Tọa đàm có sự tham gia của đại diện các Vụ, Viện, Cục thuộc Bộ VHTTDL, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, UBND tỉnh Lạng Sơn, UBND tỉnh Cao Bằng và một số doanh nghiệp lữ hành.
Khu du lịch thác Bản Giốc nằm ở xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, là nơi chứa đựng các giá trị nổi bật về di sản địa chất và những nét văn hóa, ẩm thực đặc sắc của người Tày, Nùng vùng biên cương, cùng với đó là các điểm tham quan, ngắm cảnh đẹp được nhiều du khách biết đến như: động Ngườm Ngao, làng đá Khuổi Ky, xóm người Tày Lũng Niếc, chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc… đã tạo nên một giá trị thiên nhiên vô giá từ bao đời nay. Trong Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Khu du lịch thác Bản Giốc nằm trong danh mục các địa điểm tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia.
Ngày 12/4/2018, Hội đồng Chấp hành UNESCO tại Kỳ họp lần thứ 204 tại Paris (Pháp) đã thông qua Nghị quyết công nhận Công viên Địa chất Non nước Cao Bằng là Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO, là cơ hội để Cao Bằng tạo khung pháp lý chặt chẽ cho việc khai thác, phát huy những giá trị cảnh quan lịch sử - văn hóa, hướng tới sự phát triển bền vững.
Với tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch biên giới, Khu du lịch thác Bản Giốc nằm trong tuyến du lịch cụm phía Đông “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần thiên” được xác định là khu du lịch trọng điểm của tỉnh, cũng là điểm nhấn của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, và có tính kết nối cao với các tuyến trong vùng Công viên Địa chất Non nước Cao Bằng, các công viên địa chất toàn cầu trong khu vực và thế giới.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch, trong đó giao Cao Bằng là cơ quan chủ trì phối hợp với các Bộ, Ngành, trung ương để đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, kéo theo sự phát triển của ngành công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp… góp phần nâng cao đời sống vật chất cho người dân địa phương.
Tuy nhiên, Khu du lịch thác Bản Giốc còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế mang tính đặc thù: hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển kinh tế du lịch nói riêng chưa xứng với tiềm năng sẵn có; các sản phẩm du lịch chưa khai thác được tiềm năng; quy mô đầu tư nhỏ, trình độ quản lý hạn chế... Do đó, Khu du lịch thác Bản Giốc cần cơ chế, chính sách vượt trội để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư lớn, dành ưu đãi đặc biệt và thực hiện cam kết mạnh mẽ với các doanh nghiệp lữ hành.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Trịnh Hữu Khang - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng khẳng định, cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ, tỉnh Cao Bằng sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính, làm thông thoáng môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, hỗ trợ các nhà đầu tư muốn gắn bó lâu dài với Bản Giốc - Cao Bằng.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã đưa ra một số ý kiến đóng góp vào dự thảo Đề án cơ chế chính sách đặc thù phát triển du lịch tại thác Bản Giốc, trong đó tập trung vào các giải pháp nhằm thúc đẩy, phát triển Khu du lịch thác Bản Giốc: cần xây dựng cơ chế chính sách đặc thù đối với Khu cảnh quan thác Bản Giốc, liên kết với vùng liên quan và phụ cận như Công viên địa chất Non nước Cao Bằng; cần đầu tư tập trung vào kết cấu hạ tầng cơ sở; có chính sách, quy định chặt chẽ về quản lý Khu du lịch thác Bản Giốc; chú trọng định hướng thị trường trong phát triển du lịch; quan tâm hơn đến sản phẩm du lịch, nguồn lực du lịch...
Kết luận tọa đàm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu, đề nghị UBND tỉnh Cao Bằng sớm hoàn thiện đề án; các Vụ, Viện, Cục thuộc Bộ VHTTDL và các Bộ, Ngành Trung ương giúp tỉnh Cao Bằng xây dựng các dự án cụ thể về kêu gọi đầu tư vào Du lịch Cao Bằng, xây dựng các tuyến du lịch đến Cao Bằng cũng như thác Bản Giốc, xây dựng, tổ chức các chương trình xúc tiến, quảng bá về hình ảnh, du lịch Cao Bằng; hỗ trợ, tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực cho Du lịch Cao Bằng...
Trước đó, ngày 4 - 5/8, đoàn công tác của Tổng cục Du lịch đã đi khảo sát sản phẩm du lịch tuyến phía Đông gồm các huyện: Trà Lĩnh, Quảng Uyên và Khu du lịch thác Bản Giốc.
P.V