Guốc Việt xưa
Theo sử sách đôi guốc đã xuất hiện ở Việt Nam từ khá sớm. Một số tài liệu cổ của Trung Quốc như Nam Việt chí, Giao Châu ký có ghi rằng Bà Triệu (ở thế kỷ III) đã đi guốc bằng ngà voi.
Ở nông thôn thời xưa, vào những ngày đông giá rét, phụ nữ khi đi dự hội hè, đình đám, thường đi guốc làm từ gộc tre. Guốc đi trong nhà được đẽo bằng gỗ, mũi uốn cong để bảo vệ ngón chân, có quai dọc tết bằng mây thay vì quai da đóng ngang như guốc thời cận đại.
Trước đây, ở vùng Nam Trung Bộ, người dân tự đẽo guốc để dùng bán. Guốc ở đây có hình dáng rất đặc trưng, đó là mũi hơi cong lên, trước mũi có dùi một lỗ thủng từ trên xuống, phía sau dùi một lỗ ngang. Quai guốc là một sợi dây bằng vải se. Guốc xỏ quai giống như quai dép Nhật Bản hiện nay. Bên cạnh loại guốc này, còn có guốc gỗ dành cho đàn ông và phụ nữ. Guốc của phụ nữ được đẽo hơi eo ở chính giữa, guốc đàn ông không eo nên được gọi là guốc xuồng. Guốc sản xuất ở vùng này không sơn, giữ nguyên màu trắng của gỗ. Còn guốc được làm ở Huế thì có sơn một màu hoặc hai màu (thường là đen hoặc nâu). Chỉ những người khá giả mới đi guốc sơn. Một số nơi gọi guốc là dỏn nên đã có thành ngữ "Chân giày chân dỏn" chỉ sự giàu có, sang diện.
Vào những năm 50-60 của thế kỷ trước, người ta đem guốc mộc được sản xuất ở làng Đơ Đồng (tức Yên Xá, xã Tân triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội), ở Kẽ Giày (xã Liên Trung, huyện Đan Phượng) về số nhà 12 phố Hàng Gà, hay về phố Bạch Mai ở Hà Nội để sơn, xì hoa, sau đó đem bán. Đi guốc đã là nét đẹp một thời của thiếu nữ thủ đô. Vào cuối những năm 70, bên cạnh guốc gỗ, guốc nhựa đã ra đời. Cùng với giày dép, đôi guốc là vật dụng làm đẹp cho chủ nhân. Nếu như ngày xưa người Việt Nam mang guốc cho sạch chân, có lội nước hay đi trời mưa ướt guốc cũng mau khô, thì vào những năm 1970 – 1980, guốc là thời trang của giới nữ Sài Gòn. Nữ sinh từ ngày vào đệ thất (lớp 6) đã mặc áo dài mang guốc đi học. Nữ nhân viên văn phòng mặc áo dài may nhấn eo thật sát, đi guốc đế cao trông rất duyên dáng, lịch sự. Các cô phục vụ ở vũ trường thích mang guốc gót nhọn, cao từ một tấc hai (12cm) trở lên, khi nhảy dáng rất đẹp. Nhiều bà nội trợ đi chợ mặc áo dài hay áo bà ba và mang guốc.
Bây giờ, gỗ làm guốc nhiều nhất là gỗ thông và gỗ xoan. Gỗ xoan chắc hơn, còn gỗ thông thì có vân đẹp, đi nhẹ nhưng dễ mẻ. Ngoài guốc đánh vecni, còn có các loại guốc sơn mài, guốc sơn màu, guốc vẽ, guốc khắc hoa văn. Gót guốc thì không thay đổi, có gót nhọn, gót thấp, gót cao, nhưng đế thì có thêm đế bằng, đế xuồng. Ngoài ra, có kiểu guốc Nhật Bản thân hơi vuông, đế bằng thấp, người Việt Nam mua là chính, chứ người Nhật Bản đến Việt Nam không mua guốc kiểu Nhật. Các loại quai guốc cũng đa dạng, có quai vải kết cườm, quai kết bông, quai da, quai simili, quai nhựa trong trơn, quai nhựa trong sọc… Đa số khách nước ngoài thích quai kết cườm, kết bông.
