
Hát quan họ trên thuyền
Vùng Lim: Trảy hội mùa xuân
Ngày 12 - 13 tháng giêng hàng năm, dòng người nườm nượp dồn về không gian rộng lớn vùng Lim. Sức hấp dẫn của những điệu dân ca ngọt mượt cùng biết bao hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian đặc sắc như: đu tiên, bịt mắt bắt dê, đấu vật, đập niêu… khiến du khách khó lòng cưỡng lại mỗi độ xuân về.
Trầu têm cánh phượng là một sản vật đặc trưng của hội Lim và cũng được xem là biểu tượng cho sự duyên dáng, quyến rũ của người phụ nữ Bắc Ninh - Kinh Bắc. Giải thích về ý nghĩa biểu trưng này, liền chị Nguyễn Thị Nhung bảo rằng: Để têm được một khẩu trầu phải chọn quả cau cân hạt, lá trầu bánh tẻ. Cách têm trầu cũng khá cầu kỳ, đòi hỏi sự tinh tế, sau khi têm xong, mỗi miếng trầu sẽ được cài thêm cánh hoa hồng đỏ thắm. Tùy từng hoàn cảnh mà trầu được têm theo các cách khác nhau với những ý nghĩa riêng như: trầu cánh phượng, cánh kiến, cánh quế, mũi mác…
Chắc chắn, ra về sau hội Lim, mỗi du khách sẽ không quên nhận lấy một miếng trầu cánh phượng cho liền anh liền chị quan họ vui lòng.

Liền chị têm trầu cánh phượng ở Hội Lim
Tam Tảo: Làng… du lịch
Đến thăm làng quan họ Tam Tảo (xã Phú Lâm, huyện Tiên Du) mới biết, nhiều năm nay, từ người già đến trẻ nhỏ ở làng đã quá quen thuộc với những vị khách tây, lưng đeo ba lô, tay cầm máy ảnh dạo bộ trong từng con ngõ nhỏ.
Dưới mái đình cổ kính, niên đại hàng trăm năm, du khách quốc tế say sưa thưởng thức, đắm chìm trong làn điệu dân ca quan họ trữ tình. Một vài người khách ngó nghiêng, đăm chiêu, chăm chú bên bàn cờ tướng cùng các bậc cao niên ở đình làng. Trong khi đó, một số khác lang thang đi sâu vào những con ngõ nhỏ và lưu giữ những khoảnh khắc sinh hoạt đời thường của người dân với phong cảnh làng.
Say đắm trước vẻ đẹp của di sản dân ca quan họ, những vị khách đến từ Pháp, Bỉ, Canada, Thụy Sĩ, Cu-Ba, Anh, Mỹ... còn trầm trồ vì được hòa mình trong một không gian làng quê Việt giàu truyền thống văn hóa. Họ hết sức ngạc nhiên và thán phục khi biết người dân trong làng vẫn giữ được hàng chục ngôi nhà cổ có niên đại vài trăm năm, cổ nhất là 600 năm.

Du khách quốc tế tham quan làng Tam Tảo
Đào Xá: Độc đáo cỗ chay
Cũng là một làng quan họ cổ nổi tiếng, làng Đào Xá (xã Phong Khê, thành phố Bắc Ninh) còn được biết đến là quê hương của những tờ giấy dó làm nền cho dòng tranh dân gian Đông Hồ. Giấy dó nếu được làm theo đúng phương pháp truyền thống có thể giữ bền khoảng 500 - 700 năm mà không bị hỏng.
