Hát quan họ chính là nét đặc trưng nhất của hội Lim. Tương truyền, quan họ là điệu hát giao duyên giữa các đôi trai gái trong vùng nhưng bất cứ lứa tuổi nào cũng có thể hát, dần dần quan họ trở thành câu hát cửa miệng của nhân dân xứ Kinh Bắc mỗi khi muốn giới thiệu về vùng quê mình.
Giá trị của quan họ đã được Ủy ban Liên chính phủ công ước UNESCO bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Đó cũng là bước đệm quan trọng để vừa bảo tồn vừa phát huy giá trị văn hóa của quan họ Bắc Ninh.
Đến hẹn lại lên, mỗi dịp đầu năm, dòng người lại đổ về Hội Lim như trẩy hội. Ngọn đồi Lim cao khoảng 200m không làm nản lòng một du khách nào. Ở đó còn có ngôi chùa Hồng Ân, ngôi chùa cổ có niên đại từ thế kỷ 17.
Hát quan họ ngay tại Hội Lim khác với hát trên truyền hình. Đó là khi các nghệ nhân hát trực tiếp không qua xử lý âm thanh, diễn xướng hoàn toàn tự nhiên. Du khách có nhu cầu cũng có thể cất lên tiếng hát quan họ.
Tôi ghé qua lán quan họ của nghệ nhân Nguyễn Thị Tường (thị trấn Lim) và lắng nghe giai điệu của bài hát “Tìm em trong chiều Hội Lim”. Câu hát như thấu hiểu tâm tình người lữ khách làm cho ai nấy đều xúc động. Nghệ nhân Nguyễn Thi Tường đã có gần 20 năm hát quan họ. Và bộ môn nghệ thuật dân gian này cũng đã trở thành niềm đam mê đối với chị.
Cô con gái 12 tuổi của chị cũng sớm bộc lộ năng khiếu hát quan họ. Điều đó như một sự tiếp nối của lớp lớp thế hệ nhằm duy trì sức sống trường tồn của quan họ, của hội Lim.
Trong trang phục truyền thống của liền anh là áo the khăn xếp, tay cầm ô và của liền chị là áo tứ thân, khăn mỏ quạ, tay cầm nón quai thao, người nghe quan họ như bị mê hoặc bởi những âm thanh quan họ nhẹ nhàng mà khoan thai.
Rồi từng khách du lịch tranh nhau giơ tay xin được thử sức song ca cùng các nghệ nhân quan họ, giọng ai nấy đều mượt mà, sâu lắng. Có lẽ rằng quan họ không quá kén người hát, phải chăng chỉ là có duyên hay không.
Ngoài những bài quan họ cổ có xuất xứ từ 67 làng quan họ gốc xứ Kinh Bắc, còn có những bài quan họ mới được sáng tác phục vụ những thế hệ người mới. Tuy có thay đổi về ca từ nhưng giai điệu và phương thức thể hiện thì vẫn giữ nguyên được những gì tinh túy của dân ca quan họ.
Miếng trầu tô thắm làn môi đỏ của các liền chị, lời ca tiếng hát ngân nga trong chiều hội Lim nắng nhẹ nhàng làm bao du khách muốn ở mà chẳng muốn về. Nhiều khách du lịch nước ngoài còn gói ghém cẩn thận têm trầu để mang về nước làm kỷ niệm.
Hai bên sườn dốc có khoảng 15 lán hát, mỗi lán đều tựa vào một gốc lim già. Những chồi non đầu xuân trên các cành cây cũng bắt đầu nhú mọc. Tôi bỗng nghe lác đác đâu đó tiếng chim nhỏ, rồi từng đàn từng đàn bay về làm tổ trên những ngọn lim. Ở đâu đó, khói lam chiều bay lên như làm cho không khí hội Lim thêm sâu lắng và da diết.
Chiều ngả bóng vàng, dòng người bắt đầu thưa dần. Tôi cũng tranh thủ tìm chọn cho mình những món quà kỷ niệm, một gói cốm và bức chữ thư pháp Việt. Những du khách nước ngoài tận dụng nốt chút nắng cuối ngày để chụp tấm hình kỷ niệm với các liền anh liền chị. Những hình ảnh đó sẽ theo họ về nước và giúp quảng bá du lịch Việt Nam tới bạn bè thế giới. Để khi nhắc đến quan họ là nhớ đến đất nước Việt Nam thân yêu.
NGUYỄN VĂN CÔNG
Nguồn: Laodong.com.vn