Tôi đứng ngẩn ngơ dưới gốc cây phượng già giữa lòng thành phố Long Xuyên trong một sớm mai đầy nắng. Bên kia đường, phượng vĩ nở rộ khắp sân trường, cánh cổng khép hờ, cái trống lặng im khi mùa hè chạm ngõ. Tôi đợi hoài đợi mãi bóng dáng học trò thân thương còn nấn ná trước sân trường để tìm lại mình của những năm tháng trước, bao giờ cũng thế, mỗi độ ngắm phượng vĩ nở hoa cánh đỏ rơi rơi trong gió tôi lại nhớ đến cháy lòng cái thuở học sinh ngây ngô mà tươi đẹp. Về An Giang, về với những con đường rợp màu phượng vĩ, về với tuổi học trò xanh ngắt lưng trời. Tôi đứng lặng trải lòng thêm chút nữa rồi vấn vương từ giã thành phố Long Xuyên đi về phố núi tiếp tục cuộc hành trình khám phá vẻ đẹp hoang sơ huyền bí của sông nước, núi đồi và con người An Giang mà tôi từng nghe kể trong những câu chuyện thần thoại được ông cha thêu dệt từ thuở sơ khai.
Chúng tôi vừa kịp đặt chân đến thành phố Châu Đốc khi trời non trưa. Khác với Long Xuyên nhộn nhịp, hiện đại, có lẽ Châu Đốc trầm mặc hơn nhiều. Ánh mặt trời rọi vào những ngôi nhà cổ kính, những cửa hiệu tòm tèm bên đường. Tôi ngồi quệt mồ hôi trên chiếc ghế đá nơi công viên ngã ba sông Châu Đốc, ngắm nhìn tượng đài cá basa - một trong những biểu tượng của Châu Đốc, nét đẹp riêng của đô thị sông nước miền Tây. Từ đây, tôi trông thấy làng nổi Châu Đốc dập dềnh giữa dòng sông mênh mông, sóng nước xanh biếc, lục bình từng cụm trôi theo dòng về đâu chẳng biếc. Làng nổi Châu Đốc điển hình cho nét văn hóa và sinh hoạt của người dân miền sông nước, thương sao bao năm tháng người An Giang vẫn trụ lại trong căn nhà bè lênh đênh trên mặt nước, sống một cuộc đời bình dị, giản đơn. Trên dòng sông, ghe thương hồ tấp nập, những chiếc xuồng từ tứ xứ đổ về trên xuồng chở đầy những sản vật miệt vườn sẵn sàng cho buổi họp chợ ở một quãng sông nào đó. Trên cung đường từ chân núi Sam đi về hướng Tịnh Biên, tôi đã đi qua không biết bao nhiêu chiếc cầu, ngắm không biết bao nhiêu dòng sông uốn lượn giữa cánh đồng bạt ngàn xanh mướt.
Tháng năm, lục bình níu nhau vây kín mặt sông. Hai bên bờ cỏ lau phơ phất, đồng bãi phù sa, ai đốt đống cỏ khô giữa trời nắng tháng năm ngọn khói tỏa ra rồi êm ả tan vào vô thanh ngọn gió. Khoảnh khắc bắt gặp đàn vịt chạy đồng đi trước, người nông dân đội nón lá tay cầm cây sào đuổi vịt theo sau khiến tôi nhớ đến xót xa bối cảnh trong câu chuyện của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư với những phận người chìm nổi long đong giữa trăm chiều dâu bể. Giờ đây, cảnh những người nông dân sống bằng nghề chăn vịt chạy đồng rày đây mai đó, nay đồng này, mai bưng nọ đã vắng bóng dần. Cảnh quê thanh bình, tôi lắng nghe tiếng thở của đất quê, của ruộng đồng, của con trâu già thung thặm gặm cỏ trên triền đê xa tít…
Về An Giang, về giữa mùa thốt nốt Tri Tôn, tôi say lòng trước những hàng thốt nốt thẳng tắp, thân cây vươn cao, nằm trên cánh đồng xanh rờn sóng cỏ. Người Khmer bao đời gửi hồn mình vào từng mùa thốt nốt, tôi chợt nhớ ngày xưa bà kể tôi nghe câu chuyện về vùng Thất Sơn huyền bí có bóng dáng của cây thốt nốt cao vút, mạnh mẽ như sức sống của người Khmer mãnh liệt, kiên cường. Gió giông cũng không quật đổ, mưa bão cũng chẳng nao lòng. Cây thốt nốt giản dị, mộc mạc, cánh đồng bát ngát, dòng sông uốn khúc dưới quanh co. Xa xa, núi đá sừng sững nghiêng nghiêng trong bóng chiều. Tất cả đã vẽ nên một bức tranh phong cảnh đẹp đến mê mẩn, đắm say. Núi hùng vĩ, đồng mênh mông, sông hiền hòa, bầu trời và mặt đất giao nhau trong sắc xanh thiên thanh ngọt ngào.
Tôi ngồi trong quán nhỏ bên đường nhâm nhi ly nước thốt nốt mát ngọt tận ruột gan, tự tay hái quả trăm chín mọng đầu mùa rồi từ từ thưởng thức vị trăm thanh tao. Nhìn các bà các mẹ đầu quấn khăn với gánh hàng rong bên đường, tôi thấy người Khmer sao hiền từ quá, duyên dáng quá. Họ lam lũ, nhọc nhằn, họ gồng gánh mưu sinh mà nụ cười vẫn tươi rói, giọng nói vẫn dịu ngọt, chân tình như lúc họ hồ hởi chỉ tôi đường về Tri Tôn, đường lên Cô Tô, núi Cấm.
Chiều trên đất Tri Tôn, tai tôi nghe thanh âm đất trời, tiếng hót của loài chim lạ, tiếng lá thốt nốt quật khẽ vào nhau và tiếng lũ trẻ dân tộc đùa nghịch nơi giếng nước giữa cánh đồng, những đôi mắt trong ngần ngước lên nhìn bầu trời xanh thẳm. Lòng tôi bình lặng.
Vòng xe quay tít để lại sau lưng gió cuốn bụi mù. Tôi băng băng trên con đường nhựa giữa đồng chiều ngả bóng, đâu đó có giai điệu Ba Thê êm ái vọng về. Chúng tôi ngùi ngùi ngoái lại Tri Tôn rồi kịp trở về ngắm hoàng hôn trên miền Thoại Sơn sương phủ...
Mấy trăm năm người An Giang vẫn nỗ lực giữ lại cho mảnh đất của mình những thứ vốn được tạo tác bởi bàn tay của bà mẹ thiên nhiên. Vùng đất cổ tích, xứ sở bao dung, cảnh trí thiên nhiên không thể lẫn lộn vào bất cứ nơi đâu trên mảnh đất miền Tây lục tỉnh. |
Hoàng Khánh Duy
Tạp chí Du lịch 6/2018