Vai trò của cơ quan quản lý ở trung ương, địa phương và doanh nghiệp trong quản lý du lịch tại các di sản: kinh nghiệm Tràng An
Hội thảo đã thu hút sự tham gia của gần 100 đại biểu của hai nước nhằm chia sẻ những thông tin, chính sách và kinh nghiệm của cơ quan quản lý ở trung ương, địa phương và doanh nghiệp trong quản lý du lịch tại các di sản được UNESCO công nhận tại Việt Nam và Colombia, trong đó có Di sản Văn hóa, Thiên nhiên thế giới Tràng An.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu nhấn mạnh: Việt Nam biết đến Colombia với những di sản thế giới nổi tiếng như: Cảnh quan văn hóa cà phê Colombia, Vườn quốc gia Chiribiquete, Trung tâm lịch sử Santa Cruz de Mompox, Công viên khảo cổ quốc gia Tierradentro, Hệ thống đường Inca…, và Việt Nam cũng rất tự hào với 8 di sản thế giới được UNESCO công nhận (vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Hoàng thành Thăng Long, Đô thị cổ Hội An, di tích cố đô Huế, Thành nhà Hồ, Khu di tích Mỹ Sơn và Quần thể danh thắng Tràng An). Thông qua du lịch di sản, Việt Nam mong muốn truyền bá vẻ đẹp và tinh thần của những di sản này ra thế giới. Việt Nam ý thức được vai trò của cơ quan quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp trong việc định hướng và khai thác phát triển loại hình du lịch di sản nhằm góp phần tích cực vào việc giữ gìn, phát huy các giá trị di sản, hỗ trợ sinh kế cộng đồng địa phương. Việt Nam sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm cũng như những khó khăn còn gặp phải trong quản lý du lịch di sản tại đất nước mình, đồng thời mong muốn lắng nghe những chia sẻ kinh nghiệm và sáng kiến từ phía các chuyên gia Colombia nhằm góp phần nâng cao hiệu quả quản lý du lịch tại các điểm đến di sản của cả hai quốc gia.
Tại Hội thảo, các đại biểu hai nước đã chia sẻ những kinh nghiệm quản lý khu, điểm có di sản thế giới tại quốc gia mình; thảo luận những vấn đề liên quan đến việc quản lý du lịch tại điểm du lịch di sản; đồng thời, đề xuất những giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của những di sản, phát huy được năng lực của các cơ quan quản lý…
Đề cập đến vai trò của cơ quan quản lý du lịch tại địa phương trong việc bảo tồn và phát triển di sản, đảm bảo sinh kế cho người dân địa phương, bà Hoàng Diệu Thuý - Quản lý Dự án Du lịch Di sản Bền vững - Ban Văn hóa - Văn Phòng UNESCO Hà Nội cho biết: Du lịch di sản, ở một góc nhìn mang tính chiến lược là một loại hình du lịch bền vững và có trách nhiệm trong bối cảnh đại dịch COVID-19, vì vậy, tiếp cận phương pháp “Bảo tồn di sản là trung tâm, phát triển cộng đồng địa phương là ưu tiên” nên được xem là hướng tiếp cận xương sống, bên cạnh sự hỗ trợ của công nghệ thông minh, nhằm đảm bảo sự phát triển hài hòa với các giá trị tự nhiên của di sản, cũng như tôn trọng kiến thức bản địa truyền thống và hỗ trợ phát triển cộng đồng địa phương.
Bà Hoàng Diệu Thúy cũng đưa ra 2 khuyến nghị: (1) Văn hóa và những vấn đề của văn hóa như bảo tồn di sản và sự đa dạng trong văn hóa nên được xem xét áp dụng qua lăng kính và khung phát triển. Cần mở rộng hơn sự tham gia của nhiều nhóm khác nhau để đảm bảo rằng các nhóm có liên quan đều nhận thức được tầm quan trọng về mặt chính trị và kinh tế của bảo tồn di sản và cách thức để họ đóng góp có hiệu quả vào bảo tồn di sản. (2) Trong bối cảnh đại dịch CCOVID-19, cần ứng dụng công nghệ thông minh nhằm tăng cường chất lượng của du lịch văn hóa và du lịch di sản. Các công cụ kỹ thuật số có thể được sử dụng như một phương tiện tác động tới thói quen của du khách tại điểm di sản văn hóa thông qua thúc đẩy chất lượng thuyết minh để những hiểu biết về di sản và nhận thức của công chúng về bảo tồn di sản được tăng cường hiệu quả.
Liên quan đến vấn đề phục hồi và phát triển du lịch tại Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An sau đại dịch COVID-19, TS. Bùi Văn Mạnh – Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho biết, quản lý, bảo tồn và khai thác các giá trị của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An được tỉnh Ninh Bình xác định là trách nhiệm của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và toàn thể nhân dân trong tỉnh. Quản lý Di sản với 3 trụ cột chính là Nhà nước, doanh nghiệp và người dân: Nhà nước đồng hành, doanh nghiệp chủ động, người dân tham gia hưởng ứng đã huy động được hầu hết các nguồn lực trong xã hội, vừa chủ động ứng phó với dịch bệnh, làm tốt công tác an sinh xã hội, khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và các giá trị văn hóa để phát triển du lịch, góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ và duy trì các giá trị của Di sản để trao truyền cho các thế hệ mai sau theo tinh thần Công ước Di sản Thế giới.
Kết luận hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu khẳng định: Ngành Du lịch Việt Nam và Colombia đều có một mong muốn chung là phát huy được những giá trị văn hóa, tinh thần của những di sản, phát huy được năng lực của các cơ quan quản lý để đưa danh tiếng của di sản đến với thế giới, đồng thời bảo tồn được những giá trị văn hóa một cách bền vững nhất cho các thế hệ tương lai.
Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cũng đánh giá cao sự quan tâm từ phía Colombia đối với kinh nghiệm quản lý du lịch di sản của Việt Nam, cho thấy ngành Du lịch Việt Nam đã nỗ lực và đạt được những thành tựu nhất định trong việc phát huy thế mạnh di sản của đất nước trong lĩnh vực du lịch, góp phần đưa du lịch di sản trở thành thương hiệu cho Du lịch Việt Nam. Đồng thời, những chia sẻ kinh nghiệm và đóng góp ý kiến của các chuyên gia Colombia sẽ góp phần giúp ngành Du lịch Việt Nam phát huy những thế mạnh và tăng cường hơn nữa năng lực quản lý di sản.
Anh Minh