Du lịch thể thao - sản phẩm du lịch đa lợi ích
Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), du lịch thể thao là loại hình du lịch liên quan đến trải nghiệm của khách du lịch, khi quan sát hoặc tham gia vào một sự kiện thể thao mang tính cạnh tranh (thương mại hoặc phi thương mại). Du lịch thể thao là một trong những mảng phát triển nhanh nhất trong ngành Du lịch, ước tính có trị giá khoảng 800 tỷ USD trên toàn cầu. Sản phẩm du lịch thể thao bao gồm: vé xem hoặc vé trực tiếp tham dự giải thể thao kèm với các dịch vụ: vận chuyển, khách sạn, ẩm thực, tham quan… hoặc một tour thể thao trọn gói hay kỳ nghỉ thể thao.
Tăng trưởng du lịch thể thao đã được chứng minh ở một số quốc gia trên thế giới qua việc tổ chức các sự kiện. Theo số liệu của Canadian Sport Tourism Alliance (CAST, 2017), thu nhập du lịch thể thao ở Canada vượt qua mức 6,5 tỷ USD vào năm 2015 - tăng 13% so với 5,8 tỷ USD năm 2014. Giải Cúp Bóng đá thế giới năm 2006 tổ chức tại Đức đã thu hút 700.000 lượt du khách và đạt 900 triệu USD thu nhập du lịch toàn quốc (Allmers & Maennig, 2009). Giống như Đức, Nam Phi là chủ nhà của World Cup 2010. Theo đó, Nam Phi đã đón 309.554 lượt khách du lịch quốc tế và doanh thu của du lịch đạt khoảng 500 triệu USD (FIFA, 2010).
Du lịch thể thao không phải là sản phẩm mới nhưng theo xu hướng và nhận định của nhiều chuyên gia, nó sẽ được quan tâm và phát triển mạnh sau đại dịch COVID-19 bởi ngoài các trải nghiệm du lịch thông thường du khách còn có được sức khỏe và/hoặc động lực để tập luyện thể thao.
Thị trường Việt Nam bắt đầu khởi phát kinh doanh sản phẩm du lịch thể thao từ khoảng 5 - 7 năm trở lại đây. Điển hình là một số sản phẩm được thiết kế bán kèm các giải chạy phong trào như giải chạy địa hình Vietnam Mountain Marathon do Công ty Topas tổ chức và gần đây là các tour do nhiều doanh nghiệp du lịch tổ chức cho người Việt sang nước ngoài xem đội tuyển Việt Nam thi đấu ở Thường Châu (Trung Quốc), Indonesia, Malaysia. Trước đó, một số công ty du lịch chuyên khách nước ngoài cũng làm các đoàn khách thể thao, mạo hiểm nhưng không nhiều.
Bên cạnh những ưu điểm như thu hút số lượng khách lớn, sử dụng nhiều dịch vụ địa phương, du lịch thể thao còn có một ưu điểm nổi trội so với hình thức/sản phẩm du lịch khác, đó chính là việc xúc tiến điểm đến. Thông qua du lịch thể thao, nhiều địa phương ở Việt Nam có thêm hình ảnh điểm đến mới mẻ, hấp dẫn trong mắt du khách. Nhiều địa phương dành sự quan tâm và nguồn lực cho loại hình/sản phẩm du lịch này bởi lợi ích mà nó mang lại.
