(VTR) - Tương Dương (một huyện miền núi Tây Nghệ An) đón khách đường xa bằng một bữa cơm giản dị. Tôi háo hức món măng đắng, được quảng cáo là đặc sản xứ này. Những cây măng bé xíu, trắng nõn nà trông hấp dẫn lắm mà sao chưa kịp chạm chân răng đã nghe đắng đót. Thấy tôi ngập ngừng không nỡ ăn, không nỡ bỏ, một cô gái cười cười: “Lần đầu chưa quen khó ai ăn măng đắng ngay được. Nhưng ăn mãi rồi thành nghiện, không xa được. Đất và người ở đây đều vậy”. Nhìn vào mắt cô, tôi tin cô nói thật.
Chiều, chúng tôi đi lòng hồ thủy điện Bản Vẽ. Những cung đường mới mở uốn lượn giữa hai bên đèo dốc đẹp như mộtdải lụa mềm vắt ngang đại ngàn. Và thật bất ngờ, tôi đã đi chìm trong một rừng săng lẻ. Chưa bao giờ tôi đi qua một cung đường đẹp như vậy. Những cây săng lẻ xanh đến ngỡ ngàng. Vài giọt nắng xiên ngang mặt đất, những cây săng lẻ cổ thụ nhận vào nó trầm tích của rừng, lừng lững và uy nghiêm khiến cho ai qua đây cũng phải dừng lại. Tôi hít căng đầy lồng ngực cái dịu mát của rừng, nhắm mắt thật lâu sợ mình mở mắt ra thì tan giấc mộng.
Lòng hồ thủy điện Bản Vẽ chẳng mấy chốc mở ra trước mắt. Nếu không có khối bê tông lừng lững chắn ngang lòng hồ, tôi ngỡ mình lạc vào một huyền tích. Nước lặng và xanh mênh mông. Cái màu xanh mà tôi chưa từng thấy, có phải chăng do đại ngàn soi bóng xuống mà nước xanh đến độ thế này? Vài con thuyền độc mộc lững lờ ngay bến nước. Mấy người dân tộc Thái mặc áo chàm xanh lẫn vào màu nước lặng lẽ buông chài. Trong mênh mông trăng, vầng trăng sữa đầu tháng, mông mênh nước và cái se lạnh về đêm của núi, chúng tôi trải lá chuối rừng bên thuyền nướng cá. Chợt nghĩ, có bao giờ ở chốn đô hội thị thành, mình về với thiên nhiên tuyệt đối đến thế này. Cười như trẻ thơ, dăng tay nghe mạn thuyền sóng vỗ thấy tình người, tình đất thấm đẫm tâm hồn.
Tạm biệt Tương Dương, tôi có một giỏ quế lan trắng muốt, mùi thơm dịu dàng len lén thả vào không gian mê hoặc, một giỏ măng đắng làm quà.
Về phố tôi cũng hì hụi quạt than, cũng lá chuối thơm lừng, cũng muối ớt cho món Kinh, hạt dổi cho món Thái, sao miếng cá của tôi cứ thiếu một cái gì đó không gọi thành tên. Gặp lại cậu bạn hiểu tôi từng chân tơ, kẽ tóc, thấy cậu cười cười : “Thiếu nước, thiếu trăng, thiếu núi làm sao thành món cá lòng hồ”. Tôi ồ lên và chợt hiểu. Đành về thương ngọn măng đắng hôm nào: “Chị cứ ăn đi, sau đắng là đến ngọt”, phải vậy không Tương Dương? Trong vị rau miền thủy điện ấy, có cả trầm tích được đốt sáng lên bởi dòng điện tỏa về trăm miền!
Nguyễn Thị Hiền
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)