ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI VỚI KẾT QUẢ KHẢ QUAN TRONG 7 THÁNG ĐẦU NĂM 2007
Trong 7 tháng đầu năm 2007 đã có 717 dự án mới từ 39 quốc gia và vùng lãnh thổ được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư là 6,37 tỷ USD, tăng 12% về số dự án và 54,8% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; đồng thời, có 196 lượt dự án tăng vốn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh với số vốn đăng ký tăng thêm là 1.102,6 triệu USD, tăng 25,9% về vốn bổ sung so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả vốn cấp mới và tăng thêm trong 7 tháng đầu năm 2007, cả nước đã thu hút thêm 7.473,2 triệu USD vốn đầu tư đăng ký, tăng 49,7% so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với việc gia tăng vốn đầu tư đăng ký mới, tình hình thực hiện các dự án cũng có chuyển biến tích cực. Tổng vốn đầu tư nước ngoài thực hiện trong 7 tháng đầu năm ước đạt 2,6 tỷ USD, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm trước và đây là mức cao nhất kể từ sau khủng hoảng kinh tế khu vực cả về lượng vốn cũng như tốc độ tăng trưởng. Hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt kết quả khả quan. Doanh thu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong 7 tháng đầu năm 2007 là 17,9 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó giá trị xuất khẩu đạt 10,6 tỷ USD, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu ước đạt 11,4 tỷ USD, tăng 26,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong 7 tháng đầu năm, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã thu hút thêm được 16 nghìn lao động, đưa tổng số lao động trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tính đến thời điểm này là 1,2 triệu lao động, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 7 tháng đầu năm 2007, vốn đầu tư đăng ký tiếp tục tập trung trong lĩnh vực công nghiệp (đạt 3.433,6 triệu USD), chiếm 53,8% tổng vốn đầu tư đăng ký; lĩnh vực dịch vụ (đạt 2.815,1 triệu USD), chiếm 44,1%; số còn lại thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp.
MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ TIẾP TỤC ĐƯỢC CẢI THIỆN
- Môi trường đầu tư - kinh doanh tại Việt Nam tiếp tục được cải thiện, phù hợp với cam kết quốc tế của Việt Nam. Việt Nam đang trở thành điểm hấp dẫn đầu tư ở châu Á.
- Các rào cản trước đây của các dự án ĐTNN như tỷ lệ nội địa hóa, tỷ lệ xuất khẩu sản phẩm.... đã được dỡ bỏ.
- Nhìn chung, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực đầu tư nước ngoài vẫn giữ mức tăng so với cùng kỳ năm trước, một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã triển khai tích cực ngay sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong những tháng đầu tiên của năm 2007.
- Công tác xúc tiến đầu tư (XTĐT) đã chuyển biến tích cực, có sự phối hợp giữa các Bộ, Ngành với các địa phương theo hướng bám sát các tập đoàn đa quốc gia, các nhà đầu tư lớn có ý định đầu tư tại Việt Nam nhằm thúc đẩy quá trình XTĐT nhanh chóng biến ý đồ thành hiện thực dự án.
- Việc phân cấp cấp giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) và quản lý dự án đầu tư nước ngoài về các địa phương đã tăng tính chủ động và quan tâm của địa phương đồng thời tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, rút ngắn thời gian và giảm chi phí khi làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
- Công tác cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được triển khai ở các địa phương như xây dựng các quy trình thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo cơ chế liên thông - một cửa, công khai, minh bạch và tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư.
MỘT SỐ HẠN CHẾ CẦN KHẮC PHỤC
- Tuy 7 tháng đầu năm qua, kết quả thu hút và sử dụng nguồn vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng hơn so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và triển vọng của các địa phương và với cơ hội hiện có. Kết quả 7 tháng đầu năm vẫn chưa tạo ra được một “cú hích” quan trọng, nhằm chớp thời cơ tạo đà phát triển và tăng sức cạnh tranh của Việt Nam trong giai đoạn tới, do vậy, cần tập trung tháo gỡ trong thời hạn ngắn nhất các hạn chế sau:
- Chưa có văn bản quy định các điều kiện cụ thể đối với các lĩnh vực đầu tư có điều kiện để làm căn cứ thẩm tra, cấp GCNĐT, điều này đã gây lúng túng cho cơ quan quản lý đầu tư cũng như nhà đầu tư khi quyết định đầu tư.
- Hình thức, thủ tục góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đối với các doanh nghiệp trong nước chưa được hướng dẫn cụ thể nên hình thức này chậm được triển khai trong thực tế;
- Chưa có văn bản quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ của Ban Quản lý khu công nghiệp (KCN) cấp tỉnh trong khi NĐ36 đã hết hiệu lực. Do vậy, cần quy định cụ thể hơn về chức năng, quyền hạn cấp và điều chỉnh GCNĐT (bao hàm nội dung Đăng ký kinh doanh) đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nằm trong các KCN (theo pháp luật về Đăng ký kinh doanh, Ban Quản lý KCN không thuộc hệ thống cơ quan Đăng ký kinh doanh);
- Một số trở ngại ảnh hưởng tới hoạt động đầu tư nước ngoài khác như cơ sở hạ tầng còn yếu kém, cạnh tranh gay gắt do thị trường mở cửa theo lộ trình cam kết quốc tế, công nghiệp phụ trợ còn hạn chế, chi phí đầu vào tăng (giá nguyên, vật liệu tăng, giá nhân công... ); việc giảm thuế nhập khẩu đối với linh kiện điện, điện tử; thời tiết khắc nghiệt, vẫn còn vướng mắc về thủ tục pháp lý và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; điều kiện sinh sống của người lao động tại các khu công nghiệp còn khó khăn, thiếu thốn, chậm được khắc phục.
