Sự kết nối các khu SQTG với các khu di sản thiên nhiên, các khu ramsar, khu công viên địa chất toàn cầu tạo ra một không gian di sản thiên nhiên rộng lớn, là cơ hội tuyệt vời để phát triển các loại hình du lịch trong đó có du lịch sinh thái.
Các khu SQTG đã, đang và sẽ giúp khách du lịch hiểu biết hơn về môi trường tự nhiên và văn hóa của đất nước. Hiện nay, tại Việt Nam có hàng trăm tour tuyến du lịch hấp dẫn du khách, đặc biệt là ở các vùng xa, vùng sâu. Với sự đa dạng sinh học cao, cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ, tươi đẹp, các khu SQTG đã mang đến cho du khách cơ hội chiêm ngưỡng các vẻ đẹp tự nhiên và văn hóa đặc biệt và duy nhất, chỉ tìm thấy ở địa phương nơi có khu SQTG. Hướng dẫn viên đa số là là những cán bộ bảo tồn có khả năng để diễn giải về đa dạng sinh học, văn hóa và môi trường mà du khách tới khám phá. Họ thường tập trung hướng dẫn du khách phát triển các hành vi đúng đắn như: làm sao để góp phần bảo vệ môi trường, duy trì văn hóa và các vấn đề phát triển bền vững quan trọng khác; làm sao để giảm thiểu tác động bất lợi đến văn hóa và môi trường… Bên cạnh đó, người dân địa phương cũng đang trở thành những người tham gia và thực hiện các dịch vụ du lịch hoặc hướng dẫn viên các tuyến du lịch sinh thái cộng đồng…
Ở Việt Nam, 9 khu SQTG đang tạo nên một tiềm năng rộng lớn cho phát triển du lịch sinh thái, trong đó một số khu dự trữ sinh quyển hấp dẫn du khách quốc tế như: Khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà (Hải Phòng), Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng (Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình), Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang (Kiên Giang) và Khu dự trữ sinh quyển Vườn quốc gia Mũi Cà Mau (Cà Mau). Việc UNESCO công nhận khu SQTG không chỉ là sự vinh danh những giá trị di sản nhân loại mà chính là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Du lịch sinh thái chính là công cụ nối kết danh hiệu UNESCO và chuyển đổi nó thành những giá trị kinh tế góp phần cải thiện sinh kế cho người dân địa phương, xoá đói giảm nghèo. Chính du lịch sinh thái và chỉ có du lịch sinh thái mới tạo ra sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, đó chính là nguyên lý bảo tồn cho phát triển và phát triển để bảo tồn trong sự nghiệp phát triển bền vững của từng địa phương, quốc gia và quốc tế.
GS. Hoàng Minh Trí