Bên cạnh đó, văn hóa ẩm thực cũng là một điểm nhấn quan trọng trong việc thu hút du khách đến với Trùng Khánh. Đây là những điều kiện thuận lợi góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt góp phần phát triển du lịch Trùng Khánh một cách bền vững.
Theo tinh thần Nghị quyết TW 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước”, toàn thể nhân dân các dân tộc huyện Trùng Khánh đã luôn quan tâm tới công tác bảo tồn và phát huy giá trị các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, với quan điểm “văn hóa vừa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội”. Thời gian qua, Trùng Khánh đã chú trọng thực hiện các đề án, đề tài phục dựng các làn điệu dân ca các dân tộc đang có nguy cơ bị mai một; đồng thời truyền dạy cho thế hệ trẻ hiểu được ý nghĩa nhân văn cao cả, đạo đức lối sống, cách ứng xử giữa con người với con nguời, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc và truyền thống quê hương cách mạng làm cho văn hóa trở thành nền tảng vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Huyện Trùng Khánh đã góp phần làm tỏa sáng thêm tinh hoa của dân tộc thông qua việc bảo tồn các làn điệu và các lễ hội truyền thống như Lễ hội Co Sầu, Lễ hội đền Hoàng Lục, Lễ hội Cầu mùa (Cao Thăng, Trung Phúc), Lễ hội Long Vương... Toàn huyện hiện nay có 8 di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng, trong đó có 2 danh thắng cấp quốc gia, 1 danh thắng cấp tỉnh, 5 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Đối với di sản văn hóa phi vật thể, huyện có 7 làn điệu dân ca đặc sắc gắn với văn hóa truyền thống của dân tộc Tày và Nùng như: sli giang, dá hai, hát lượn, phong slư, hát then đàn tính, hát hà lều và hát pảng lài, những giá trị văn hóa đó đã tạo nên đặc trưng riêng của địa phương.
Hàng năm, huyện đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo tổ chức các cuộc thi dân ca, hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa các nghệ nhân, giữa quần chúng nhân dân và các chiến sỹ nhằm phát hiện hạt nhân, nhân rộng mô hình, thành lập được một số câu lạc bộ dân ca tại xóm, nhất là các xóm đã có hoạt động văn hóa gắn với loại hình dịch vụ du lịch homestay, góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị di sản văn hóa của địa phương.
Năm 2016, huyện đã thành lập Chi hội bảo tồn dân ca các dân tộc của huyện và thành lập 20 phân chi hội bảo tồn dân ca các dân tộc tại các xã, thị trấn. Các câu lạc bộ, các phân chi hội ở xã, xóm đã hoạt động rất hiệu quả, chủ động tổ chức được rất nhiều hoạt động phong trào, thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, giao lưu dưới nhiều hình thức nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc. Đến nay, có 400 người hội viên tham gia vào Chi hội bảo tồn dân ca của huyện. Mỗi năm huyện tổ chức 2 - 3 lớp truyền dạy dân ca, hát then đàn tính trên địa bàn. Rêng 6 tháng đầu năm 2018 đã tổ chức được 3 lớp hát then, đàn tính tại xóm Lũng Niếc, xã Đàm Thuỷ, Phân chi hội xã Phong Châu và Câu lạc bộ dân ca của thị trấn Trùng Khánh.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ huyện Trùng Khánh đã ban hành Chương trình trọng tâm về phát triển du lịch cho cả giai đoạn, hàng năm UBND huyện đã ban hành kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện. Trong đó, ngoài nhiệm vụ khai thác tiềm năng phát triển du lịch của địa phương, huyện chú trọng công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với nhiệm vụ phát triển dịch vụ du lịch và đề ra một số nội dung cụ thể như sau:
Về xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện
Thực hiện lồng nghép trong các hoạt động phong trào, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh của địa phương. Trong thời gian qua, hình ảnh con người Trùng Khánh đã được cụ thể hóa vào nếp sống thông qua các quy tắc ứng xử, nội quy của cơ quan, đơn vị và các hương uớc, quy ước ở xóm, tổ dân phố. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức đối với cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về trách nhiệm xây dựng quê hương, gìn giữ giá trị truyền thống cách mạng trong quá trình xây dựng và phát triển văn hóa, phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh.
