Hải Vân Quan trên đỉnh đèo Hải Vân được xây dựng từ đời Trần và được trùng tu, chính xác hơn là xây lại vào tháng Hai năm Bính Tuất (1826), dưới thời vua Minh Mạng nhằm tăng cường phòng ngự cho Kinh thành Huế.
Cửa quan, như còn lại khá nguyên vẹn ngày nay, cửa trông về phía Thừa Thiên –Huế đề "Hải Vân Quan" bằng chữ Hán, cửa trông xuống Đà Nẵng đề "Thiên hạ đệ nhất hùng quan". Lạc khoản một bên góc bảng còn ghi thêm "Minh Mệnh thất niên cát nhật tạo", tức và làm vào ngày tốt năm Minh Mệnh thứ 7.
Và Thiên hạ đệ nhất hùng quan - danh hiệu này tương truyền do vua Lê Thánh Tông phong tặng khi nhà vua dừng quân ở đây vào năm Canh Thìn, 1470 trong một lần vào Nam “phạt Chiêm”.
Theo “Đại Nam thực lục chính biên”, hai bên phải trái cửa ải là những bức tường bằng đá trước sau tiếp nhau, được canh giữ bằng 4 đội biền binh cùng súng quá sơn bằng đồng 5 cỗ, ống phun lửa 200 ống, pháo thăng thiên 100 cây và thuốc đạn theo súng…
Theo như ghi nhận của nhà địa lý học Jules-Léon Dutreuil de Rhins vào năm 1876, trước khi người Pháp lập nền Bảo hộ ở Việt Nam thì cửa ải có 50 lính canh phòng.
Năm 1885 sau khi ký Hòa ước Giáp Thân (1884) thì số lính chỉ còn khoảng 5 người và sang đầu thế kỷ 20, khi Henri Coserat của Hội Đô thành hiếu cổ (Association des Amis du Vieux Hué) lên đèo quan sát thì cửa ải đã bị bỏ ngỏ, không còn ai canh gác.
Để rồi sau đó, Hải Vân Quan chìm trong những năm tháng hoang phế dài đăng đẵng. Hải Vân Quan không những hư hại đến 70% mà còn bị chen lấn bởi mồ mả, công trình xây dựng, hàng quán chen chúc không theo quy hoạch nào, dù trung bình mỗi năm, con đèo này đón từ 20 - 30 vạn du khách tham quan, trong đó hơn 1/3 du khách nước ngoài.
Nguyên nhân chỉ vì Hải Vân Quan thuộc địa phận hành chính có sự tranh chấp rất quyết liệt của hai địa phương Thừa Thiên –Huế và Đà Nẵng từ những ngày sau khi đất nước thống nhất dẫn đến cảnh “cha chung không ai khóc”!
Mãi đến ngày 14.4. 2017, Hải Vân Quan mới được Bộ VHTT&DL công nhận là Di tích cấp quốc gia. Và 10 ngày sau, là một cái bắt tay lịch sử của ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Thừa Thiên –Huế và ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở VHTT&DL thành phố Đà Nẵng. Cùng đó là cuộc làm việc chính thức của hai sở, đại diện cho hai địa phương để tìm cách cứu di tích Hải Vân Quan.
Mới đây thì Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia khai quật khảo cổ tại di tích Hải Vân Quan ở độ cao 500m trên diện tích 600 m2 nhằm phát lộ các dấu vết của tường thành, đồn phòng thủ của di tích, phục vụ cho việc nghiên cứu và xây dựng dự án trùng tu.
Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế thì đây là bước thứ 2 sau việc hai địa phương thống nhất chọn đơn vị tư vấn là Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng (Bộ Xây dựng) lên phương án tổng thể để quy hoạch, bảo tồn di tích, cảnh quan thiên nhiên cũng như khai thác sao cho phù hợp, có hiệu quả.
Có ý kiến cho rằng các bước tiếp theo đối với Hải Vân Quan sau khi được công nhận là di tích cấp quốc gia đang được tiến hành có vẽ chậm chạp và nghi ngờ về cái bắt tay của lãnh đạo ngành văn hóa hai địa phương Thừa Thiên –Huế và Đà Nẵng hồi năm ngoái chỉ là hình thức.
Tuy nhiên, theo ông Phan Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế thì “Chúng tôi đã thống nhất với nhau rằng, với Hải Vân Quan, cần phải tiến hành các bước thận trọng, bài bản vì đây là một di tích có lịch sử lâu đời, chịu nhiều tác động của thời gian nên có nhiều thay đổi cũng như hiện trạng chắp vá và xuống cấp rất nghiêm trọng…”.
Nguồn: Laodong.vn