Cũng trong khoảng 5 năm gần đây, Việt Nam chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ số lượng các câu lạc bộ và các giải thể thao phong trào của nhiều môn thể thao vốn trước đó chỉ thu hút giới chuyên nghiệp: golf, chạy bộ, xe đạp, leo núi, sup – kayak, bơi, yoga… Trong số đó, môn chạy bộ thu hút đông đảo số người tham gia. Đây là bộ môn nhận được sự quan tâm lớn bởi quy mô phát triển và khả năng liên kết khai thác rất lớn. Tính riêng chạy bộ phong trào, Việt Nam hiện có khoảng 40 giải marathon diễn ra tại các địa điểm du lịch nổi tiếng. Đặc biệt, Hà Nội, Hạ Long, Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh, Sapa hàng năm có nhiều giải lớn, quy mô mỗi giải từ vài nghìn đến hơn chục nghìn người tham gia (giải Vnexpress tại Hà Nội, Huế, Quy Nhơn, Hạ Long và Nha Trang có 4000 - 5000 người tham gia; giải Marathon quốc tế Tp. Hồ Chí Minh Techcombank có số lượng người tham gia kỷ lục: trên 12.000 người). Các giải có nhiều người nước ngoài tham gia nhất là giải chạy địa hình Vietnam Moutain Marathon tại Sapa, Mộc Châu và giải ba môn phối hợp bơi - đạp - chạy Techcombank Đà Nẵng Ironman có vận động viên đến từ 56 quốc gia và vùng lãnh thổ tranh tài.
Ngoài ra, các giải bóng đá có sự góp mặt của đội tuyển Việt Nam trong và ngoài nước, các giải bóng đá châu Âu, World Cup, các giải tennis thuộc hệ thống ATP, các giải đua xe F1… cũng thu hút khách tới xem và trải nghiệm dịch vụ du lịch địa phương. Không dừng ở đó, nhu cầu xem các trận đấu bóng, các trận thể thao chất lượng vào cuối tuần tại các đô thị cũng là phong cách sống của giới trẻ, của nhóm khách hàng thích thể thao. Theo báo cáo của Tổng cục Thể dục Thể thao, hàng năm có gần 200 giải thể thao trong hệ thống thi đấu quốc gia và hơn 30 giải thể thao quốc tế tại Việt Nam. Ngoài ra, mỗi kỳ SEA games, ASIAD, Olympic chúng ta đều có các đội tuyển thi đấu thu hút sự quan tâm của không ít người hâm mộ.
Du lịch thể thao ở thị trường Việt Nam: cơ hội còn bỏ ngỏ?
Theo thống kê của Tổng cục Thể dục Thể thao, cứ một người tham dự giải phong trào thường mang theo hai người nữa đi cổ vũ và cùng nhau đi du lịch tại điểm diễn ra sự kiện thể thao. Hiện tại, các công ty du lịch có thể tiếp cận cung cấp dịch vụ du lịch cho các vận động viên phong trào và người đi theo chủ yếu ở các môn golf và chạy bộ. Số còn lại chưa khai thác được mặc dù tiềm năng vẫn có như các giải đua kayak, xe đạp, bơi lội do số lượng giải không nhiều và thông tin truyền thông trước giải ít, tổ chức chưa chuyên nghiệp. Hầu hết các đơn vị tổ chức giải là các doanh nghiệp truyền thông, sự kiện, trong đó có cả công ty nước ngoài nhưng chỉ bán vé chạy (marathon) còn dịch vụ vé, lưu trú, vận chuyển và dịch vụ du lịch khác đều do người tham gia tự đặt dịch vụ. Có lẽ các doanh nghiệp du lịch chưa bắt tay được với các đơn vị tổ chức sự kiện thể thao!?
Việc khai thác khách tham dự sự kiện thể thao cho mục tiêu du lịch chưa được hiệu quả do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân các giải thể thao thành tích cao của Việt Nam chưa hấp dẫn, chưa đủ sức lôi kéo đông đảo người tới xem. Duy nhất môn bóng đá nam tại đấu trường khu vực như Đại hội thể thao Đông Nam Á – SEA games, Đại hội thể thao châu Á - ASIAD lôi cuốn được số lượng lớn người đi cổ vũ tại Thường Châu - Trung Quốc năm 2018 và SEA games 30 tại Philippines 2019. Tuy vậy chỉ dừng ở mức sang xem bóng đá, chưa có nhiều hoạt động tham quan, du lịch kèm theo. Hơn nữa, các công ty du lịch, kể cả công ty lớn cũng khá vất vả để đặt được vé xem ở nước ngoài; khó khăn thu xếp phương tiện vận chuyển do đây là dạng khách bị động – việc làm được tour hay không phụ thuộc vào thành tích của đội tuyển. Sự kiện thể thao du lịch được mong đợi nhất là đua xe F1 nhưng đã bị hủy do đại dịch COVID-19 và sự kiện Olympic 2020 dù có diễn ra tại Tokyo tháng 8/2021 nhưng cũng không có khán giả và khách du lịch tới xem.
