Tác động của đại dịch COVID-19 tới doanh nghiệp
Tác động tới doanh thu: Năm 2020, kết quả kinh doanh của Du lịch Việt Nam nói chung ghi nhận sự sụt giảm nghiêm trọng về lượng khách và doanh thu so với năm 2019. Tính tới tháng 4/2021, khi đại dịch COVID-19 vẫn còn tiếp diễn, gần 56% doanh nghiệp du lịch được khảo sát ghi nhận mức doanh thu sụt giảm tới 25%, gần 30% doanh nghiệp cho biết mức sụt giảm tới 49%, 10% sụt giảm tới 74%, 5% doanh nghiệp có mức sụt tới 100%.
Tác động đến việc làm: COVID-19 đã làm giảm 40% việc làm trong ngành Du lịch tính tới tháng 4/2021. Tác động về việc làm thể hi��n rõ ở nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, mặc dù khác biệt không nhiều. Mức sụt giảm việc làm thậm chí còn trầm trọng hơn bởi không ít doanh nghiệp du lịch đã đóng cửa, không nằm trong diện khảo sát.
Tác động tới chi phí: Trong khi doanh thu sụt giảm, các doanh nghiệp vẫn phát sinh chi phí như: quản lý, trợ cấp cho nhân viên, giải quyết nợ khó đòi, chống dịch COVID-19 và chuyển hướng kinh doanh. Hai chi phí phát sinh phổ biến nhất là chi phí quản lý doanh nghiệp và trợ cấp cho người lao động. 68% và 65% các doanh nghiệp được hỏi cho biết phát sinh hai chi phí này. Trong khi đó, chi phí nợ khó đòi cũng phát sinh tại hơn 41% doanh nghiệp. Các chi phí khác để chống dịch COVID-19 và chi phí chuyển đổi kinh doanh cũng phát sinh 41% và 27% doanh nghiệp…
Những giải pháp thích ứng trong kinh doanh
Qua hơn một năm, doanh nghiệp du lịch phải tự tìm những giải pháp kinh doanh nhằm thích ứng với điều kiện mới, hướng tới mục tiêu tồn tại trong đại dịch. Trực tiếp nhất là giải pháp cắt giảm chi phí, nhất là chi phí lao động vốn chiếm một tỷ trọng lớn trong chi phí biến đổi của các doanh nghiệp du lịch.
Cắt giảm chi phí lao động: Hàng loạt những giải pháp được các doanh nghiệp áp dụng như: giảm giờ làm (58%), cho nhân viên cố định nghỉ không lương (34%), cho nhân viên cố định nghỉ việc (33%), cho nhân viên hợp đồng nghỉ không lương (30%), cho nhân viên hợp đồng nghỉ việc (28%), thực hiện làm việc trực tuyến tại nhà (27%), chuyển nhân viên cố định sang làm việc ngắn hạn (23%). Chỉ có khoảng 20% các doanh nghiệp duy trì làm việc bình thường. Trong khi đó có 14% doanh nghiệp được hỏi đã nghỉ toàn bộ.
Điều hướng kinh doanh: Trong điều kiện dịch bệnh COVID-19, các doanh nghiệp có nhiều thay đổi trong định hướng kinh doanh nhằm thích ứng với điều kiện thực tế. Chỉ có 29% doanh nghiệp được hỏi cho biết vẫn tiến hành hoạt động kinh doanh như bình thường, bất chấp dịch bệnh. Hơn 70% doanh nghiệp thay đổi hoạt động kinh doanh. Ưu tiên hơn cả đối với các doanh nghiệp là thay đổi thị trường với 53% doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng lựa chọn phương án liên kết với các doanh nghiệp khác (19%), tăng cường kinh doanh trực tuyến (17%), hoặc chuyển hướng kinh doanh khác (14%). Đáng chú ý là trong khi có 31% doanh nghiệp phải thu hẹp kinh doanh hoặc thậm chí 22% số doanh nghiệp phải tạm đóng cửa thì vẫn có 19% doanh nghiệp mở rộng kinh doanh mới.
