Điều kiện về cơ chế chính sách
UBND huyện Giao Thủy đã tập trung xúc tiến mời gọi đầu tư vào khu du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển Giao Phong (đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết với tổng diện tích trên 253,78ha) thành khu nghỉ dưỡng cao cấp; chú trọng việc đầu tư vào các dịch vụ phụ trợ, trước mắt đôn đốc nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch sinh thái Vườn quốc gia (VQG) Xuân Thủy; dự án Rừng và Đồng bằng do nước ngoài tài trợ trên địa bàn huyện; trên cơ sở mô hình Bảo tàng Đồng Quê và mô hình du lịch sinh thái cộng đồng tại xã Giao Xuân, triển khai và nhân rộng loại hình du lịch này trên địa bàn các xã, thị trấn…
Điều kiện tài nguyên du lịch
Thiên nhiên đã ban tặng cho khu vực ven biển tỉnh Nam Định nói riêng, vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc nói chung tiềm năng thiên nhiên to lớn với những bãi bồi ven biển, những vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo tồn biển, bãi biển, những khu bảo tồn loài ven biển (động, thực vật quý hiếm…). Bên cạnh đó, kho tàng văn hóa của cộng đồng dân cư ven biển rất phong phú, đa dạng (lễ hội, di tích lịch sử, phong tục tập quán, tôn giáo…). Cảnh quan thiên nhiên nơi đây hoàn toàn có những lợi thế để phát triển đầy đủ các loại hình du lịch như: du lịch cộng đồng, du lịch tham quan tìm hiểu, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng… Cùng với đó là không khí, cảnh quan môi trường trong lành của môi trường biển - đảo, luôn mang đến cho du khách cảm giác dễ chịu, thư thái và những trải nghiệm thú vị...
Đến cánh đồng muối Bạch Long, ngoài chiêm ngưỡng cánh đồng muối trắng tinh đẹp như tranh vẽ, du khách còn được thưởng thức một số đặc sản nổi tiếng như: mắm cáy, sứa chua và kết hợp du lịch rừng ngập mặn Xuân Thủy, cửa sông Ba Lạt, cầu Ngói, chùa Lương, phủ thờ chúa Muối và Khu lưu niệm Trường Chính…
Bạch Long còn có tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên du lịch văn hóa đặc sắc gắn với các lễ hội truyền thống như cầu ngư, bơi chải, cà kheo…, các phương thức sản xuất muối, các công cụ sản xuất muối... , là tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng và phát triển các sản phẩm và loại hình DLDVCĐ.
Điều kiện cộng đồng dân cư
So với các xã khác trong vùng, Bạch Long có mật độ dân số ở mức trung bình. Điểm đặc trưng nhất của xã Bạch Long là cộng đồng dân cư có đến 94% người đi theo đạo Thiên Chúa giáo, đã tạo nên những nét văn hóa đặc trưng.
Người dân ở đây cơ bản học hết chương trình từ tiểu học đến trung học phổ thông. Trình độ học vấn của người dân được nâng lên trong vài năm trở lại đây sẽ là một điều kiện tốt cho việc thiết lập các hoạt động du lịch trong xã.
Thời gian gần đây, số hộ diêm dân bỏ nghề ngày càng tăng, vì thu nhập hàng tháng của diêm dân mới có khoảng 800.000 - 1.000.000 đồng/tháng. Do vậy, việc nghiên cứu phát triển DLDVCĐ ở làng nghề sản xuất muối của diêm dân ven biển là rất cần thiết, có thể gắn liền và ứng dụng ngay vào đời sống của người dân. Cộng đồng người dân làm muối có thu nhập rất thấp, giờ có thêm thu nhập từ những dịch vụ du lịch chắc chắn việc ứng dụng mô hình phát triển DLDVCĐ có cơ sở khoa học và thực tiễn cao.
Điều kiện hạ tầng và cơ sở vật chất
Trên địa bàn huyện hiện có 196 cơ sở lưu trú du lịch, với 1.209 phòng nghỉ, trong đó 15 khách sạn được xếp hạng: 4 khách sạn 2 sao, 11 khách sạn 1 sao.