Các giải thể thao phong trào về chạy bộ không chỉ hấp dẫn đối với người Việt Nam mà còn cả với người nước ngoài. Năm 2013, Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức họp báo về Vietnam Moutain Marathon (VMM) do Công ty Topas tổ chức, số vận động viên đăng ký dự giải chỉ đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu là người nước ngoài. 6 năm sau, VMM 2018 đã có 3.500 vận động viên tham dự đến từ 54 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các giải chạy địa hình do Công ty Topas tổ chức tại Sapa, Mộc Châu cũng rất thu hút khách quốc tế bởi cách tổ chức chuyên nghiệp và đặc biệt là phong cảnh núi rừng Tây Bắc rất được các chân chạy nước ngoài yêu thích bởi nơi đây có cung đường đẹp, văn hóa độc đáo và con người thân thiện, dễ mến...
Đối với sự kiện chạy bộ lớn nhất Việt Nam về số lượng người tham gia năm 2020, ông Đỗ Huỳnh Khánh Duy, Giám đốc đường đua giải Marathon Quốc tế Tp. Hồ Chí Minh Techcombank cho biết: “Không chỉ dừng lại tại định nghĩa “cuộc chạy đua” mà giải đang trên đà bước tiến đến danh xưng lễ hội văn hóa - thể thao - du lịch của Thành phố. Đây không chỉ là sự kiện dành cho vận động viên đam mê chạy bộ mà còn sẽ là sân chơi bổ ích cho cả người thân, bạn bè của các vận động viên, kéo họ lại gần hơn với lối sống thể thao lành mạnh”.
Du lịch thể thao 4.0 – xu hướng hậu COVID-19
Bà Đoàn Thu Thủy – Giám đốc VRUN.vn, đơn vị chuyên tổ chức giải chạy bộ và tour thể thao thuộc Vplus Vietnam bày tỏ: “Du lịch thể thao đang trở thành xu hướng nhất là trong và sau đại dịch COVID-19. Con người luôn muốn khỏe đẹp hơn và muốn rèn luyện, thể hiện mình mọi lúc mọi nơi thì hoạt động thể thao là hợp lý nhất vào lúc này. VRUN.vn đã phát triển được nền tảng tổ chức giải trực tuyến, mỗi khi giải thật không diễn ra được để phục vụ du khách trải nghiệm online trước, sau đó trải nghiệm offline tại điểm đến sau. Đây cũng là công cụ để các địa phương xúc tiến điểm đến. Trong hai năm 2020 và 2021, VRUN.vn đã tổ chức được rất nhiều giải lớn theo hình thức trực tuyến và hướng tới giải chạy thật tại một điểm du lịch khi dịch bệnh được kiểm soát”. Các giải như Techombank marathon – 27 năm bứt phá vinh quang, VIB - bước chạy mùa xuân, VITM marathon - Du lịch Việt Nam, thay đổi để phát triển… được VRUN.vn thực hiện thành công và đã tạo ra cộng đồng 12.000 người sử dụng nền tảng VRUN.vn cho đăng ký sự kiện thể thao trực tuyến và sẽ ứng dụng cho marathon với dịch vụ du lịch trong tương lai.
