trại riêng cho lợn con, nhốt riêng con vật bị bệnh và điều trị y tế. Một bác sĩ thú y đến từ Nassau tình nguyện cung cấp các dịch vụ đó. Công việc quan trọng nhất đối với những tình nguyện viên là theo dõi chế độ ăn của lợn; họ trộn các vitamin vào nước uống, cung cấp các viên thức ăn giàu chất dinh dưỡng để bổ sung protein. Tất nhiên, những con lợn cũng ăn những gì du khách cho chúng, thích nhất là món xúc xích. Trong nhiều năm, quá trình cho ăn tự nhiên này không được kiểm soát; khách du lịch cho lợn ăn tất cả mọi thứ từ rau, đuôi tôm hùm, thịt sống và kể cả uống bia. Sau khi một số lợn bị chết vào đầu năm 2017, các tình nguyện viên của “Hiệp hội Lợn bơi” đã có những kế hoạch để nâng cao nhận thức về sức khỏe của lợn. Họ căng các khẩu hiệu nhắc nhở du khách như “lợn không phải là rác thải", hoặc là “nên cho lợn ăn trong nước” để chúng không bị ăn cát trên bãi biển…
Đoàn Vũ
Tạp chí Du lịch tháng 1+2/2019