Ngoài ra, những dịch vụ homestay ở khu vực như những nhà bổi, nhà của người dân làm muối đủ tiêu chuẩn đón tiếp khách, nhà văn hóa của làng là nơi sinh hoạt cộng đồng của người dân địa phương, cũng là nơi khách đến lưu trú. Các cơ sở lưu trú này được trang bị những trang thiết bị phục vụ khách cần thiết, chủ yếu là phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của người dân như: chăn màn, đèn điện, ấm chén uống trà, phích nước, quạt. Các hộ gia đình này ngoài việc phục vụ lưu trú còn phục vụ ăn uống nếu khách du lịch có nhu cầu.
Hệ thống giao thông đến cánh đồng muối Bạch Long, hay từ cánh đồng muối đến tài nguyên du lịch tự nhiên trong vùng như VQG Xuân Thủy, các bãi biển, các vùng cửa sông (Ba Lạt) rất thuận lợi.
Cơ sở vật chất kỹ thuật (CSVCKT) dịch vụ vui chơi, giải trí ở Bạch Long còn rất nghèo nàn, chưa có cửa hàng bán đồ lưu niệm và các dịch vụ giải trí. Trong ý thức của người dân cũng chưa định hình cho mình các loại mặt hàng mang tính đặc trưng của làng. Tuy nhiên, nếu muốn lưu giữ kỉ niệm về nơi đây, khách du lịch có thể tham gia vào quá trình sản xuất muối, quá trình một ngày làm diêm dân, cùng trải nghiệm cánh đồng muối bao la bát ngát, trải nghiệm chu trình sản xuất ra được hạt muối để hiểu thêm về đời sống của người dân diêm nghiệp, trải nghiệm những buổi chợ phiên bán muối đặc biệt mang dấu ấn của người diêm nghiệp (chợ chiều)...
Đối chiếu với các điều kiện khác, có thể khẳng định về cơ bản làng sản xuất muối Bạch Long hội đủ các điều kiện để xây dựng mô hình DLDVCĐ. Theo đó, có thể đưa ra mô hình phát triển DLDVCĐ ở làng nghề muối Bạch Long như sau:
Cộng đồng làng nghề sản xuất muối xã Bạch Long: quản lý tài nguyên và kết hợp khai thác TNDL.
Tổ chức hệ thống CSVCKT du lịch và các phương tiện, dịch vụ bổ trợ để thỏa mãn những nhu cầu về ăn, ở, mua sắm, giải trí, thư giãn, thể thao... tại làng nghề du lịch.
Tổ chức khai thác khách du lịch, phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước đến làng nghề du lịch để kinh doanh, mua sắm, hưởng thụ và tham quan làng nghề du lịch.
Tổ chức quản lý khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên du lịch, hệ thống CSVCKT du lịch, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật xã hội và các phương tiện vui chơi giải trí thể thao bổ trợ vừa tạo ra những giá trị mới về kinh tế vừa tham gia vào quá trình tái sản xuất sức lao động phát triển thể lực của con người.
Giữ gìn, bảo tồn và phát triển những giá trị của tài nguyên thiên nhiên, môi trường và các hệ sinh thái, các giá trị văn hóa bản địa tại làng nghề du lịch để thỏa mãn tối đa nhu cầu nghỉ ngơi và hưởng thụ của khách du lịch; tạo ra sự ổn định, kéo dài “vòng đời” hấp dẫn du lịch tại làng nghề du lịch hay kéo dài “vòng đời” sản phẩm làng nghề du lịch.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nam Định, Phòng Văn hóa Thông tin huyện Giao Thủy, xã Bạch Long: kết nối, giám sát và quản lý chuyên môn…
Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển du lịch làng nghề sản xuất muối Bạch Long và những làng nghề truyền thống phục vụ phát triển DLDVCĐ trên địa bàn tỉnh.
Tạo ra môi trường pháp lý và mục tiêu định hướng phát triển DLDVCĐ; đồng thời tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia đóng góp xây dựng bảo tồn các giá trị của làng nghề.
Tuyên truyền, phổ biến sản phẩm du lịch làng nghề thu hút các nhà đầu tư vào các điểm du lịch làng nghề truyền thống.
Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển du lịch cho cộng đồng người dân làng nghề.
Tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch của du lịch làng nghề để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến khu vực.
