Ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam
Ngày nay, xu hướng cập nhật thông tin trong đó có du lịch thông qua những công nghệ hiện đại luôn thu hút mọi người, đặc biệt là giới trẻ. Hãng Google và Tập đoàn Temasek Holdings Singapore dự đoán quy mô của du lịch trực tuyến tại khu vực Đông Nam Á sẽ tăng mạnh từ 21,6 tỷ USD năm 2015 lên 89,6 tỷ USD vào năm 2025, trong đó du lịch trực tuyến tại Việt Nam chiếm 10%, tương đương 9 tỷ USD. Theo Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor International, doanh thu bán hàng du lịch trực tuyến tại Việt Nam duy trì mức độ tăng trưởng 12% trong giai đoạn 2015 - 2020.
Hiện nay, có trên 50 triệu người Việt Nam sử dụng internet, chiếm 53% dân số và cao hơn mức bình quân của khu vực châu Á - Thái Bình Dương (46,64%) và trên thế giới (48,2%), trong đó tỷ lệ người sử dụng internet hàng ngày là 78%. Điều này cho thấy tiềm năng lớn của thị trường du lịch trực tuyến tại Việt Nam, nhằm nâng cao thương hiệu và đạt hiệu quả trong kinh doanh.
Các doanh nghiệp lữ hành lớn như Saigontourist, Vietravel, Vietrantour, Viet Media Travel, Vietnamtourism... và các hãng hàng không đều tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh du lịch và mang lại hiệu quá rất tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn một số dơn vị liên quan đến hoạt động du lịch như: doanh nghiệp lữ hành, điểm tham quan và các đơn vị vận chuyển còn nhiều hạn chế trong việc ứng dụng công nghệ thông tin.
Hiện nay, thị trường du lịch trực tuyến tại Việt Nam đang được một số thương hiệu quốc tế khai thác và đạt được thành công nhất định như: Agoda.com, booking.com, Traveloka.com, Expedia.com. Việt Nam cũng có một số dơn vị được biết đến như: ivivu.com, chudu24.com, mytour.vn, tripi.vn, gotadi.com… nhưng chỉ phục vụ thị trường khách trong nước và số lượng giao dịch còn thấp.
Để đẩy mạnh du lịch trực tuyến đối với các doanh nghiệp du lịch trong nước, các doanh nghiệp du lịch cần đầu tư cho công nghệ thông tin thông qua việc tăng cường đội ngũ nhân sự công nghệ thông tin tại chỗ; tăng cường thực thi các công cụ online marketing và e-commerce; kiểm soát spam email; xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, mới lạ, đảm bảo độ chính xác, tin cậy về thông tin, các sản phẩm và dịch vụ; tăng cường quản lý, khai thác hiệu quả mạng xã hội và sức mạnh của quảng cáo truyền miệng; xây dựng website có giao diện thân thiện với smart phone, tăng cường tích hợp các công cụ thanh toán trực tuyến nhằm đẩy mạnh kênh bán lẻ trên nền tảng di động; số hóa dữ liệu, tăng cường khai thác kho dữ liệu lớn…
Hiên nay, Đề án “Tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch” đang trong quá trình được xây dựng bởi Du lịch Việt Nam xác định, ứng dụng công nghệ thông tin là một trong những hành động đột phá để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch Việt Nam.
Facebook, zalo và zing.me là 3 trong số các trang mạng xã hội phổ biến nhất được các công ty du lịch Việt Nam sử dụng cho hoạt động quảng bá thương hiệu và giới thiệu sản phẩm. |
PV