Những năm gần đây, Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực do quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu, sự đổi mới cải cách, gia tăng dân số..., kéo theo nhu cầu sử dụng điện ở Việt Nam tăng cao với mức tăng trưởng khoảng 10 - 11%. Do vậy, Việt Nam cần phát triển và đa dạng các nguồn cung, trong đó ứng dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo như mặt trời, gió, sinh khối... được coi là giải pháp hữu ích, thúc đẩy tăng trưởng xanh.
Việt Nam có tổng lượng bức xạ trung bình từ 4,3 - 5,7 triệu kWh/m2 (tương đương khoảng 49 tỷ TOE - tấn dầu quy đổi). Số giờ nắng trong năm tại khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên vào khoảng 2.000 - 2.600 giờ; khu vực Nam Bộ là 2.200 - 2.500 giờ. Cường độ bức xạ mặt trời trung bình 4,9-5,7 kWh/m2/ngày. Đây chính là nguồn tài nguyên thiên nhiên sạch, dồi dào để chuyển hóa thành điện năng, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn giảm thiểu tác hại đến môi trường, đáp ứng mục tiêu chiến lược tăng trưởng xanh, bền vững cũng như các cam kết quốc tế về giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, việc phát triển loại năng lượng này ở Việt Nam còn hạn chế do thiếu năng lực phát triển dự án, cơ sở hạ tầng yếu kém và việc đấu nối vào lưới điện quốc gia khá phức tạp; chưa có quy hoạch quốc gia cho năng lượng mặt trời; phát triển năng lượng mặt trời đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu tương đối lớn. Vì vậy, Việt Nam cần lập quy hoạch phát triển năng lượng mặt trời trên toàn quốc, đặc biệt tại các địa phương có tiềm năng; phát triển các dự án năng lượng mặt trời nối lưới trên mặt đất với lắp đặt trên mái nhà; thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo nói chung để hỗ trợ, trợ giá cho phát triển năng lượng tái tạo, từ đó hấp dẫn các nhà đầu tư.
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng giới thiệu các kinh nghiệm, mô hình phát triển năng lượng mặt trời; các công nghệ có thể áp dụng tại Việt Nam...
PV