 |
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh |
PV: Việc sáp nhập ba ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch theo Bộ trưởng sẽ đem lại những điều kiện thuận lợi như thế nào cho hoạt động của ba ngành?
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh (HTA): Văn hóa, Thể thao, Du lịch là ba lĩnh vực lớn của đất nước. Trước khi sáp nhập, ba ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã luôn có sự phối hợp với nhau trong các hoạt động của mình. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp nhưng nội hàm của nó chính chứa đựng yếu tố quyết định là văn hóa. Nền văn hoá phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam chính là nguồn tài nguyên du lịch đã và đang được khai thác để phát triển du lịch. Hiện nay, Văn hoá và Du lịch đã có sự phối hợp thống nhất, bảo vệ và trùng tu di tích phải vừa bảo tồn di sản, vừa phục vụ hoạt động du lịch để phát triển kinh tế-xã hội. Và chính sự phối hợp này ở lĩnh vực thể thao cũng vậy, có thể kết hợp để mỗi sự kiện thể thao đều có thể quảng bá chung cho du lịch và văn hoá Việt Nam, các môn thể thao, các môn võ dân tộc có thể là những sản phẩm du lịch và văn hóa phục vụ du khách. Việc hợp nhất ba lĩnh vực về cùng một đầu mối sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý đa ngành, đồng thời giảm đầu mối, tăng hiệu quả công việc là xu hướng tất yếu để hội nhập và phát triển.
Việc kết hợp ba ngành chắc chắn sẽ tạo ra thế và lực mới để thực hiện nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho từng lĩnh vực cụ thể. Văn hóa, Thể thao, Du lịch có những điểm chung, song mỗi lĩnh vực lại có những đặc thù riêng. Nếu Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng hoạt động tốt thì sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước, tạo ra nhiều cơ hội thu hút nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của WTO.

|
Vịnh Hạ Long |
PV: Thưa Bộ trưởng, để Du lịch Việt Nam phát triển thành một ngành kinh tế mũi nhọn và Việt Nam thực sự vẫn là một điểm đến hấp dẫn, ngành Du lịch cần phải làm gì?
Bộ trưởng HTA: Khi là Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch và nay với cương vị mới Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, tôi đã xác định một số nhiệm vụ cần phải làm ngay đối với ngành Du lịch. Đó là: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch nhằm đáp ứng yêu cầu về chất lượng dịch vụ cho khách du lịch; xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú và chất lượng cao; tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường tự nhiên và nhân văn trong hoạt động du lịch; công tác tuyên truyền quảng bá cần phải tăng cường cả bề rộng lẫn chiều sâu theo hướng xã hội hoá nhiều hơn nhằm huy động mọi nguồn lực để quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam ra thế giới. Ngành Du lịch cần chủ động phối hợp với chính quyền địa phương tuyền truyền, vận động nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ cảnh quan, gìn giữ và phát triển văn hóa du lịch. Phối hợp với các Bộ, Ngành để đảm bảo về an ninh và trật tự an toàn xã hội, hấp dẫn thu hút du khách, quảng bá những hình ảnh đẹp về đất nước và con người Việt Nam. Ngành Du lịch cần xây dựng lộ trình và những bước đi thích hợp theo từng giai đoạn cụ thể để Du lịch Việt Nam phát triển thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
PV: Chủ đề của Ngày Du lịch thế giới năm 2007 là “Du lịch tạo nhiều cơ hội cho phụ nữ”, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về vai trò của lao động nữ trong ngành Du lịch Việt Nam?
Bộ trưởng HTA: ngành Du lịch có đặc thù là tỷ lệ lao động nữ chiếm đa số. Đây được coi là một thế mạnh, tiềm năng lớn đối với sự phát triển của ngành Du lịch. Có thể khẳng định, đối tượng lao động nữ trong ngành Du lịch có trình độ chuyên môn, năng lực làm việc cao, chất lượng và hiệu quả làm việc của lao động nữ đóng vai trò quyết định đến chất lượng dịch vụ du lịch. Trong những năm qua, ngành Du lịch đã thấy rõ vị trí và tầm quan trọng của lao động nữ, đã có những chính sách khuyến khích và phát huy vai trò lao động nữ trong Ngành. Đặc biệt, ngay từ năm 2004, Tổng cục Du lịch đã thành lập Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ và cử một đồng chí Phó Tổng cục trưởng làm Trưởng ban. Ban đã tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi như: tổ chức phong trào thi đua "Hai giỏi"; khám sức khoẻ định kỳ cho chị em phụ nữ; tổ chức cuộc thi tìm hiểu Công ước Liên hiệp quốc về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và Chiến lược hành động quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam 2001 – 2010; tổ chức các chương trình tham quan, nghiên cứu học tập kinh nghiệm cho cán bộ nữ; bình xét cán bộ, công chức, lao động nữ tiêu biểu trong toàn Ngành... Những hoạt động này đã tạo ra động lực thi đua phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cho cán bộ nữ trong ngành Du lịch. Có thể khẳng định, lao động nữ trong ngành Du lịch đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển du lịch Việt Nam.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng và kính chúc Bộ trưởng mạnh khoẻ, hoàn thành trọng trách mà Đảng và nhân dân đã tin tưởng giao phó.