Về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh
Huyện đã chỉ đạo thực hiện các nội dung trong phong trào thi đua và triển khai một cách sâu rộng trên địa bàn như xây dựng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững…
Để thúc đẩy phát triển du lịch, phấn đấu đến năm 2020 du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện (năm 2017 huyện Trùng Khánh đón trên 214.000 lượt khách, phấn đấu đến 2020 đón trên 500.000 lượt khách), huyện Trùng Khánh đã tập trung thực hiện công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển cây đặc sản bản địa, quy hoạch và đầu tư nâng cấp các khu, điểm du lịch tiềm năng; phát triển mạnh các loại hình du lịch mạo hiểm như: khám phá hang động, leo núi, đua xe địa hình, chèo thuyền trên sông, phát triển mạnh dịch vụ Homestay, du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái...
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển tiềm năng du lịch còn gặp một số khó khăn, vướng mắc nhất định. Đối với di sản vật thể, huyện Trùng Khánh có 3 danh thắng, 5 di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng, tuy nhiên việc kêu gọi thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng xây dựng các danh thắng và di tích này nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch còn gặp nhiều khó khăn, nguồn kinh phí đầu tư chưa xứng tầm với tiềm năng của một huyện du lịch. Công tác quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị khu, điểm di tích lịch sử văn hóa, du lịch còn bất cập, hiệu quả chưa cao. Đối với di sản phi vật thể, chưa tạo được cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích cho người làm công tác văn hóa, đặc biệt là những nghệ nhân, văn nghệ sỹ; chế độ hỗ trợ cho các nghệ nhân, nghệ sỹ trong việc sáng tác, truyền dạy, sưu tầm các giá trị di sản văn hóa còn ít, không đáng kể; công tác sưu tầm, sáng tác, truyền dạy giá trị văn hóa phi vật thể được triển khai nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu.
Để thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Tày, Nùng gắn với phát triển du lịch bền vững, huyện Trùng Khánh đề ra một số giải pháp trong thời gian tới:
Tăng cường vận động, kêu gọi nguồn xã hội hóa và bố trí ngân sách cho việc trùng tu, tôn tạo nâng cấp đối với giá trị di sản văn hóa vật thể, kiểm kê và đưa vào danh mục xem xét xếp hạng di tích. Phục hồi, sưu tầm và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể trên địa bàn. Tiếp tục đầu tư và đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa và phát triển con người. Chú trọng đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, đặc biệt là ở cấp cơ sở để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Tiếp tục tổ chức mở các lớp truyền dạy giá trị văn hóa phi vật thể, nhất là chú trọng mở các lớp tại các làng du lịch cộng đồng để có nguồn lực tại chỗ phục vụ cho phát triển du lịch trên địa bàn; mở một số lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ lao động nông nghiệp thuần túy sang dịch vụ du lịch, thành lập thêm nhiều câu lạc bộ, đội văn nghệ xóm để duy trì hoạt động văn hóa cũng như phát triển loại hình du lịch làng bản, du lịch trải nghiệm… Tập trung nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển du lịch. Đề xuất cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư đến đầu tư tại địa phương.
Với tinh thần đoàn kết, sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân các dân tộc huyện Trùng Khánh, với mục tiêu lấy du lịch làm đòn bẩy phát triển kinh tế, lấy nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống làm then chốt, tin tưởng rằng trong thời gian không xa, du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhộn của huyện Trùng Khánh, trong đó bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đóng vai trò đặc biệt quan trong trong việc thực hiện thành công các chỉ tiêu kế hoạch của huyện đã đề ra tại Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ này.
Nguyễn Mạnh Hùng
Tạp chí Du lịch tháng 9/2018