Nhắc đến Hà Nội, hầu như ai cũng nghĩ ngay đến Hồ Gươm, Tháp Rùa, Hồ Tây,... những danh lam thắng cảnh mang tính truyền thống đã được quảng bá một cách rộng khắp. Khó ai có thể nhớ đến một vẻ đẹp hết sức mộc mạc và thân thuộc với cuộc sống của những người dân lao động, đó là những quán trà đá ven đường. Đây có thể coi là một nét rất riêng của Việt Nam mà không một quốc gia, một thành phố nào khác trên thế giới này có được.
Cuộc sống hiện đại với những trang thiết bị thông minh đã giúp cho việc liên lạc giữa người với người trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Nhưng cũng chính vì lẽ đó, chúng ta dần quên mất thói quen trao đổi trực tiếp với nhau. Bạn hẳn đã nhìn thấy những buổi tiệc, những lần gặp mặt mà mọi người chỉ chăm chăm nhìn vào màn hình điện thoại, không ai nói với ai câu gì.
Ở những nước phát triển, nhiều người họ thèm khát và ao ước có lại cảm giác được nói chuyện trực tiếp như ngày xưa. Với riêng Hà Nội, việc đó thật dễ dàng nơi những quán trà đá nhỏ ven đường. Gọi là quán nhưng vật dụng không có gì nhiều và sẽ thay đổi theo mùa. Thông thường chỉ gồm một chiếc thùng xốp nhỏ để giữ đá, hai phích nước sôi, một ấm trà và một ấm nước vối đặc, kèm theo đó là những bộ cốc chén bằng thủy tinh nhỏ gọn, vừa tay. Cuối cùng là vài chiếc ghế nhựa.
Trà đá vỉa hè không có không gian sang trọng, lịch sự như trong các quán cà phê, các nhà hàng lớn. Nhưng ngồi với nhau ở đây, người ta cảm thấy ấm cúng và gần gũi hơn nhiều. Họ ngồi quây quần ở một không gian nhỏ nơi góc phố, gốc cây, chân cột điện, đầu ngõ... và chia cho nhau chén trà, điếu thuốc.
Vào những ngày đông giá rét, quán trà với những đống lửa nhỏ là nguồn sưởi ấm cho những người dân nghèo. Cầm một cốc trà nóng, kể cho nhau nghe những câu chuyện. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ sưởi ấm bàn tay, tâm hồn của mỗi người.
Khách hàng có thể là bất kỳ ai, ở vị thế nào, có người là giám đốc công ty, có người là bác xe ôm, có người là cô bán hàng rong, có người đi ôtô nhưng cũng có người đi xe máy, xe đạp. Rào cản về địa vị xã hội hay vật chất ở đây dường như không tồn tại. Họ tới đây để nghỉ ngơi, lấy lại tinh thần sau những giờ làm việc, để kể cho nhau những niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống.
Nhiều người đã nói với tôi rằng, ở những quán trà đá, bạn không cần phải mang theo cái gì cả, chỉ cần một câu chuyện là đủ để có thể “nhập hội”. Chỉ cần bạn muốn kể thì chắc chắn sẽ có người nghe. Dường như trong không gian này, mọi người mở lòng hơn với nhau, không có những hiềm khích hay gây hấn. Họ đến đây để tìm thấy sự chia sẻ, tìm thấy những nụ cười thật sự mà không có chút giả tạo, được sống thật với lòng mình, có thể thoải mái tháo bỏ những lớp mặt nạ giả tạo cảm xúc.
Đừng vội nghĩ rằng những vị khách từ các quốc gia phát triển họ không thích những nơi như thế này. Tôi đã từng gặp những người nước ngoài ngồi uống trà đá. Họ lắng nghe, có thể không hiểu được toàn bộ câu chuyện nhưng không khí trao đổi đó đã khiến cho rào cản về ngôn ngữ trở nên vô nghĩa. Chỉ là tiếng cười hùa theo thôi nhưng những vị khách này có thể cảm thấy sự thân thiện giữa những con người xa lạ từ mọi tầng lớp xã hội.
Đâu cần phải là một nơi lịch sự, sang trọng, đơn giản chỉ là một nét đẹp rất bình dị thôi, nhưng cũng đủ khiến người ta xao xuyến và không nỡ rời đi. Đối với những du học sinh từ nước ngoài, đây còn là nơi trao đổi, củng cố thêm vốn ngôn ngữ của bản thân. Họ có thể kết thêm những người bạn Việt và học tập được những nét văn hóa mới mẻ. Và khi trở về nước, tôi tin rằng những ký ức đẹp về những cuộc nói chuyện cởi mở nơi quán trà nhỏ này sẽ in mãi trong tâm thức của họ.
Giữa chốn đường phố tấp nập người qua lại, quán trà như một dấu lặng nhỏ, nơi mà mọi lo ngại về kế sinh nhai đều biến mất, chỉ còn lại tình cảm giữa người và người. Cùng kể cho nhau nghe những câu chuyện, chia cho nhau những chén trà, điếu thuốc. Chính lúc này, khoảng cách giữa người với người gần nhau hơn bao giờ hết.
PHẠM NGỌC SƠN
nguồn: laodong.vn