Những ngôi nhà cổ nổi tiếng
Hầu hết các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đều có những ngôi nhà cổ trên dưới trăm tuổi nằm rải rác ở các địa phương, trong đó có một số ngôi nhà đang được khai thác hoạt động du lịch, thu hút khá đông du khách trong và ngoài nước.
Nhà Trăm Cột - Long An
Tọa lạc tại xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, ngôi nhà do ông Trần Văn Hoa sở hữu, được khởi công xây dựng vào đầu năm 1898, đến năm 1904 thì xong phần chạm khắc trang trí. Nhà Trăm Cột có diện tích 882m2, tọa lạc trên một khu vườn rộng 4.044m2, được làm bằng các loại gỗ cẩm lai, gỗ đỏ, gỗ mật; mái lợp ngói âm dương, nền nhà bằng đá tảng cao 0,9m, mặt nền lát gạch Tàu lục giác. Kết cấu xây dựng theo lối nhà rường xuyên trính đặc trưng của xứ Huế. Nhà Trăm Cột đã được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia vào ngày 27/9/1997.
Nhà Công tử Bạc Liêu
Ngôi nhà tọa lạc tại số 13 Điện Biên Phủ, phường 3, thành phố Bạc Liêu, được xây dựng vào khoảng năm 1919, do kỹ sư người Pháp thiết kế theo phong cách phương Tây đầu thế kỉ 19, tất cả vật liệu để xây dựng đều được đưa từ Pháp sang. Sau khi hoàn thành, đây được xem là ngôi nhà bế thế nhất ở Nam kỳ lục tỉnh lúc bấy giờ.
Nhà cổ Cai Cường - Vĩnh Long
Chủ nhân của ngôi nhà là ông Phạm Văn Bổn, còn gọi là Cai Cường, một đại địa chủ thời bấy giờ. Nhà cổ Cai Cường hiện do ông Võ Huỳnh Long là con cháu đời thứ 3 của dòng họ Phạm kế thừa và quản lý. Ngôi nhà nằm tại xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, được xây dựng năm 1885 theo hình chữ Đinh. Nét độc đáo của ngôi nhà chính là sự pha trộn Đông - Tây trong kiến trúc nội thất và ngoại thất... Hiện nay, du khách có thể nghỉ qua đêm tại hai phòng ngủ, uống trà, nghe kể chuyện xưa, tham gia nấu ăn cùng con cháu gia chủ để tìm hiểu thêm về nếp sống của người Nam Bộ.
Nhà cổ Bình Thủy - Cần Thơ
Nằm tại số 26/1A đường Bùi Hữu Nghĩa, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ, ngôi nhà do ông Dương Chấn Kỷ xây từ năm 1870 và hiện do ông Dương Minh Hiển - hậu duệ của dòng họ Dương quản lý. Nhà cổ Bình Thủy là một công trình kết hợp kiến trúc Đông - Tây, được xây dựng lần đầu vào cuối thế kỷ 19, tọa lạc trên một thửa đất rộng khoảng 6.000m2. Với kiến trúc đẹp, độc đáo, nhà cổ Bình Thủy đã được nhiều đạo diễn chọn làm bối cảnh quay các bộ phim điện ảnh nổi tiếng trong và ngoài nước. Ngôi nhà đã được công nhận Di tích kiến trúc Nghệ thuật quốc gia vào ngày 27/3/2009.
Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê - Đồng Tháp
Năm 1895, cha của ông Huỳnh Thủy Lê là ông Huỳnh Cẩm Thuận đã xây dựng ngôi nhà 3 gian này bằng vật liệu chính là gỗ trên diện tích hơn 250m2 (tại số 225A đường Nguyễn Huệ, phường 2, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp). Đến năm 1917, ông Huỳnh Cẩm Thuận trùng tu lại ngôi nhà mang dáng dấp của biệt thự Pháp, kết hợp hài hòa kiến trúc Đông - Tây. Sau khi ông Huỳnh Thủy Lê mất, gia đình ông định cư ở nước ngoài, ngôi nhà gần như bỏ hoang. Cuối năm 2006, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê được giao cho Công ty Cổ phần Du lịch Đồng Tháp quản lý. Năm 2007, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê được đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch. Ngôi nhà được công nhận là Di tích quốc gia năm 2009, lọt vào danh sách “100 điểm đến ấn tượng của Việt Nam” năm 2013.