Đánh giá về tầm quan trọng của những biện pháp nhằm thích ứng với điều kiện dịch bệnh COVID-19, kiểm soát chi phí là công cụ được ưu tiên hàng đầu (4,48/5 điểm về mức độ quan trọng). Tiếp theo là chuyển đổi số (3,08/5), liên kết với các doanh nghiệp khác (3,08/5) và chuyển đổi mô hình kinh doanh (2,89/5). Có thể thấy đây là những giải pháp cơ bản được các doanh nghiệp tập trung lựa chọn. Các giải pháp khác, bao gồm cả việc chuyển đổi lĩnh vực kinh doanh có thể được đánh giá là quan trọng với một số doanh nghiệp nhưng không được đánh giá chung là quan trọng khi tính trung bình cho các doanh nghiệp được hỏi.
Mong muốn của các doanh nghiệp
Bên cạnh việc tự nỗ lực để chống chọi với dịch bệnh COVID-19, các doanh nghiệp du lịch cũng mong đợi vào sự hỗ trợ cùng những giải pháp của Chính phủ để vượt qua giai đoạn khó khăn được xác định còn tiếp tục kéo dài. Trước hết là những giải pháp tác động trực tiếp tới nguồn tài chính của doanh nghiệp như giãn nộp thuế, giảm giá điện, miễn, hoãn đóng bảo hiểm xã hội, giảm giá tiền thuê đất, trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp (trên 4/5 điểm về mức độ quan trọng). Các giải pháp khác như cho vay lãi suất thấp, chuyển đổi số, giảm tiền ký quỹ, giảm phí cấp phép kinh doanh có mức ưu tiên thấp hơn nhưng vẫn ở mức khá quan trọng (từ 3,5/5 điểm tới 4/5 điểm). Mức độ ưu tiên cao nhất (4,52/5) dành cho việc tiêm chủng vắc-xin COVID-19.
Một điểm đáng chú ý là trong khi việc thực hiện Nghị quyết 42/NQ-CP vẫn được xem là một giải pháp quan trọng thì việc thực hiện gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng không còn được xem là thực sự quan trọng (đạt 3,27/5 điểm). Điều này phần nào phản ánh mức độ quan tâm cũng như hiệu quả thực sự của gói hỗ trợ này đối với của các doanh nghiệp du lịch không cao.
Các giải pháp về quảng bá xúc tiến điểm đến, quản lý khủng hoảng, các giải pháp trực tiếp trong mùa dịch (quy trình du lịch an toàn, bản đồ du lịch an toàn, chính sách miễn giảm phí tham quan, hoàn hủy vé, bảo hiểm cho khách du lịch hay hỗ trợ trực tiếp của Chính phủ) cũng được các doanh nghiệp đánh giá là quan trọng và rất quan trọng trong điều kiện hiện nay.
Thời điểm thực hiện khảo sát này là cuối tháng 3, đầu tháng 4/2021 khi dịch bệnh COVID-19 đang tạm thời được kiểm soát tại Việt Nam. Tuy vậy, hơn 55% số doanh nghiệp được hỏi cho rằng phải tới nửa sau năm 2021 hoặc nửa đầu năm 2022, Du lịch Việt Nam mới phục hồi, thậm chí hơn 21% cho rằng phải tới sau năm 2022. Ở chiều ngược lại, có khoảng 22% số doanh nghiệp có đánh giá tích cực là ngành Du lịch có thể phục hồi trong năm 2021. Tuy vậy, với sự bùng phát của dịch bệnh trong thời gian qua tại Việt Nam và trên thế giới, những đánh giá này có thể thay đổi. Ngược lại, những dấu hiệu tích cực về tác dụng của vắc-xin COVID-19 tại một số nước có tỷ lệ tiêm chủng cao dẫn tới việc nới lỏng hạn chế du lịch mang tới những suy nghĩ lạc quan hơn về tương lai của ngành Du lịch toàn cầu cũng như tại Việt Nam.
