Vaccine phòng COVID-19 được xem là giải pháp hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, hiện nay, vaccine phòng COVID-19 được xem là giải pháp hiệu quả, là trọng tâm ưu tiên trong công tác phòng, chống dịch. Do vậy cần tiếp cận sớm, tăng độ bao phủ vaccine, đạt được miễn dịch cộng đồng phòng, chống dịch COVID-19, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, phát triển kinh tế xã hội. Đến nay, số liều vaccine đã có thông qua đàm phán là 110 triệu liều, dự kiến sẽ được cung ứng cho Việt Nam trong năm 2021. Bộ Y tế vẫn đang tích cực đàm phán để đảm bảo mua đủ 150 triệu liều vaccine phục vụ nhu cầu tiêm chủng của người dân Việt Nam.
Song song với việc tích cực tiếp cận nguồn vaccine trên thế giới, Việt Nam cũng đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước. Việt Nam là một trong 4 quốc gia đầu tiên trên thế giới phân lập được virus SARS-CoV-2, mở đường có khả năng nghiên cứu, sản xuất vaccine. Chúng ta cũng có kế hoạch mua bản quyền vaccine, tiếp cận chuyển giao vaccine, hợp tác trong nghiên cứu, liên doanh liên kết các đơn vị sản xuất vaccine trên thế giới để làm sao có vaccine sớm nhất và tự chủ vắc xin sử dụng trong nước.
Hơn 1 triệu liều vaccine đầu tiên về đến Việt Nam đã được tiêm cho những lực lượng tuyến đầu. Và trong đợt dịch lần thứ tư, hàng trăm nghìn liều vaccine đã được chuyển đến tâm dịch Bắc Giang, Bắc Ninh để tiêm cho công nhân làm việc trong các khu công nghiệp để giữ vững “động cơ tăng trưởng” của cả nền kinh tế. Những lô vaccine mới sẽ về Việt Nam trong quý III/2021, một phần trong đó được dành cho hàng triệu công nhân, người lao động làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp, những ngành nghề chính của nền kinh tế. Có như vậy, chúng ta mới bảo vệ được sản xuất, duy trì được các chuỗi cung ứng. Kinh tế tăng trưởng mới có thêm nguồn lực để thực hiện phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, triệt để hơn, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống cho nhân dân.
Chính phủ Việt Nam đã có quyết định thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19 Việt Nam để huy động các nguồn lực cho việc mua và sản xuất vaccine, đảm bảo an ninh vaccine của Việt Nam. Quyết định này mở đường cho việc đảm bảo nguồn tài chính bền vững, công bằng trong tiếp cận vaccine đối với tất cả người dân Việt Nam. Theo Bộ Tài chính, Quỹ này được thành lập với mục tiêu tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước để hỗ trợ cùng với nguồn lực ngân sách nhà nước mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước để tiêm chủng cho người dân.
Ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) khẳng định, sẽ vận hành và quản lý quỹ công khai, minh bạch và hiệu quả. Số thu chi sẽ được ghi nhận và được công khai minh bạch trên các website của Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước. Trong trường hợp cần thiết thì sẽ có thanh tra, kiểm toán theo quy định.
Bộ Tài chính đang xây dựng Thông tư, kèm theo là quy chế tổ chức, quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19, bao gồm cả phụ lục liên quan đến hạch toán, kế toán, công khai tài chính cho Quỹ này.
Những chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Chính phủ, tinh thần tấn công thần tốc, mạnh mẽ, nhất quán đã gỡ bỏ hàng loạt khó khăn về cơ chế, thể chế, cũng như tư duy máy móc, cứng nhắc khi tiếp cận các nguồn vaccine của ngành Y tế. Mọi thủ tục, quy trình về cấp phép lưu hành, kiểm định vaccine phòng COVID-19 được rút gọn tối đa. Mọi vướng mắc được tháo gỡ ngay.
Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn tài chính rất hạn hẹp, việc bảo đảm nguồn lực xã hội để tất cả người dân Việt Nam được tiếp cận vaccine miễn phí là thách thức rất lớn. Thủ tướng đã chỉ đạo tiết kiệm chi thường xuyên để dồn khoản tiết kiệm đó cho mua vaccine phòng COVID-19, đồng thời huy động sự ủng hộ, hỗ trợ của những tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
Nhằm hưởng ứng lời kêu gọi “toàn dân đoàn kết ra sức phòng, chống dịch bệnh COVID-19” của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; của các cấp, các ngành, phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc, các tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã góp phần chung tay chia sẻ, trách nhiệm cùng Đảng, Nhà nước có thêm nguồn lực tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, chữa bệnh, đảm bảo an sinh xã hội, sự an toàn với đời sống sức khoẻ của nhân dân trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Theo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tính từ ngày 1/5/2021 đến nay, số tiền ủng hộ và đăng ký ủng hộ của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân ở trong và ngoài nước cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 thông qua hệ thống Mặt trận từ Trung ương đến địa phương và qua Bộ Y tế lên tới gần 3.500 tỷ đồng.
Nhằm góp phần tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đóng góp, hỗ trợ Quỹ vaccine phòng COVID-19, Ngân hàng Nhà nước đề nghị các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khẩn trương xem xét, triển khai áp dụng chính sách miễn phí đối với các giao dịch chuyển tiền của các tổ chức, cá nhân tới các số tài khoản tiếp nhận tiền đóng góp cho Quỹ vaccine phòng COVID-19.
Cụ thể, tại Sở Giao dịch Kho bạc Nhà nước: Tên tài khoản: Quỹ vaccine phòng COVID-19; số hiệu tài khoản: VND: 3761.0.9098866.91999; USD: 3761.0.9098869.91999; EUR: 3761.0.9098786.91999.
Tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Hà Nội: Tên tài khoản: Quỹ vaccine phòng COVID-19; số hiệu tài khoản: VND: 21110009116868; USD: 21110371116868; EUR: 21110142996868.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu, căn cứ thông tin trên, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chủ động thực hiện việc công bố thông tin rộng rãi tới khách hàng về phạm vi, hình thức, thời gian áp dụng.
Liên tiếp trong các cuộc họp về phòng, chống dịch gần 1 tháng qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu phải thần tốc hơn nữa, hiệu quả hơn nữa trên “mặt trận vaccine”. Đây là một hướng tấn công có ý nghĩa then chốt trong cuộc chiến chống dịch, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường và phát triển kinh tế của đất nước.
Lan Phương
*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