Cần có những giải pháp cấp bách và đồng bộ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch
Doanh nghiệp du lịch “xoay” theo đại dịch để tồn tại
Có thể nói, đợt dịch thứ 3 như cơn bão muốn nhấn chìm các con thuyền doanh nghiệp du lịch. Khi hầu hết các hoạt động của du lịch bị tê liệt, hàng loạt các doanh nghiệp phải đối mặt với các khoản lỗ từ chi phí trông coi, bảo dưỡng bảo trì phương tiện tài sản, lãi vay ngân hàng, lương nhân viên ngày một lớn… Trước tình hình đó, nhiều công ty vẫn đang nỗ lực tìm cách xoay sở trong hoàn cảnh khó chồng khó.
Tổng Giám đốc (TGĐ) Tổng Công ty Cổ phần Du lịch Sen Á Đông (Quảng Ninh) - ông Đoàn Văn Dũng cho biết: là một trong những đơn vị luôn tiên phong trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ du thuyền trên vịnh Hạ Long, đến năm 2019, Tổng Công ty trên 500 nhân viên, kinh doanh trên các loại hình như: du thuyền, nhà hàng buffet Sen Á Đông, du lịch làng quê Yên Đức, đội xe ALOHA. Tuy nhiên, đến năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, khách quốc tế giảm đến nay thì hầu như không có, chúng tôi đã phải chuyển đổi dịch vụ cho phù hợp với khách trong nước để duy trì hệ thống. Và đến đầu năm 2021, đại dịch COVID-19 tái xuất hiện trong cộng đồng khiến cho mọi hoạt động kinh doanh của công ty gặp rất nhiều khó khăn. Ông Dũng tâm sự: “Thực sự chúng tôi cũng chưa biết phải làm gì để tiếp tục vượt qua, trước mắt tiếp tục cho nhân viên nghỉ để đảm bảo an toàn phòng dịch, tìm kiếm các khoản vay để trang trải”.
Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và Phát triển Du lịch Nụ Cười Mới - ông Nguyễn Văn Cường cho hay: Đợt dịch lần này là cú sốc lớn đối với tất cả những người làm du lịch. Đúng dịp nghỉ lễ và các hoạt động du lịch hè đang được đầu tư và triển khai một cách mạnh mẽ thì dịch tái xuất hiện khiến cho tất cả các hoạt động phải hoãn, hủy. Ông nói: “Cùng với các đơn vị khác, Công ty chúng tôi dừng toàn bộ các hoạt động vận chuyển, chỉ để một số anh em văn phòng trực. Công ty đang rà soát công nợ, bảo quản xe, toàn bộ anh em lái xe của Công ty phải tạm nghỉ cho đến khi dịch được kiểm soát”.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Du lịch, Giám đốc Công ty Lai Châu Travel, Lê Ngọc Đoàn cho biết: Các đợt dịch liên tiếp diễn ra khiến cho các doanh nghiệp du lịch nói chung, lữ hành nói riêng đang đứng trước nguy cơ phá sản. Những tác động tiêu cực dường như vượt qua sức chịu đựng của doanh nghiệp. Để đối phó với tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Công ty xác định cơ cấu lại bộ máy theo hướng tinh gọn; ứng dụng triệt để công nghệ thông tin, các nền tảng mạng xã hội nhằm tiếp cận khách hàng mới, chăm sóc tốt khách hàng cũ; tìm kiếm các sản phẩm du lịch mới, kết hợp trải nghiệm du lịch sinh thái. Ông Đoàn cũng cho hay: “Quá trình chuyển đổi, tìm hướng đi cũng gặp vô vàn khó khăn như: cơ chế, chính sách của nhà nước trong việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt khủng hoảng COVID-19 còn hạn chế, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp như chính sách thuế, hỗ trợ khi địa phương công bố dịch, cơ chế của Ngân hàng chặt chẽ khiến doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vay”.
Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị, TGĐ Du lịch Vân Hải Xanh - Chủ tịch Hội Du lịch Cộng đồng Việt Nam (VCTC), Phạm Hải Quỳnh: đại dịch COVID-19 tái xuất hiện đã làm cho các doanh nghiệp du lịch thực sự chìm sâu trong khó khăn và khủng hoảng. Các doanh nghiệp du lịch rất hi vọng dịch sẽ được kiểm soát trước khi vào cao điểm của mùa du lịch hè, để các doanh nghiệp có thể tháo gỡ khó khăn. “Hiện tại, Du lịch Vân Hải Xanh cũng đã thu gọn các văn phòng để giảm chi phí, sàng lọc nhân viên chính để duy trì và phục vụ khách khi cần thiết. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ pháp lý để triển khai khu nghỉ dưỡng 5 sao mà Công ty đang đầu tư. Các đơn vị lữ hành của Vân Hải Xanh đã phải tiến hành hoàn, hủy và bảo lưu dịch vụ cho khách hàng. Ngoài ra, Chi nhánh Vân Hải Xanh tại Cao Bằng tạm dừng hoạt động, đơn vị phụ trách khách sạn cũng tạm thời đóng cửa không khai thác vì tình hình dịch bệnh quá phức tạp” ông Quỳnh thông tin.
Bên cạnh đó, Chủ Nhà hàng Bếp Việt (Hà Nội) Nguyễn Xuân Quỳnh cho biết: Tác động của đại dịch đối với Nhà hàng thật là khủng khiếp, các đoàn khách tour, khách Việt đều hủy mặc dù đã có lịch trình đặt sẵn. Lớp dạy học nấu ăn cho sinh viên Trường Đại học Thủ đô cũng bị hoãn do dịch bệnh. Nhân viên làm việc tại nhà và chưa có kế hoạch đi làm do tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp; kế hoạch triển khai các phương thức kinh doanh bị chậm lại cũng do dịch tái bùng phát. “Để “xoay” theo đại dịch trong giai đoạn này, ngoài việc tiếp tục phục vụ những đoàn khách du lịch hiếm hoi đến Hà Nội, chúng tôi tích cực sales & maketing đến đối tượng khách hàng tại Hà Nội, cùng với việc nghiên cứu làm lại thực đơn phong phú, giá thành thấp hơn để thu hút khách. Bên cạnh đó, Nhà hàng dự kiến tiếp tục mở các lớp dạy nấu ăn…” ông Quỳnh chia sẻ.
Theo Bà Trịnh Thị Mỹ Nghệ - Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Hà Nội, Giám đốc Công ty Du lịch Quốc tế (ITC Travel): Đại dịch COVID-19 đã tác động, ảnh hưởng lớn đến các hoạt động chung của ngành Du lịch. Trước khó khăn chồng chất, nhiều doanh nghiệp vận chuyển, doanh nghiệp kinh doanh cơ sở lưu trú đóng cửa, doanh nghiệp lữ hành hoạt động cầm chừng nhưng đến thời điểm này cũng kiệt sức. Các gói kích cầu gần như đóng băng do khách hủy tour tăng đột ngột. Trong khi đó, các kế hoạch của ngành Du lịch có nguy cơ tạm khép lại, bỏ qua mùa cao điểm của du lịch nội địa để chờ đợi thời cơ. Trong tình hình hiện nay, ngoài biện pháp cắt giảm nhân sự vận hành, nhiều doanh nghiệp đóng cửa hoặc chuyển hướng kinh doanh ngành nghề khác trong thời gian chờ thị trường du lịch ổn định trở lại.
Cần những giải pháp cấp bách và đồng bộ
Trước những khó khăn và nguy cơ do tác động tiêu cực của các đợt dịch COVID-19 liên tiếp diễn ra trong cộng đồng và trước diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường của đại dịch toàn cầu, đại diện một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đã đưa ra các đề xuất, kiến nghị nhằm giải quyết các yêu cầu cấp bách và giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn, duy trì hoạt động cho doanh nghiệp.