Những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong thời kỳ dịch bệnh
Dịch bệnh vẫn tiếp tục kéo dài, ít nhất là trong năm 2021 và hậu quả của nó còn ảnh hưởng trong những năm sau. Để tồn tại, các doanh nghiệp phải tiếp tục cố gắng “cầm cự”, cắt giảm chi phí, hoàn thiện và đổi mới mô hình kinh doanh, nhanh chóng nắm bắt những cơ hội khôi phục thị trường du lịch nội địa khi dịch bệnh được kiểm soát. Sự phối hợp giữa các doanh nghiệp rất quan trọng để tạo nên “sức bật hồi sinh” khi có cơ hội mở cửa thị trường du lịch. Bên cạnh đó, những hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước là cũng rất cần thiết trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đã kiệt quệ, đứng trước nguy cơ dừng hoạt động, phá sản.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch, Chính phủ đã tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất, cơ cấu lại nợ, miễn phí với các doanh nghiệp trong đó có các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch đến hết năm 2021. Các giải pháp nhằm tăng khả năng thanh khoản của các doanh nghiệp vẫn tiếp tục cần thiết cho các doanh nghiệp du lịch.
Những gói hỗ trợ tài chính dành cho doanh nghiệp hướng tới mục tiêu tăng khả năng thanh khoản của các doanh nghiệp. Khảo sát các doanh nghiệp du lịch cho thấy, gói hỗ trợ tài chính trực tiếp 62.000 tỷ của Chính phủ không được đánh giá quá quan trọng so với những giải pháp khác. Trong khi các doanh nghiệp đang rất cần những hỗ trợ về mặt tài chính, việc thực hiện nhanh chóng, hiệu quả những gói cứu trợ tài chính thực sự là vấn đề quan tâm của các doanh nghiệp du lịch. Trong khi một số ngành đã có dấu hiệu phục hồi, kể cả trong đại dịch thì ngành Du lịch vẫn đang bị “đóng băng”. Do đó, Du lịch cần được xác định là một trong những ngành được ưu tiên hỗ trợ.
Bên cạnh những hỗ trợ của Nhà nước với các doanh nghiệp để ứng phó với dịch bệnh COVID-19, ngành Du lịch cũng cần có những giải pháp trực tiếp hỗ trợ các doanh nghiệp. Những kết quả rất đáng khích lệ của các hoạt động kích cầu du lịch nội địa trong năm 2020 và đầu năm 2021 đã khẳng định vai trò của các cơ quan Nhà nước, hiệp hội trong việc tổ chức và liên kết doanh nghiệp nhằm khôi phục thị trường du lịch nội địa. Các giải pháp này cần tiếp tục duy trì theo hướng chủ động hơn, đáp ứng với những kịch bản dịch bệnh với một chiến thuật và thời điểm được xác định rõ ràng. Ngay trong thời kì dịch bệnh bùng phát, vẫn cần duy trì những hoạt động truyền thông giúp nuôi dưỡng nhu cầu du lịch của khách du lịch nội địa. Công tác liên kết, lập kế hoạch, chuẩn bị cũng cần được thực hiện trước để những gói kích cầu luôn sẵn sàng tung ra ngay khi dịch bệnh có dấu hiệu được kiểm soát. Ngay thời điểm hiện tại, việc tiếp tục nghiên cứu các giải pháp mở của thị trường du lịch quốc tế cũng rất cần thiết. Tất cả những công việc này đòi hỏi một kế hoạch tổng thể của ngành Du lịch từ bây giờ tới khi đại dịch COVID-19 qua đi, có thể là tới hết năm 2022.
Phạm Trương Hoàng
Vũ An Dân
Hoàng Nhân Chính
Trương Nam Thắng
(Nguồn: Tạp chí Du lịch tháng 7/2021)