
Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Bích Vân phát biểu khai mạc triển lãm
Phát biểu khai mạc triển lãm, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Bích Vân cho biết: Cách đây hơn 7 năm, vào tháng 10/2005, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã phối hợp với hai Hội Búp bê truyền thống Sachiei và Kuniel tổ chức một triển lãm cùng tên trong thời gian 1 tuần và đã gây được ấn tượng sâu sắc với công chúng. Triển lãm lần này giới thiệu hơn 200 búp bê được làm hết sức tinh xảo và kỳ công thể hiện giá trị nghệ thuật, niềm tin, sức mạnh tinh thần, và lòng tự hào dân tộc của người dân đất nước mặt trời mọc.
Từ thuở xa xưa, búp bê đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người dân Nhật Bản từ thời cổ đại, phản ánh phong tục truyền thống của Nhật Bản cùng nguyện vọng của người dân nơi đây. Hơn 200 búp bê truyền thống được giới thiệu ở Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, trong đó đa phần theo phong cách Kimekomi (bọc vải vào gỗ). Búp bê Kimekomi có nguồn gốc từ thành phố Kyoto (thủ đô cũ của Nhật Bản) từ thế kỷ 17, được làm bằng những mảnh gỗ liễu và quấn lên đố những miếng lụa hoặc gấm. Mỗi búp bê phải mất khoảng 2 năm mới hoàn thiện xong. Theo quan niệm của Nhật Bản, búp bê Kimekomi có thể xua đuổi được tà mà, bệnh tật, khí uế, bảo vệ người già và trẻ nhỏ. Ngày nay, búp bê Kimekomi vẫn được làm bằng tay và tạo hình theo đủ các thành phần trong xã hội từ búp bê bé trai, bé gái, chú tiểu, cô dâu, diễn viên cho đến nhân vật cổ tích.
Trong số các loại búp bê tại triển lãm có một số búp bê tiêu biểu như: bộ búp bê Hina sử dụng trong lễ hội bé gái, các vị quan và cận thần, các diễn viên kịch, búp bê thiếu nữ, búp bê trẻ em, búp bê các con vật… Trong đó đặc biệt có sưu tầm búp bê mang gương mặt chuột được trưng bày theo lối sắp đặt với chủ đề “đón Tết”, tác phẩm thể hiện không khí đón Tết cổ truyền đầm ấm, vui vẻ với cả gia đình chuột đoàn tụ cùng nhau làm bánh.

Bộ búp bê Hina sử dụng trong lễ hội bé gái được trưng bày tại triển lãm
Đến với triển lãm, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng các sưu tập búp bê độc đáo mà còn có cơ hội tham gia các hoạt động tương tác, trải nghiệm tìm hiểu những nét văn hóa đặc trưng Nhật Bản như: mặc thử trang phục kimono, yukata truyền thống của phụ nữ Nhật Bản, thực hành gấp giấy Nhật Bản, tham gia các trò chơi truyền thống của trẻ em Nhật Bản… và được các nghệ nhân Nhật Bản hướng dẫn cách làm búp bê. Những hoạt động tương tác, trải nghiệm mang tính khám phá, giáo dục đã và đang được Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam quan tâm để bảo tàng thực sự là nơi tham quan học tập bổ ích cho công chúng nhất là các gia đình vào dịp cuối tuần.

Các em nhỏ thực hành gấp giấy Nhật Bản
Triển lãm Búp bê truyền thống Nhật Bản cũng là cơ hội để Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế trong việc tổ chức các hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của phụ nữ Việt Nam và phụ nữ quốc tế; đồng thời góp phần thắt chặt thêm tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản.
Triển lãm diễn ra từ ngày 7 - 31/3/2013 tại hai địa điểm là Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội) và Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản (27 Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Trang Lê