Nếu một lần xem thả diều ở Huế, bạn sẽ hào hứng với thú chơi tao nhã này. Từ thời Nguyễn, cố đô Huế là nơi hội tụ nhiều nét sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo như đánh cờ người, thả thơ, hò giã gạo, ca huế…, trong đó trò chơi dân gian thả diều đã được nâng lên tầm nghệ thuật cung đình. Theo những người lớn tuổi, thời Bảo Đại (1926 - 1945) trò chơi thả diều đã được du nhập vào hoàng cung. Để chiều ý vua, con diều của vua cũng phải khác con diều của dân thường. “Long diều”, “Phụng diều” ra đời từ bàn tay khéo léo và trí tưởng tượng phong phú của các nghệ nhân diều Huế (trong khi dân thường chỉ được làm diều mặt trăng, mặt trời, diều cánh cung, diều bướm...). Theo chỉ dụ của Bảo Đại, Phủ Doãn Thừa Thiên tổ chức cuộc thi thả diều hàng năm. Qua những hội thi ấy, lần lượt xuất hiện những bậc thầy làm diều như: Nguyễn Văn Bân, Đoàn Chước, Trần Văn Đông, Ưng Sừng, Ông Ích Hạng...
Sau một thời gian dài vắng bóng, thú chơi diều tái xuất ở Huế vào mùa hè năm 1973. Từ đó hình thành câu lạc bộ chơi diều Huế. Trong Câu lạc bộ Diều Huế, người mới nhập môn được dạy làm diều qua nhiều công đoạn từ tạo khung cho đến trang trí, tập thả diều các loại; công đoạn cuối cùng và khó khăn nhất là tạo điểm nhấn trên dây “lèo lái” để con diều giữ được thăng bằng khi bay trên không. Tuy diều rất đẹp nhưng không bán ra thị trường, giải thích về điều này anh Nguyễn Đăng Hoàng, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Diều Huế cho biết: Diều được làm bằng thủ công do đó tốn nhiều công sức mà giá thành lại cao nên rất khó bán. Là thú vui tao nhã, nghệ thuật thả diều thường phục vụ biểu diễn, trưng bày cho các mùa lễ hội.
Có thể nói, nghệ thuật thả diều phù hợp với tính cách mộng mơ của người Huế, như cố nghệ nhân Nguyễn Văn Bê thường nói: “Diều Huế nối kết bầu trời với mặt đất, hiện thực và những giấc mơ kỳ diệu”.
Thời Nguyễn, các nghệ nhân làm diều bằng nhiều mảnh giấy dó ghép lại với nhau. Đến nay giấy được thay bằng vải mỏng ngâm vào nước phèn chua để tránh mối mọt. Nghệ thuật diều Huế tiến bộ hơn trước, khéo léo mô phỏng các loài thú như: long, lân, chim, công, bướm… Với sự điều khiển của các nghệ nhân, những cánh diều bay bổng, chao liệng trên bầu trời đã thu hút nhiều người thuộc mọi lứa tuổi.
Nhìn ngắm những cánh diều Festival Huế chao lượn giữa không trung, một nhà báo Pháp đã viết: “Diều Huế là nghệ thuật múa rối trên không. Nghệ thuật thả diều mê hoặc người xem bằng các màn biểu diễn hoa mỹ như phượng hoàng đẻ con, đại bàng đánh cắp công chúa, chèo bẻo đánh quạ”.
Mong muốn thú chơi thả diều truyền thống ở Huế phát triển, 3 ngày/tuần, Câu lạc bộ Diều Huế mở các lớp dạy (miễn phí) cho học sinh, sinh viên. Chiều cuối tuần, các nghệ nhân thường biểu diễn thả diều nghệ thuật trên sân Hàm Nghi và hai bờ sông Hương.
VŨ HÀO
Tạp chí Du lịch tháng 6/2016