Nếu dấu chân muốn lên huyện Mèo Vạc có duy nhất một chợ huyện Mèo Vạc thì huyện Yên Minh cũng có duy nhất một chợ tết Lao Vần Chải. Nhưng đi chợ, khi rẽ sang huyện Vị Xuyên cũng có chợ tết Lao Chải. Đường núi ngày xưa người Mông nói, “đi cưa ngọn về cưa ngọn”(đi con ngựa về con ngựa) thì nay người Mông đã đi con xe chạy bằng hai bánh; đường núi xe máy lúc cài số 1, lúc cài số 2 mới đi được đến chợ.
Lên chợ vùng cao không có đèn đỏ đèn xanh, mà thường gặp những đống cát chễm chệ giữa đường. Lái xe gọi đống cát là đèn đỏ, muốn vượt thì xuống nhà dân mượn xẻng xúc cát, san cát mới cho xe qua. Thì ra đèn đỏ xuống chợ Lao Chải là đi xúc cát.
Chợ tết chỉ thấy toàn thổ cẩm là thổ cẩm, xoong, nồi dao dựa, và lợn giống. Cái nghèo vẫn phủ xuống vùng núi sương giăng. Cả mùa đông không có nắng, và những cái váy phơi bên phên giậu bờ rào cũng không còn lành lặn, chợ cũng nói lên hồn cốt, sự gieo neo chưa vượt lên đời sống đồng bào vùng cao còn vất vả nhiều bề.
Chợ Lao Chải vẫn họp thường kỳ vào sáng thứ hai. Nhưng giáp tết thì ngày nào cũng có chợ. Người mẹ H'Mông mặc chiếc áo màu hồng đã rách tay nhưng vẫn chịu chấp nhận mua chiếc váy đẹp cho con diện tết, chiếc váy giá 200 ngàn đồng, rồi mua cái bánh rán cho con ăn. Chợ Lao Chải bán chó, có người xem chân con chó có đủ 4 huyền đề không, mua lợn cắp nách và mua xoong, mua chảo.
Hàng Việt Nam chất lượng cao chưa lên được đến đây. Thầy Lý Hùng, trường Lao Chải cho hay: “Hầu như hàng hóa quần áo Trung Quốc giá rẻ chiếm khá nhiều, chỉ trừ đi hàng thổ cẩm của đồng bào Mông, Dao, Giáy (Hà Giang) mà chủ yếu là đồng bào Mông ở đây. Làm sao để xà phòng Ô-mô Việt Nam lên đến nơi này, nước mắm và muối sạch nữa, lên tới đây…”.
Tôi nói với thầy rằng ngược lại, làm sao trà Phìn hồ, cam quýt, măng nứa và nấm hương cũng xuống dưới xuôi, nhiều hơn, để bà con người Dao, người Mông đỡ khổ. Đấy là nỗi niềm khát khao của lữ khách ước ao có nhiều sản phẩm du lịch địa phương về Hà Nội. Dù biết rằng chè Phìn Hồ đã xuất đi các nước Châu Âu.
Những thời trang thổ cẩm dành cho thiếu nữ cũng bày bán rất nhiều. Họ bày trên lối đi chẳng cần nếp nang, và người Mông cứ thích ở đâu thì bày ra đó.
Đi chợ Lao Chải chỉ mong mỏi bao giờ hàng Việt Nam chất lượng cao lên đến đây, dù là bánh xà phòng, kem đánh răng, đến hạt muối sạch, nước mắm truyền thống.
Đó là những nỗi niềm mà không riêng thầy giáo, cô giáo trường Lao Chải, mà đến cả anh Lý A Sao, một người bán xoong nồi cũng cho rằng đường đi còn khó khăn lắm, nên hàng hóa cũng không có nhiều. Người dân thôn bản sống được chỉ tự cung, tự cấp thôi.
Nhưng khi xuống chợ Lao Chải, trái tim làm mẹ của tôi nhìn người mẹ trẻ đi sắm áo cho con thơ thì hình như ngày nào cũng có tết.
HOÀNG VIỆT HẰNG
Nguồn: laodong.com.vn