Nhà cổ Cầu Kè - Trà Vinh
Nhà cổ Cầu Kè còn gọi là nhà Huỳnh Kỳ tọa lạc tại khóm 4, thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, của đốc phủ xứ Huỳnh Kỳ. Ngôi nhà được xây dựng năm 1924 theo bản thiết kế của các kiến trúc sư người Pháp nên mang phong cách trang trí tiêu biểu cho kiến trúc Pháp đầu thế kỉ 20. Phần lớn tiện nghi trong nhà cũng như cách bố trí và đề tài một số tranh vẽ mang phong cách Á Đông, thuần Việt. Ngày 12/9/2011, UBND tỉnh Trà Vinh đã công nhận Nhà cổ Cầu Kè là di tích kiến trúc nghệ thuật.
Gắn nhà cổ Nam Bộ với phát triển du lịch
Kết hợp hài hòa giữa công tác bảo tồn và khai thác nhà cổ phục vụ phát triển du lịch: để bảo tồn nhà cổ một cách bền vững và lâu dài thì cần có phương thức bảo tồn khoa học dựa trên những cơ sở lí luận và cách thức tu bổ theo phương châm chỉ tháo dỡ thay thế khi không còn có giải pháp nào tốt hơn. Để gắn với hoạt động du lịch, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị, cá nhân quản lý nhà cổ, cơ quan quản lý chuyên ngành, chính quyền địa phương, doanh nghiệp du lịch và người dân địa phương trong việc giữ gìn và khai thác nhà cổ Nam Bộ vào hoạt động du lịch. Trong đó cần xây dựng cơ chế phân phối lợi ích từ du lịch hài hòa, đảm bảo tính nguyên vẹn của di tích cũng như sức hấp dẫn của điểm du lịch nhà cổ.
Huy động xã hội hóa cho công tác bảo tồn các giá trị của nhà cổ: ngoài nguồn vốn từ ngân sách, các tổ chức, cá nhân sở hữu nhà cổ đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn vốn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để thực hiện công tác tu bổ, tôn tạo, sửa chữa, phát huy giá trị ngôi nhà cổ.
Tăng cường công tác quảng bá điểm đến nhà cổ: xây dựng các ấn phẩm, video clip giới thiệu tiềm năng du lịch của nhà cổ, dự án kêu gọi đầu tư vào du lịch tại nhà cổ để quảng bá; tổ chức các sự kiện tại nhà cổ để giới thiệu sản phẩm du lịch, tạo sự liên kết với các doanh nghiệp đưa khách về nhà cổ…
Xây dựng dịch vụ, sản phẩm ngay tại nhà cổ phục vụ khách du lịch: để nhà cổ trở thành một điểm du lịch hấp dẫn cần nghiên cứu xây dựng thêm các sản phẩm, dịch vụ ngay tại nhà cổ như trải nghiệm qua đêm tại nhà cổ; thưởng thức ẩm thực đặc trưng địa phương; các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch; trình diễn đờn ca tài tử, dân ca tại nhà cổ; phát triển thêm các sản phẩm lưu niệm gắn với nhà cổ…
Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của du khách và cộng đồng địa phương trong công tác bảo tồn, gìn giữ giá trị nhà cổ gắn với phát triển du lịch: đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động đến mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn có trách nhiệm bảo vệ, tôn tạo di tích nhà cổ và phát huy giá trị của các ngôi nhà thông qua hoạt động du lịch; xây dựng cơ chế để người dân thấy rõ họ vừa là người bảo vệ vừa là người được hưởng lợi từ việc bảo vệ, phát huy các di sản nhà cổ. Đồng thời hướng họ tham gia vào các dịch vụ du lịch xung quanh nhà cổ để tạo thêm thu nhập, phát huy được bản sắc văn hóa bản địa, làm cho tài nguyên du lịch nhà cổ mang sắc thái địa phương rõ hơn.
Hy vọng, những ngôi nhà cổ sẽ trở thành những điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến với đồng bằng sông Cửu Long, bởi du lịch chính là “người bạn đồng hành” tốt nhất để nhà cổ mãi trường tồn và bền vững với thời gian.
Tài liệu tham khảo
1. Hồng Hạnh (2006), Dấu xưa Nam Bộ, NXB Văn Nghệ
2. Sơn Nam (2001), Đồng bằng sông Cửu Long, nét sinh hoạt xưa và văn minh miệt vườn, NXB Trẻ.
3. Ngô Huy Quỳnh (2000), Tìm hiểu lịch sử kiến trúc Việt Nam, NXB Xây dựng Hà Nội…
ThS. Trần Thanh Thảo Uyên
(Trường Đại học Đồng Tháp)