Theo TGĐ Đoàn Văn Dũng (Sen Á Đông) thì ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp, để giúp doanh nghiệp du lịch vượt qua đại dịch, đề nghị: Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp du lịch; hỗ trợ 100% bảo hiểm xã hội, y tế ở mức tối thiểu trong thời gian nghỉ do dịch bệnh để tạo điều kiện cho doanh nghiệp giữ chân được nhân viên đảm bảo hệ thống không bị tan rã; hỗ trợ cho doanh nghiệp du lịch 5% lãi vay trả tiền cho nhân viên trong thời gian từ tháng 5/2021 đến 6/2022. Đối với ngành Du lịch cần có kênh truyền thông cũng như tổ chức các hội thảo trực tuyến về kinh nghiệm hoạt động du lịch trong tình hình dịch bệnh để nâng cao nhận thức cho toàn ngành, định hướng cho doanh nghiệp có sự đầu tư, chuẩn bị các điều kiện để trở lại hoạt động khi dịch được kiểm soát. Đề nghị tỉnh Quảng Ninh quan tâm miễn tiền thuê đất hết năm 2022; giảm 100% phí tham quan Vịnh Hạ Long đến hết năm 2022.
Bên cạnh đó, Ông Phạm Hải Quỳnh (Du lịch Vân Hải Xanh) cũng nêu lên mong muốn: Nhà nước sẽ có các chính sách hỗ trợ cụ thể đối với doanh nghiệp, người lao động như: tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn với lãi suất thấp, gia hạn các khoản vay của các doanh nghiệp du lịch cũng như có chính sách lãi suất hỗ trợ cho những khoản vay này; tiếp tục gia hạn bảo hiểm, thuế thu nhập, thuế giá trị gia tăng… Các chính sách này cần phải chi tiết và có hướng dẫn cụ thể đến từng doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Văn Cường (Du lịch Nụ Cười Mới): Trong 2 năm qua, các doanh nghiệp du lịch hoạt động cầm chừng, nguồn vốn cạn kiệt. Vì vậy, các doanh nghiệp mong muốn có thể tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, nhằm vực dậy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hiện tại, các doanh nghiệp vận tải du lịch đang khó khăn trong việc thực hiện Nghị định số 10 của Bộ Giao thông vận tải về lắp đặt camera giám sát do chí phí lắp đặt cao, đặc biệt là trong thời điểm dịch đang có nguy cơ bùng phát.
Để giúp doanh nghiệp du lịch vượt khó, bà Trịnh Thị Mỹ Nghệ (ITC Travel) đề xuất: Chính phủ tiếp tục quan tâm điều chỉnh giá điện áp dụng cho cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất trong năm 2020; hỗ trợ giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp và giảm thuế VAT từ 10% xuống 5% trong năm 2020, 2021; tiếp tục giảm tiền điện, nước, chi phí dịch vụ internet. Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp vay 50% tiền ký quỹ hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành; chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải có ý kiến để các hãng hàng không có chính sách hợp tác, hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành. Đồng thời, chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế xây dựng ứng dụng du lịch Việt Nam an toàn trên bản đồ số về các vùng có dịch và vùng an toàn. Bà Nghệ kiến nghị thêm: “Ủy ban Nhân dân TP. Hà Nội chỉ đạo Sở Du lịch Hà Nội nghiên cứu, xem xét hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu, định hướng lại thị trường khách du lịch và xây dựng sản phẩm mới; tăng cường đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực cho ngành Du lịch chuẩn bị tái khởi động kinh doanh sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát; tăng cường giải pháp đồng bộ, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin và chuyển đổi công nghệ số nhằm nâng cao chất lượng hoạt động du lịch. Ngoài ra, các doanh nghiệp du lịch, hàng không, vận tải, nhà hàng, khách sạn cần đồng lòng, liên kết với nhau để xây dựng gói kích cầu nội địa nhằm giúp cho du lịch phục hồi sau giai đoạn khủng hoảng”.
Tuấn Sơn