Sức hút của ẩm thực An Giang là sự pha trộn của một nền văn hóa ẩm thực đa dạng nhưng mỗi món ăn đều mang bản sắc riêng. Điều kiện môi sinh và thổ nhưỡng với hệ thống chi chít sông, ngòi, ao, hồ, kênh, rạch... khiến cho sản vật dồi dào, nguồn lương thực, thực phẩm phong phú, đa dạng, tạo nên cuộc sống dư giả, phóng khoáng của cư dân nơi đây.
Lúa gạo là nguồn lương thực chính của người dân An Giang. Nguồn thực phẩm chính được sử dụng để chế biến món ăn chủ yếu là các loài thủy sản đánh bắt được như cá, tôm, cua, ốc, ếch, lươn, rắn, chuột... cùng với một số loại rau đồng. Sự giàu có, đa dạng của sản vật đã tạo nên tính chất phóng khoáng cho văn hóa ẩm thực An Giang. Tính phóng khoáng được thể hiện từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến khâu chế biến và cách thưởng thức. Trong quá trình chế biến, tùy theo sở thích, thói quen hay hoàn cảnh gia đình mà có cách kết hợp các loại thủy sản với các loại rau khác nhau. Không cầu kỳ về nguyên liệu và gia vị, không có nguyên tắc chính thống về phương thức chế biến nhưng ẩm thực của người dân An Giang vẫn đảm bảo sự tươi ngon, hấp dẫn của từng món ăn. Bữa ăn của người dân An Giang rất mộc mạc và đơn giản nhưng lại có giá trị dinh dưỡng cao và đẹp mắt.
Có thể nói, những món ăn, thức uống được chế biến từ thốt nốt đã chiếm một vị trí quan trọng trong nền ẩm thực của An Giang. Đường thốt nốt của người Khmer An Giang có vị ngọt thanh, mùi thơm đặc trưng, được người tiêu dùng ưa chuộng. Nước thốt nốt, thạch thốt nốt, bánh bò thốt nốt, bia chua thốt nốt… là những đặc sản vùng Bảy Núi đáp ứng nhu cầu khám phá văn hóa ẩm thực của du khách.
An Giang còn nổi tiếng với nhiều món ăn gắn liền với các địa danh và luôn có sức hấp dẫn đối với thực khách. Bánh canh Vĩnh Trung (huyện Tịnh Biên) được làm bằng gạo lúa sóc nên cọng bánh mềm, dai có mùi thơm đặc trưng cùng độ dẻo tự nhiên. Bò bảy món Núi Sam (thành phố Châu Đốc) với lòng bò luộc, bò đun bánh hỏi, cháo bò, bò khìa bánh mì, bò xào lá giang, bò lúc lắc và bò bít tết luôn được đánh giá là thơm ngon và mềm, ngọt. Xôi phồng Chợ Mới (huyện Chợ Mới) ăn kèm gà quay được đánh giá là món ăn thơm ngon, hấp dẫn du khách. Bò leo núi Tân Châu (thị xã Tân Châu) lôi cuốn bởi tên gọi, cách chế biến, cách thưởng thức, độ mềm mại và sự thơm ngọt. Bánh xèo Núi Cấm (huyện Tịnh Biên) lôi cuốn thực khách bởi hơn 20 loại rau rừng ăn kèm. Thưởng thức bánh xèo Núi Cấm thực khách sẽ được nếm các loại rau với đủ mùi vị, tất cả hòa trộn thành một hương vị rất đặc biệt.
Từ sự ưu đãi về thiên nhiên và đặc trưng văn hóa của từng tộc người mà An Giang đã có nhiều món ăn mang đậm phong vị địa phương và có sức hấp dẫn lớn đối với du khách. Trong đó, văn hóa ẩm thực của người Chăm An Giang có nhiều nét riêng biệt và có sức hấp dẫn du khách rất cao. Người Chăm An Giang không ăn thịt heo nên sử dụng thịt bò, gà, dê, cá là chủ yếu. Trong các món ăn của người Chăm, hầu như món nào cũng sử dụng nước cốt dừa và liều lượng chỉ gia giảm tùy theo từng món ăn. Cà ri, cà púa hay cà rìng, cơm nị là món ăn truyền thống, đặc trưng trong những ngày lễ, tết của dân tộc mang lại cho người thưởng thức những nét hấp dẫn rất riêng. Bên cạnh đó, tung lò mò (lạp xưởng bò) là món ăn truyền thống nổi tiếng lâu đời của người Chăm. Tung lò mò được làm từ thịt bò xay trộn cùng cơm nguội và nhiều loại gia vị bí truyền. Đây là món ăn ngon, bổ dưỡng và thường có mặt trong mâm cơm tiếp đãi khách của người Chăm. Những nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực và phong cách ăn uống cùng yếu tố thẩm mỹ của các món ăn là các yếu tố góp phần tăng giá trị về mặt tài nguyên du lịch của các làng Chăm.
Tận dụng nguồn nguyên liệu từ thiên nhiên, người Khmer đã tạo nên một nền ẩm thực độc đáo và hấp dẫn. Tuy không cầu kỳ và bắt mắt trong phong cách trang trí nhưng văn hóa ẩm thực của người Khmer An Giang rất phong phú, đa dạng và mang bản sắc riêng, thể hiện được cách ứng xử linh hoạt của con người với thiên nhiên. Trong đó, có các món tiêu biểu như cốm dẹp, mắm bò hóc, canh sim lo... có hương vị đậm đà, đặc trưng, được các tộc người cộng cư ưa thích và dần trở thành những món ăn quen thuộc trong đời sống của người dân An Giang.
An Giang còn nổi tiếng với nhiều món ăn mang tính giao lưu tiếp biến văn hóa của các dân tộc như khô, mắm, gỏi sầu đâu, gà hấp lá chúc, bún cá… Đây là những món ăn ngon nổi tiếng của vùng đất An Giang, được nhiều du khách yêu thích. Thành phố Châu Đốc được mệnh danh là vương quốc mắm vì hầu hết các chợ trong vùng đều có một khu dành riêng bán các loại mắm: mắm chốt, mắm sặt, mắm trèn, mắm thái... Mắm Châu Đốc nổi tiếng với mùi đặc trưng, có vị rất đặc biệt và được đánh giá cao về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, ẩm thực mùa nước nổi chỉ có ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó An Giang là nơi đầu tiên nhận con nước về và có mùa nước nổi kéo dài nên ẩm thực mùa nước nổi ở An Giang có phần nổi tiếng hơn các địa phương khác trong khu vực.
Các món ăn được chế biến từ các sản vật địa phương không chỉ phục vụ cho nhu cầu ăn uống của người dân địa phương, mà đã trở thành những đặc sản ưa thích của du khách, trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn của địa phương.
Ths. Nguyễn Thị Mỹ Duyên