- Cơ sở hạ tầng còn yếu kém, nhất là việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp ở một số địa phương và đặc biệt công tác giải phóng mặt bằng nhìn chung còn chậm làm ảnh hưởng tới tiến độ triển khai dự án cũng như việc thu hút đầu tư nước ngoài .
- Trong bối cảnh phân cấp toàn diện công tác quản lý đầu tư nước ngoài về địa phương, việc cập nhật thông tin hàng tháng về hoạt động đầu tư nước ngoài trên địa bàn cả nước gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới chất lượng báo cáo nhanh phục vụ công tác điều hành của Bộ, hạn chế việc phân tích, đánh giá và dự báo tình hình đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
- Công tác XTĐT ở một số địa phương chưa hiệu quả trong quảng bá hình ảnh, tiềm năng của địa phương do hạn chế về kinh phí và nguồn nhân lực.
ƯỚC THỰC HIỆN NĂM 2007.
Năm 2007 sẽ là năm tiếp tục tăng trưởng cao trong thu hút FDI, tiếp tục đà tăng trưởng của 2006 và có khả năng đạt con số kỷ lục về thu hút FDI từ trước đến nay (dự kiến 13 tỷ USD nêu tại phần sau). Năm 2007 cũng là năm có thể khẳng định được về cơ hội mới trong thu hút FDI đối với Việt Nam, với một làn sóng đầu tư mới với nhiều dự án quy mô lớn mang tính đột phá trong các lĩnh vực quan trọng như công nghệ cao (sản xuất máy tính xách tay, thiết bị tin học, viễn thông,...), bất động sản (xây dựng các khu đô thị đa chức năng); khai khoáng,...
Dự kiến thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu:
Trên cơ sở tình hình thực hiện 7 tháng đầu năm 2007 cũng như dự báo tình hình thực hiện các tháng còn lại của năm 2007, có thể dự báo một số chỉ tiêu chủ yếu của khu vực đầu tư nước ngoài như sau:
- Về thu hút đầu tư mới (báo gồm cả tăng vốn mở rộng sản xuất kinh doanh): khoảng 13 tỷ USD, tăng 8,3% so với năm 2006; trong đó các Khu công nghiệp và khu chế xuất thu hút khoảng 5,8 tỷ USD, tăng 2,1% so với năm 2006.
- Vốn thực hiện: 4,5 tỷ USD, tăng 9,8% so với năm 2006; trong đó vốn thực hiện của các doanh nghiệp FDI trong các Khu công nghiệp và khu chế xuất khoảng 2 tỷ USD, tăng 33,3% so với năm 2006.
- Doanh thu: 33,25 tỷ USD, tăng 13,1% so với năm 2006; trong đó doanh thu của các doanh nghiệp FDI trong các Khu công nghiệp và khu chế xuất khoảng 16 tỷ USD, tăng 17% so với năm 2006.
- Xuất khẩu: 20 tỷ USD (trừ dầu thô), tăng 36,8% so với năm 2006; trong đó xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI trong các Khu công nghiệp và khu chế xuất khoảng 8,925 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm 2006.
- Nhập khẩu: 21 tỷ USD, tăng 28,4% so với năm 2006; trong đó nhập khẩu của các doanh nghiệp FDI trong các Khu công nghiệp và khu chế xuất khoảng 13,77 tỷ USD, tăng 29,6% so với năm 2006.
- Lao động: 15 vạn người, tăng 32,9% so với năm 2006; trong đó các Khu công nghiệp và khu chế xuất thu hút khoảng 7 vạn người, tăng 8,9% so với năm 2006.
- Nộp ngân sách nhà nước: 1,55 tỷ USD, tăng 22,3% so với năm 2006; trong đó các doanh nghiệp FDI trong các Khu công nghiệp và khu chế xuất nộp khoảng 920 triệu USD, tăng 23% so với năm 2006.
Về cơ cấu đầu tư: sẽ tiếp tục duy trì tỷ lệ tập trung vào công nghiệp - xây dựng, phát triển dịch vụ và tỷ lệ đầu tư thấp trong nông, lâm, ngư nghiệp, theo các chỉ số sau:
- Công nghiệp và xây dựng: 50-55%;
- Dịch vụ: 40-45%;
- Nông, lâm, ngư nghiệp: 5-10%.
Về đối tác đầu tư: vẫn tiếp tục duy trì các nhà đầu tư tiềm năng trong thời gian qua như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, các TNC có trụ sở tại Singapore, tiếp đến là Hoa Kỳ, Châu Âu và các nhà đầu tư mới từ khu vực Trung Đông (khối các nước Ả Rập).
Về các địa phương: các địa phương có các điều kiện về cơ sở hạ tầng, thị trường,... tiếp tục là các điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương,... và các địa phương mới nổi như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Tây, Cần Thơ,...
HÀ PHƯƠNG