
|
Phó Tổng cục trưởng Vũ Tuấn Cảnh phát biểu chỉ đạo Hội nghị |
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị triển khai Nghị định hướng dẫn Luật Du lịch tại TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch PGS.TS Vũ Tuấn Cảnh nêu rõ: Luật Du lịch là văn bản pháp lý cao nhất của ngành Du lịch, thể chế hóa được rõ nét chủ trương của Đảng và đường lối phát triển du lịch của nhà nước. Tổng cục Du lịch tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Du lịch đến các Sở quản lý nhà nước về du lịch, các doanh nghiệp du lịch trong cả nước, tạo điều kiện để trao đổi những vấn đề liên quan đến việc triển khai Nghị định 92/2007 NĐ-CP và thu thập thông tin lấy ý kiến của cơ sở để xây dựng và hoàn chỉnh Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định phù hợp với tình hình phát triển du lịch hiện nay.
Tại Hội nghị, đại diện Ban soạn thảo Luật Du lịch đã giới thiệu về Nghị định 92/2007 NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Du lịch; thu thập thông tin qua phiếu điều tra về tình hình triển khai Luật Du lịch tại các địa phương trong cả nước; giới thiệu dự thảo, trao đổi và tiếp thu ý kiến để hoàn chỉnh Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định 92/2007 NĐ-CP; đồng thời, giới thiệu dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch (CSLTDL)...
Các đại biểu tham dự Hội nghị đã có nhiều tham luận nêu rõ những thuận lợi và khó khăn trong thực hiện và hướng dẫn thực hiện Luật Du lịch tại cơ sở. Ban Tổ chức Hội nghị dành nhiều thời gian để đại biểu thảo luận, trao đổi về những vướng mắc trong quá trình triển khai Luật Du lịch, Nghị định 92/2007 NĐ-CP. Nhiều ý kiến đóng góp xác đáng về các nội dung trong dự thảo Thông tư đã được Ban soạn thảo tiếp thu và bổ sung để hoàn chỉnh các nội dung của Thông tư hướng dẫn triển khai Nghị định 92/2007 NĐ-CP.
Về triển khai Luật Du lịch đến các doanh nghiệp và hộ kinh doanh, nhiều địa phương còn gặp khó khăn. Theo Giám đốc Sở Du lịch An Giang Bùi Thị Hồng Hà: quy mô các doanh nghiệp nhỏ, ở vùng sâu vùng xa, nên Sở Du lịch không đủ kinh phí để triển khai các văn bản hướng dẫn Luật Du lịch đến với từng doanh nghiệp du lịch. Tổng cục Du lịch nên triển khai những lớp tập huấn về Luật Du lịch cho đại diện các doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực du lịch tạo điều kiện cho các tổ chức cá nhân tìm hiểu và thực hiện tốt Luật Du lịch.
Về quản lý khu du lịch được quy định tại Điều 10 của Nghị định 92/2007 NĐ-CP, Giám đốc Sở Thương mại - Du lịch Thái Nguyên Nguyễn Văn Chiến cho rằng trong Thông tư cần làm rõ cơ cấu tổ chức của các ban quản lý là đơn vị quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp có thu hay doanh nghiệp, để tránh chồng chéo chức năng với phòng quản lý du lịch trực thuộc các Sở; đơn vị chủ quản của ban quản lý khu du lịch như thế nào? Vì hiện nay, cơ quan chủ quản của các ban quản lý khu du lịch tại nhiều địa phương rất khác nhau như trực thuộc UBND tỉnh, Sở quản lý nhà nước về du lịch, hay quận huyện... nên có sự hướng dẫn cụ thể để thực hiện thống nhất trên cả nước.
Về đầu tư trong lĩnh vực vận chuyển khách du lịch, đại diện Sangontourist có ý kiến: hiện nay thuế nhập khẩu các phương tiện vận chuyển khách du lịch quá cao, các doanh nghiệp vận chuyển khách du lịch trong nước phải nhập khẩu xe đã qua sử dụng, nên chất lượng dịch vụ không đảm bảo. Để khắc phục tình trạng này, Tổng cục Du lịch nên đề xuất với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch kết hợp với các Bộ, Ngành liên quan đề nghị Chính phủ giảm thuế nhập khẩu phương tiện vận chuyển khách du lịch và có quy định cụ thể đối với các phương tiện vận chuyển để quản lý một cách hiệu quả, đảm bảo chất lượng phục vụ du khách.
Nhiều đại biểu có chung quan điểm về chính sách thúc đẩy phát triển du lịch cần được hướng dẫn cụ thể hơn về việc ưu đãi, thu hút đầu tư vào các dự án phát triển du lịch; nên xây dựng các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch theo vùng hay khu vực để tạo điều kiện thuận lợi nhất khi xúc tiến du lịch kết hợp với thu hút đầu tư.