Người phụ nữ làng Đào không chỉ khéo léo, giỏi nghề “seo” giấy dó mà còn tài hoa, tinh tế trong chế biến các món ăn, tạo nét đặc trưng trong ẩm thực quan họ. Xưa kia, cỗ chay Đào Xá nổi tiếng khắp vùng bởi sự độc đáo. Mâm cỗ chay làng Đào được sắp xếp, bày đặt trên mâm đan, bát đàn. Tất cả các món ăn đều làm từ sản phẩm của nhà nông. Trong đó, món bánh cắp và cháo cái không thể tìm thấy nơi nào khác ngoài làng Đào Xá. Bây giờ, nếu muốn thưởng thức cỗ chay làng Đào, du khách chỉ cần liên hệ đặt trước một ngày là được.
Người quan họ từ tốn, khiêm nhường trong mọi hoạt động, nhất là trong ăn uống. Vậy nên nhiều khi cỗ bày ra rồi mà khách còn phải đợi chủ nhà mời bằng những câu nói mượt mà xong mới ăn. Nhà nghiên cứu quan họ Lê Danh Khiêm đã miêu tả rất kỹ: để bắt đầu bữa cơm, liền anh, liền chị quan họ chủ lần lượt có lời mời khách, chẳng hạn như: “Năm mới, tháng xuân đương quan họ liền anh, liền chị không chê làng nước chúng em nghèo mà sang chơi. Chúng em sắm bữa cơm quê, gọi là mâm đan, bát đàn, đầu mâm đĩa muối, cuối mâm đĩa dưa, xin mời đương quan họ người nâng bát, nâng đũa thật nhiệt tình cho chúng em mừng”.
Làng Diềm: Tinh tường nghề chơi quan họ
Nếu muốn hiểu biết tỏ tường về nghề chơi quan họ của người Bắc Ninh thì du khách về làng Diềm (Viêm Xá, xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh). Đây là một làng quan họ cổ, nơi có đền thờ Thủy tổ - Vua Bà đã sáng tác và truyền dạy cho người dân địa phương những làn điệu dân ca quan họ ngọt ngào, đằm thắm. Thế nên, những chất tinh túy, vàng ròng của văn hóa quan họ đều đang có ở làng Diềm.
Đến đây, những nghệ nhân sắp bước sang tuổi 100 như: cụ Ngô Thị Khu, Ngô Thị Nhi, Nguyễn Thị Bàn… sẽ hát và kể cho du khách nghe về sự công phu trong “nghề chơi quan họ”. Không chỉ nghe hát, nghe kể chuyện truyền dạy quan họ, du khách còn được thưởng thức bữa cơm quan họ làng Diềm, được nghe hát quan họ truyền thống như: hát thờ, hát quan họ trên thuyền… chẳng ở đâu còn gìn giữ đầy đủ và nguyên bản những giai điệu truyền thống của văn hóa quan họ như ở đây. Từ đền Cùng, giếng Ngọc cho đến đình Diềm có bộ cửa võng đẹp tinh xảo, làm nên giá trị độc đáo, “vẻ vang của ngôi đình này hay như hồ bán nguyệt nước vẫn trong xanh và cả những ngôi nhà chứa trăm tuổi” mà các nghệ nhân quan họ vẫn đang sống ở đó…
Làng Cổ Mễ: Du thuyền trên dòng sông lịch sử
Ngược dòng sông từ đền Bà chúa Kho, chùa Cổ Mễ đến bến sông Như Nguyệt hoặc cũng có thể xuôi dòng từ làng tiến sĩ Kim Đôi về cầu Như Nguyệt, du khách sẽ được “tắm” mình trong dòng sông lịch sử.
Mỗi bến sông, những con đò quan họ rộn ràng đón bạn, đưa bạn đến các di tích lịch sử rồi sau đó du ngoạn trên bãi nhãn, rặng tre, nghỉ ngơi và thả hồn với phong cảnh đồng quê trù phú. Về miền quan họ cổ mà du khách chưa được đi thuyền trên dòng sông Cầu thì thật đáng tiếc!
Mùa xuân, miền quan họ gọi mời du khách trảy hội và khám phá những giá trị văn hóa ngàn năm.
Bài, ảnh: Thuận Cẩm