Đam mê guốc mộc
Sạp guốc số 718 của bà Nguyễn Thị Liên trông khá đơn giản, tưởng như không tạo sự chú ý lắm cho khách vào chợ Bến Thành. Vậy mà người tiểu thương đã ở tuổi trên 70 vẫn ngày ngày tiếp khách mua hàng bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh.
16 tuổi, khoảng năm 1960, bà Nguyễn Thị Liên đã làm nghề bán guốc mộc, khi ấy các sạp hàng guốc dép của chợ Bến Thành nằm ở phía đường Phan Chu Trinh. Sau này chợ được sắp xếp lại, những hàng guốc – giày dép dời vào khu giữa chợ. Ban đầu, bà theo phụ người cô ruột bán guốc, học cách đóng guốc. Sau khi người cô mất, bà giữ sạp guốc bán cho đến bây giờ.
Một thời gian dài hơn chục năm, guốc mộc bị lãng quên dần, nhiều người bán guốc dẹp nghề hoặc chuyển sang bán giày dép. Từ năm 2000, chợ Bến Thành ngày càng đông khách nước ngoài. Bà Liên không ngờ khách nước ngoài cũng thích mua guốc. Thêm vào đó, những hoạt động tôn vinh văn hóa dân tộc diễn ra nhiều hơn, những nhà thiết kế áo dài đã đưa guốc vào những bộ sưu tập của họ. Nhờ cố giữ nghề mà bà Liên vẫn sống được với sạp guốc và hiện nay đây là sạp bán chuyên guốc mộc duy nhất của chợ Bến Thành.
Có nhiều khách nước ngoài đến Sài Gòn mấy lần đều ra hàng guốc bà Liên mua vài đôi làm quà, lâu dần thành khách quen. Trong gian hàng, bà treo bảng giá, ghi thế nào bán đúng thế đó, không phân biệt giá cho du khách nước ngoài hay trong nước.
Dù chỉ nói được vài từ tiếng Anh nhưng bà Liên luôn mang lại niềm vui cho du khách với những tiếng cười vang một góc chợ.
“Muốn đóng quai guốc đẹp phải canh cho đôi quai vừa với bàn chân của từng người khách. Đóng đinh phải dứt khoát, đóng nhẹ quá thì đinh sẽ không ăn vào gỗ, dễ sút quai, sút đế, còn mạnh tay quá thì đinh lún hư quai và đế guốc có thể bị nứt” – bà Liên giải thích. Được trực tiếp nhìn các công đoạn đóng guốc của bà, nhiều du khách tỏ ra rất thích thú.
Xã hội ngày càng phát triển, cùng với sự đa dạng của mầu giày dép da, sức bán hàng guốc của bà Liên dần kém đi. Không ít người xin bà cho thuê lại mặt bằng với giá cao hơn nhiều so với thu nhập bà có được từ bán guốc, nhưng bà cho rằng: “Guốc là mặt hàng truyền thống của Việt Nam nên ráng giữ gìn. Vả lại, du khách nước ngoài cũng thích guốc Việt Nam, bán cho họ cũng là cách bà giới thiệu về Việt Nam. Có lần, một chàng trai Singapore sang du lịch Việt Nam mua guốc của bà về làm quà lưu niệm. Vài năm sau quay lại Việt Nam, chàng trai đã đến cảm ơn bà vì món đồ lưu niệm độc đáo.
Bà đang cố gắng truyền tình yêu guốc mộc để khi nào già yếu giao lại sạp guốc cho cháu gái. Bà cứ hình dung trên đường phố sẽ lại có ngày người ta mặc áo dài, mang guốc mộc, khi đó hình ảnh TP. Hồ Chí Minh sẽ rất ấn tượng trong mắt du khách nước ngoài. “Thế nên đã nửa thế kỷ có hứng thú với những đôi guốc thì cứ giữ niềm hứng thú đó”, bà Liên nở một nụ cười thật lạc quan.
Các Ngọc - Anh Đào
(Tạp chí Du lịch)