Công ty lữ hành: đầu tư khai thác tài nguyên, đưa nguồn khách thường xuyên đến làng nghề.
Tạo điều kiện để làng nghề phát triển DLDVCĐ.
Huy động và phát huy đầu tư cho các tour du lịch đến làng nghề tham quan. Họ sẽ xây dựng chương trình, kế hoạch đầu tư khi có hướng phát triển du lịch làng nghề sản xuất muối Bạch Long.
Công ty du lịch là cầu nối quan trọng đem lại nguồn thu từ hoạt động du lịch làng nghề cho cộng đồng địa phương.
Hỗ trợ bán và bán các sản phẩm của làng nghề du lịch làm ra đến du khách trong nước và ngoài nước, hoặc hỗ trợ cộng đồng địa phương đa dạng hóa sản phẩm làm ra cho cộng đồng (sản xuất muối tắm, muối khoáng, muối ngâm chân - cùng trải nghiệm sản phẩm luôn...).
Công ty du lịch cần phải tìm hiểu và hiểu rõ hơn về làng sản xuất muối để phát triển TNDLTN địa phương, để đưa khách đến tham quan các điểm du lịch khác chứ không đơn thuần là tham quan làng sản xuất muối. Cụ thể như: đình làng, chùa Bạch Long, giếng làng, bãi tắm Quất Lâm, những sơ sở chế biến nước mắm, bến chợ sáng, chiều (tàu cá về)...
Công ty du lịch là người quảng cáo tốt cho du lịch làng nghề, sản phẩm du lịch làng nghề, họ sẽ giới thiệu sản phẩm của làng nghề đến với thị trường khách du lịch.
Tổ chức xúc tiến và marketing, cộng tác với cộng đồng để lập tour và quảng bá sản phẩm của làng nghề.
Công ty du lịch còn là người đóng vai trò điều phối viên quan trọng giữa khách du lịch với các cộng đồng người dân trong làng nghề du lịch.
Khách du lịch: thẩm định và tiêu thụ sản phẩm du lịch…
Yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, cộng đồng địa phương cung cấp thông tin cần thiết về chương trình du lịch, dịch vụ du lịch cần thiết cho sản phẩm du lịch làng nghề sản xuất muối.
Hưởng đầy đủ các dịch vụ du lịch theo hợp đồng du lịch đã ký kết giữa khách du lịch với công ty du lịch, được hưởng bảo hiểm du lịch và các loại bảo hiểm khác theo quy định của pháp luật.
Khách du lịch đến các điểm du lịch làng nghề sẽ được khuyến khích ở lại sinh hoạt với cư dân tại các làng nghề sản xuất muối, từ đó có thể hiểu, cảm nhận được những giá trị văn hóa, cuộc sống mưu sinh của người dân diêm nghiệp, thông qua cộng đồng địa phương giới thiệu và truyền tải tới khách.
Khách du lịch sẽ là người mang lại lợi ích cho cộng đồng dân cư trong làng nghề du lịch, chính vì vậy họ sẽ là động lực thúc đẩy cộng đồng dân cư địa phương trong việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị tài nguyên mà làng nghề đó có được.
Khách du lịch sử dụng các sản phẩm của làng nghề du lịch sẽ quảng bá sản phẩm đó cho làng nghề cho cộng đồng, đồng thời khuyến khích làng nghề phát triển các dịch vụ chất lượng tốt từ phía cộng đồng dân cư làng nghề.
Tuy nhiên khách du lịch khi đến tham quan và tìm hiểu làng nghề cũng phải tôn trọng văn hóa bản địa, có ý thức bảo vệ về giá trị tài nguyên mà làng nghề có được...
Bạch Long là xã độc canh sản xuất muối lớn nhất huyện Giao Thủy và là vựa muối lớn nhất miền Bắc với khoảng 1.000 hộ làm nghề muối, trong đó có 100 hộ làm muối kết hợp với nuôi trồng thủy sản, còn lại 900 hộ chuyên làm muối, chiếm 80% dân số xã. Diêm dân ở khắp các cánh đồng muối nằm trải dài dọc bãi biển thuộc các huyện Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Hải Hậu.
|
ThS. Trần Thị Lan
Tạp chí Du lịch 6/2018