Thực hiện chiến lược vaccine theo tinh thần thần tốc, quyết liệt hơn nữa
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống COVID-19 chiều 24/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu hoàn thiện các quy định để có chiến lược hoàn chỉnh về phòng, chống dịch trong khu công nghiệp; thực hiện bằng được chiến lược vaccine theo tinh thần thần tốc hơn nữa, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt và hiệu quả hơn.
Thủ tướng lưu ý, trong nghiên cứu, sản xuất vaccine, các nhà khoa học, Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phải vào cuộc; Bộ Tài chính thiết kế cơ chế, chính sách để khuyến khích nghiên cứu, sản xuất vaccine. Có kế hoạch tiêm vaccine phù hợp, ưu tiên cho các đối tượng tuyến đầu chống dịch và công nhân các khu công nghiệp.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan ngay lập tức đề xuất cơ chế đóng góp và sử dụng Quỹ vaccine bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, huy động mọi nguồn lực và đóng góp của toàn dân, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Triệt để tiết kiệm chi tiêu thường xuyên để bảo đảm ngân sách tối đa cho việc mua vaccine, vừa bảo đảm các hoạt động bình thường, vừa phục vụ các nhiệm vụ đặc biệt, đột xuất.
“Các bộ, ngành trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, Ban Chỉ đạo quốc gia phải thực hiện thần tốc và hiệu quả chiến lược vacicne, đây là điểm rất quan trọng”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Trước đó, với dự kiến mua 150 triệu liều vaccine cho khoảng 75 triệu người của Bộ Y tế, Bộ Tài chính ước cần khoảng 25.200 tỷ đồng, trong đó 21.000 tỷ là phí vaccine, còn lại là vận chuyển, bảo quản, phân phối, tổ chức tiêm chủng. Để mua vaccine, ngân sách trung ương dự kiến phải bố trí khoảng 16.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương chi và huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức khoảng 9.200 tỷ đồng.
Ngoài ra, cần kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh ở các khu công nghiệp. Thủ tướng biểu dương tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia và đặc biệt là của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo. Thủ tướng đánh giá, phải tiếp tục rà soát lại các quy định, quy trình, quy chế về khai báo y tế, phòng chống dịch, cách ly và tổ chức sản xuất trong khu công nghiệp. Bộ Công Thương, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế và các bộ liên quan, các địa phương nhanh chóng xây dựng, vừa làm vừa hoàn thiện dần các quy định để có chiến lược hoàn chỉnh về phòng, chống dịch trong khu công nghiệp, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất kinh doanh.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, các cơ quan liên quan hoàn thiện các quy định về vận chuyển hàng hóa, vật tư, dịch vụ… tại các địa phương có dịch. “Vải thiều Bắc Giang đã vào mùa, có giá trị rất lớn, tôi đã chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trực tiếp lên Bắc Giang bàn bạc với địa phương để có giải pháp cụ thể. Chúng ta phải thích ứng với tình hình, không có cách nào khác”, Thủ tướng nêu rõ.
Hiện đợt dịch thứ 4 vẫn đang được kiểm soát do hầu hết các trường hợp mắc mới đã xác định được nguồn lây và là các trường hợp đã được cách ly từ trước hoặc được phát hiện trong khu vực phong tỏa. Tại các tỉnh như Yên Bái, Đồng Nai, Quảng Ngãi, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam, Hải Phòng, Quảng Trị, Đắk Lắk, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Ninh Bình, Tuyên Quang, Sơn La... dịch cơ bản đã được kiểm soát
Hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, dịch bệnh diễn biến phức tạp, dịch bùng phát với số ca mắc cao, xảy ra tại khu công nghiệp và lây lan ra cộng đồng. Hai địa phương đã quyết liệt, mạnh mẽ triển khai phong tỏa, cách ly triệt để các khu vực có trường hợp mắc bệnh, thực hiện giãn cách xã hội tại một số địa bàn và tạm dừng hoạt động của một số khu công nghiệp (tại Bắc Giang), một số công ty (tại Bắc Ninh) để nhanh chóng ngăn chặn sự lây lan của dịch.
Hà Nội tạm dừng hoạt động các cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ, cắt tóc, gội đầu
Theo Công điện số 11 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh ban hành tối 24/5, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, thành phố yêu cầu nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ, cửa hàng cắt tóc, gội đầu, tạm dừng hoạt động từ 12h ngày 25/5.