Về khu du lịch cộng đồng, Phó Giám đốc Sở Du lịch Bình Thuận Lê Thị Thanh Liên rất băn khoăn, vì hiện nay dọc bãi biển Bình Thuận đã hình thành các khu du lịch với sự tham gia của cộng đồng. Người dân vẫn gọi đây là khu du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, Tổng cục Du lịch cần có hướng dẫn và xác định tiêu chí của khu du lịch cộng đồng, các địa phương lấy đó làm căn cứ xây dựng, đầu tư phát triển; đồng thời, quản lý và tạo nguồn thu nhập ổn định cho cộng đồng dân cư địa phương.
Về thống kê du lịch, có nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay việc thống kê về lượng khách và thu nhập xã hội từ du lịch chưa được thống nhất, các sở quản lý nhà nước về du lịch gặp rất nhiều khó khăn trong công tác này. Thông thường, các sở căn cứ vào báo cáo số liệu của các doanh nghiệp lữ hành, CSLTDL... trên địa bàn, tổng hợp lại nên dễ bị chồng chéo, số liệu không chính xác. Việc phối hợp liên ngành (công an, thuế, hải quan...) trong thống kê du lịch còn gặp nhiều khó khăn. Các đại biểu đề nghị Tổng cục Du lịch nên có văn bản hướng dẫn tới các địa phương để thống nhất và tạo điều kiện phối hợp liên ngành trong việc thống kê số liệu chính xác.
Việc cấp phép đầu tư cơ sở lưu trú du lịch cũng được các đại biểu quan tâm, đề nghị khi cấp phép đầu tư cơ sở lưu trú du lịch, sở quản lý nhà nước về du lịch tại địa phương có nhiệm vụ tham mưu về quy chuẩn kỹ thuật xếp hạng CSLTDL, tránh tình trạng các nhà đầu tư chi phí nhiều nhưng không đạt quy chuẩn xếp hạng CSLTDL.
Nhiều đại biểu có ý kiến về điểm 2, mục IV của Dự thảo Thông tư về khách sạn phải đạt quy mô từ 15 buồng ngủ trở lên, thì hầu hết các khách sạn đạt tiêu chuẩn tối thiểu (10 phòng ngủ hiện nay) sẽ không đủ tiêu chuẩn là khách sạn 1 sao. Ở những địa phương vùng sâu, vùng xa thì việc đầu tư thêm 5 phòng ngủ để đạt CSLTDL là rất khó khăn, dẫn đến tình trạng thừa nhà nghỉ, thiếu khách sạn. Về xếp hạng CSLTDL, nên quy định rõ chất lượng, trình độ chuyên môn, ngoại ngữ của đội ngũ nhân viên phục vụ theo từng thứ hạng cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước và đảm bảo chất lượng dịch vụ phục vụ cho du khách.
Về du lịch sinh thái trong Luật Du lịch đã nêu ra khái niệm, nhiều ý kiến đề xuất trong Thông tư cần làm rõ những tiêu chí để công nhận một khu du lịch sinh thái, những ưu đãi cho loại hình du lịch này để làm tiêu chí để xác định.
Quy trình cấp thẻ hướng dẫn viên nên có sự thay đổi cho phù hợp. Hiện nay, sở quản lý du lịch nhận và thẩm định hồ sơ, ra quyết định cấp thẻ và chuyển về Tổng cục Du lịch in thẻ. Vì vậy nếu có những sai sót sẽ kéo dài thời gian trong việc cấp thẻ. Nên chăng Tổng cục Du lịch giao trách nhiệm cho các Sở quản lý thực hiện toàn bộ quy trình cấp thẻ hướng dẫn viên nhưng cần theo một mẫu chung do Tổng cục Du lịch quy định.
Theo ông Phạm Tuấn - Tổng Giám đốc OSC Việt Nam việc ký quỹ của hãng lữ hành quốc tế là 250 triệu/ hãng sẽ là một số tiền rất lớn, nếu cộng tất cả các hãng lữ hành quốc tế trong cả nước. Vì vậy, cần có cơ chế tài chính cụ thể để vận hành nguồn quỹ này, để có thể sinh lợi, hay đầu tư phát triển du lịch.
Ngoài những ý kiến nêu trên, Hội nghị còn nhận được nhiều ý kiến đóng góp về ngân sách để xúc tiến du lịch; kinh phí tổ chức sự kiện du lịch quốc gia và sự kiện của các địa phương; xây dựng sản phẩm đặc thù của địa phương và của vùng; bộ máy triển khai Luật Du lịch; bảo vệ môi trường du lịch; đào tạo nghề du lịch...
Theo thông tin từ đại diện Ban soạn thảo, sau Hội nghị triển khai Nghị định hướng dẫn Luật Du lịch tại ba miền trong cả nước, Ban soạn thảo sẽ tập hợp những ý kiến, bổ sung và hoàn thiện nội dung dự thảo Thông tư trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vào đầu tháng 9/2007 để sớm ban hành, làm cơ sở để triển khai hiệu quả Nghị định 92/2007 NĐ-CP và đưa Luật Du lịch vào cuộc sống./.
PHÙ NINH