Tại Hội nghị quốc tế về du lịch và thể thao diễn ra vào tháng 9/2016 tại Đà Nẵng trong khuôn khổ Đại hội Thể thao Bãi biển châu Á lần thứ 5 (ABG5), Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Thể thao, du lịch và việc gắn kết giữa thể thao và du lịch như hai động lực rất quan trọng và đã có bước phát triển, mang lại lợi ích cho rất nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam. Thông qua việc kết hợp thể thao và du lịch sẽ giúp mọi người vươn lên, vượt qua chính mình, khám phá thế giới, cùng nhau chinh phục những đỉnh cao mới…”.
|
Công tác tổ chức đối với du lịch thể thao rất đặc thù bởi đây không đơn thuần là một tour chỉ lo hậu cần ăn, ngủ, nghỉ mà đòi hỏi phải có chuyên môn sâu về tổ chức sự kiện và các môn thể thao được tổ chức. Thêm vào đó, việc phân phối vé sự kiện, hậu cần, tour kèm theo cũng phải khoa học và trên nền tảng công nghệ mới có thể vận hành trơn tru. Rất thách thức nếu không có công nghệ trong tổ chức bởi lượng người đến sự kiện tại cùng một thời điểm lên đến hàng nghìn thậm chí hàng chục nghìn người. Hiện tại các nền tảng đăng ký vé thể thao thông dụng nhất hiện nay là www.123go.vn, www.ticketbox.vn www.vticket.vn và các website đăng ký trực tuyến của nhà tổ chức. Các nền tảng này cho phép người tham gia đặt vé thể thao, gói dịch vụ du lịch tại điểm đến theo hình thức trực tuyến, thanh toán trực tuyến, nền tảng xuất QR code gửi về email người tham gia và check code (kiểm tra vé), nhận số báo danh và vật phẩm lúc đến (số bid và áo). Đặc biệt một số nền tảng cho phép người tham gia tìm ảnh theo số bib của mình trong hàng trăm nghìn bức ảnh của toàn giải được ban tổ chức chụp và gửi lên website. Có thể khẳng định, áp dụng công nghệ 4.0 đăng ký vé và dịch vụ du lịch thể thao là điều kiện tiên quyết đối với tổ chức sự kiện thể thao đông người, là xu hướng tiếp theo của sự kiện thể thao trực tiếp và cả trực tuyến nhằm đón nhận nhu cầu gia tăng ngay khi đại địch được kiểm soát.
Nhằm phát triển loại hình du lịch thể thao và xây dựng, bán các sản phẩm du lịch thể thao trong thời gian tới, các cơ quan quản lý du lịch, quản lý điểm đến cần đánh giá tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, từ đó quy hoạch phát triển những địa phương có lợi thế để phát triển du lịch thể thao; các cơ quan quản lý thể dục thể thao công bố thông tin các giải thể thao trước ngày diễn ra giải khoảng hai tháng trở lên; cung cấp trọng tài, giám sát và các vận động viên chuyên nghiệp có thể là hạt giống tại các giải phong trào; các địa phương cần tạo cơ chế thông thoáng về thủ tục xin cấp giấy phép tổ chức sự kiện thể thao và tour thể thao; cơ sở cung cấp dịch vụ địa phương không tăng giá dịch vụ khi có giải thể thao diễn ra...
Du lịch thể thao là xu hướng và sẽ là một trong các sản phẩm chủ lực của Du lịch Việt Nam trong thời gian tới. Nhưng để phát triển cần sự phối hợp của cơ quan quản lý, các địa phương, cơ sở dịch vụ cùng các bên liên quan. Hơn ai hết, các công ty du lịch cần chủ động xây dựng các sản phẩm du lịch thể thao đặc thù cho mỗi phân khúc khách hàng và điểm đến, chủ động bắt tay với các doanh nghiệp sự kiện thể thao và các địa phương để có thêm một thị phần quan trọng của sản phẩm du lịch Việt Nam hậu COVID-19.
Trịnh Lê Anh
Nguyễn Đức Anh
(Nguồn: Tạp chí Du lịch tháng 9/2021)