Các cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ phải tạm dừng hoạt động hoặc chỉ cho phép bán hàng mang về. Lãnh đạo thành phố cũng nhắc lại chủ trương "dừng triệt để hoạt động vui chơi, tập thể dục, tụ tập đông người tại công viên, vườn hoa và các địa điểm công cộng".
Yêu cầu Sở Du lịch Hà Nội rà soát các khu cách ly tập trung tại khách sạn và cơ sở lưu trú, dừng việc tiếp nhận đối với các cơ sở không đủ điều kiện; hạn chế và tiến tới dừng hoạt động cách ly y tế tại khách sạn và cơ sở lưu trú trong các quận nội đô.
Người dân từ các tỉnh, thành khác trở về Hà Nội từ ngày 25/5, thực hiện khai báo y tế trong vòng 24 giờ kể từ lúc có mặt tại Hà Nội. Trường hợp về Hà Nội từ 10/5 đến ngày 24/5 phải khai báo y tế, hoàn thành chậm nhất trong ngày 25/5/2021.
Cùng với đó, Hà Nội đề nghị Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn T&T và các tổ chức, doanh nghiệp tổ chức xét nghiệm nCoV cho người lao động, cư dân trong khu vực trụ sở và các dự án do doanh nghiệp đầu tư, quản lý trên địa bàn. Đề xuất được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện chùm ca bệnh mới tại Công ty cổ phần tập đoàn T&T và Park 11 Times City. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP. Hà Nội đánh giá chùm ca bệnh này "rất phức tạp, có nhiều ca mắc và liên quan tới các địa điểm rất nhiều người làm việc, sinh sống".
Bắc Ninh yêu cầu người dân không ra đường sau 20h
UBND tỉnh Bắc Ninh đã có văn bản chỉ đạo các huyện Quế Võ, Yên Phong, Thuận Thành và TP. Bắc Ninh thực hiện đề nghị trên từ ngày 24/5, nhằm giảm thiểu tối đa lây lan dịch bệnh.
Người dân chỉ ra đường trong các trường hợp cần thiết như, thực hiện công vụ, đưa người đi cấp cứu, đi làm ca đêm, đi làm về và phải có giấy xác nhận của cơ quan, doanh nghiệp.
Lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu các huyện Quế Võ, Yên Phong, Thuận Thành và TP. Bắc Ninh thực hiện nghiêm việc "gia đình cách ly với gia đình; thôn xóm cách ly với thôn xóm".
Hiện nay Bắc Ninh đang thực hiện cách ly xã hội TP. Bắc Ninh, huyện Quế Võ, Yên Phong và Thuận Thành; thị xã Từ Sơn, huyện Lương Tài, Tiên Du giãn cách theo Chỉ thị 15.
Bắc Giang lắp 1.000 camera giám sát tại các khu cách ly
Việc lắp đặt camera giám sát từ xa, giúp các cơ sở cách ly giảm nhân sự giám sát tại chỗ. Các cơ quan quản lý phòng, chống dịch có thể theo dõi toàn bộ hoạt động tại các khu cách ly từ hệ thống quản lý 24/24 giờ.
Tại Bắc Giang, 1.000 camera được lắp đặt tại 130 cơ sở cách ly tại 125 xã trên toàn tỉnh.
Số camera này nằm trong 3.000 camera do Viettel sản xuất và lắp đặt trên toàn bộ các khu vực cách ly miền Bắc, theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19.
Hệ thống camera sẽ ứng dụng điện toán đám mây. Toàn bộ dữ liệu hình ảnh sẽ được đưa lên hệ thống quản lý tập trung tại Trung tâm điều hành giám sát. Từ đó, Ban Chỉ đạo quốc gia, Ban Chỉ đạo tại tỉnh và Bộ phận quản lý tại khu vực cách ly có thể giám sát hình ảnh 24/7 theo phân cấp.
Theo đó, Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã có văn bản đề xuất áp dụng vòng tay chuyên dụng nhằm hỗ trợ giám sát người cách ly tập trung và sau cách ly. Vòng đeo tay này sẽ được phát triển bởi doanh nghiệp Việt Nam, sử dụng công nghệ GPS để ghi nhận địa điểm. Pin sử dụng 30 ngày và có thể gửi cảnh báo nếu phát hiện người đeo ra khỏi khu vực cách ly hoặc cố tình phá thiết bị.
Thảo Anh
*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