Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho biết, hiện nay xu hướng và nhu cầu khám phá cảnh quan tự nhiên và trải nghiệm văn hóa bản địa thông qua hoạt động du lịch mạo hiểm trên thế giới đang tăng nhanh. Tại Việt Nam nói chung, tiểu vùng Đông Bắc nói riêng, du lịch mạo hiểm có rất nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển. Nhận thấy đây là loại hình đặc biệt hấp dẫn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã giao Viện Nghiên cứu và Phát triển Du lịch thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch mạo hiểm tiểu vùng Đông Bắc, trong đó nhấn mạnh vào 3 tỉnh Hà Giang, Cao Bằng và Bắc Kạn.
Thay mặt nhóm nghiên cứu, ông Nguyễn Quốc Hưng (Viện Nghiên cứu và Phát triển Du lịch) đã trình bày khái quát kết quả ban đầu của việc thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch mạo hiểm tiểu vùng Đông Bắc. Ông Hưng cho biết, hiện nay du lịch mạo hiểm ở tiểu vùng Đông Bắc chủ yếu tập trung vào các hoạt động như khám phá hang động, chinh phục đỉnh núi cao, trekking rừng, đạp xe địa hình khám phá cảnh đẹp thiên nhiên và bản làng các dân tộc thiểu số, đua ô tô/mô tô địa hình, dù lượn, tự lái xe ô tô cá nhân trên những cung đường miền núi Đông Bắc... Thị trường nội địa chủ yếu là du khách đến từ Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hải Dương, Bắc Ninh và một số tỉnh miền Trung, TP. Hồ Chí Minh, đồng bằng sông Cửu Long; thị trường quốc tế chủ yếu là du khách Tây Âu, Bắc Mỹ. Phần lớn du khách tham gia các tour mạo hiểm nằm ở độ tuổi thanh niên và trung niên...
Sau khi phân tích điều kiện thuận lợi và khó khăn, nhóm nghiên cứu đã đưa ra những định hướng và giải pháp phát triển sản phẩm du lịch mạo hiểm tiểu vùng Đông Bắc. Về định hướng, tiểu vùng Đông Bắc có thể phát triển nhóm sản phẩm du lịch mạo hiểm trên không, nhóm sản phẩm du lịch mạo hiểm trên bộ và nhóm sản phẩm du lịch mạo hiểm dưới nước. Cùng với đó, nhóm nghiên cứu đã đưa ra các giải pháp về phát triển thị trường, giải pháp quảng bá xúc tiến du lịch và nhóm giải pháp về hợp tác liên kết... nhằm đẩy mạnh khai thác phát triển sản phẩm du lịch mạo hiểm tại các địa phương, góp phần xây dựng thương hiệu và nâng cao khả năng cạnh tranh cho du lịch vùng.
Đại biểu tham dự hội thảo cũng được nghe tham luận của đại diện các Sở VHTTDL Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn trình bày về tiềm năng, thực trạng và định hướng phát triển sản phẩm du lịch mạo hiểm của các địa phương; tham luận của các chuyên gia, doanh nghiệp chia sẻ về kinh nghiệm phát triển sản phẩm du lịch mạo hiểm, các giải pháp liên kết hợp tác phát triển sản phẩm du lịch mạo hiểm vùng Đông Bắc...
Phần thảo luận diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến đóng góp thẳng thắn, cởi mở. Đa số ý kiến đều cho rằng tiểu vùng Đông Bắc rất giàu tiềm năng để phát triển sản phẩm du lịch mạo hiểm, tuy nhiên vì đây là sản phẩm liên quan đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của du khách nên cần có sự nghiên cứu, khảo sát cẩn thận, kỹ lưỡng để có thể xây dựng được những sản phẩm du lịch bài bản, mang tính chuyên nghiệp cao, vừa đủ sức hấp dẫn vừa đảm bảo an toàn cho du khách. Mỗi địa phương cần thiết kế được những sản phẩm độc đáo của riêng mình để tránh trùng lặp với các địa phương khác, tạo thành chuỗi liên kết sản phẩm đa dạng, lý thú đối với du khách. Bên cạnh đó, các ý kiến cũng cho rằng tiểu vùng Đông Bắc cần đưa ra những cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch mạo hiểm phát triển; tăng cường thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút các nhà đầu tư chiến lược có đủ tiềm lực; xác định rõ thị trường mục tiêu, thị trường tiềm năng để có hướng khai thác hợp lý; ứng dụng công nghệ số trong xây dựng sản phẩm; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực du lịch mạo hiểm; quan tâm hơn đến vấn đề bảo hiểm du lịch...
Kết luận hội thảo, TS. Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, những ý kiến đóng góp tại hội thảo sẽ góp phần giúp nhóm nghiên cứu hoàn thiện đề tài nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu sẽ được báo cáo lãnh đạo Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch; cung cấp cơ sở dữ liệu hữu ích cho các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, địa phương, doanh nghiệp và những người quan tâm đến du lịch mạo hiểm tiểu vùng Đông Bắc. Ngoài ra, Viện Nghiên cứu và Phát triển Du lịch sẽ đề xuất để tiếp tục nghiên cứu ở quy mô lớn hơn, ở các vùng khác nhằm góp phần khai thác tối ưu nguồn lực du lịch mạo hiểm tại Việt Nam...
Thảo Chi