TP. Hồ Chí Minh cần đẩy nhanh phát triển du lịch đường thủy với tour môi trường và học lịch sử trên sông
Tài nguyên có sẵn
“Một tiềm năng có sẵn, vừa khả năng mà không khai thác du lịch, còn chần chờ gì nữa”, ông Phan Xuân Anh – chuyên gia du lịch đường thủy TP.HCM, Giám đốc Công ty TNHH Thuyền Nhiêu Lộc, bày tỏ sự trăn trở pha chút luyến tiếc.
Cũng theo chuyên gia du lịch Phan Xuân Anh, nơi nào có hoạt động du lịch trên sông thì dòng sông nơi đó được cải tạo tốt, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, nhà nước và xã hội. Điều này gợi nhớ, vào thời điểm năm 2000, TP. HCM vay ngân hàng thế giới khoảng 200 triệu USD để đầu tư cải tạo kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Tuyến kênh dài 9km, chia làm 2 đoạn: đoạn từ cầu Thị Nghè lên đầu nguồn gọi là Nhiêu Lộc, phần đổ ra sông Sài Gòn gọi là Thị Nghè. Nhưng phải mất 10 năm ròng mới cải tạo được như ngày hôm nay.
Tuy tuyến kênh không dài nhưng gắn liền với sự phát triển của Sài Gòn từ thời chúa Nguyễn. Bên trong chất chứa biết bao thăng trầm, biến thiên thời cuộc và cho đến giờ vẫn giữ được tên gọi quen thuộc. “Nếu không khai thác du lịch thì rất uổng phí”, ông Phan Xuân Anh chia sẻ. Bởi sau khi cải tạo xong, có khoảng thời gian dài không khai thác nên một lượng lớn bùn đất, nước thải bồi lắng khiến cho dòng kênh trở lại bị ô nhiễm nặng.
Đến cuối 2015, thành phố có chủ trương xã hội hóa đầu tư các sản phẩm mới và dịch vụ du lịch đường sông. Nhiều doanh nghiệp tích cực tham gia đầu tư sản phẩm, xây dựng tour tuyến, bến bãi. Trong đó có tuyến du lịch đường thủy nội đô đầu tiên trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đi xuyên qua các quận: Q.1, Q.3, Phú Nhuận và Bình Thạnh bằng thuyền máy (thuyền Quy) và thuyền nhỏ chèo tay (thuyền Phụng), di chuyển được cả thời điểm nước lớn lẫn nước ròng. Biến dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hôi hám ngày nào trở thành con đường thủy đẹp bậc nhất Sài Gòn. Với vẻ đẹp thoáng đãng, trong xanh của dòng kênh, lại thêm các điểm đến nổi tiếng nằm dọc ven hai bên bờ như Thảo Cầm Viên, chùa Vạn Thọ, Vĩnh Nghiêm, Quan âm tu viện, chùa Khmer, Pháp Hoa… cảnh quan đẹp mắt đã đủ sức níu chân các du khách bước xuống thuyền. Khách tham quan được phục vụ ẩm thực, thưởng thức món ăn đồng quê, nghe kể chuyện lịch sử Sài Gòn trong tiếng đờn ca tài tử… Nhờ đó lưu lượng du khách trước dịch luôn ổn định ở mức trung bình 2.000 lượt khách/tháng, từ lúc mở cửa sau đại dịch đến nay mỗi ngày lượng khách mua tour cũng luôn rất khả quan. Theo cảm nhận của nhiều du khách, tour Nhiêu Lộc - Thị Nghè là sản phẩm du lịch độc đáo riêng có của Sài Gòn.
Từng một thời người dân hai bên bờ gọi là “dòng kênh đen”, ô nhiễm nặng, nhưng kể từ khi có các hoạt động du lịch, môi trường nước trên kênh thường xuyên được cải tạo nên nhiều người còn gọi kênh Nhiêu Lộc là kênh “nhiều lộc”. Nghĩa là dòng kênh không chỉ đem lại vẻ đẹp hai bên bờ mà còn mang lại nhiều “tài lộc”. Khi mà giá trị nhà cửa hai bên bờ kênh tăng lên cả chục lần so với trước.
Tour môi trường và giáo dục lịch sử trên sông
Theo ông Phan Xuân Anh, du lịch đường thủy TP.HCM hiện nay nên có hai tour cần làm nhanh, đó là tour môi trường và giáo dục lịch sử trên sông. Ông cho biết cả hai tour này vừa được triển khai trên dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Về môi trường, một chuyến du ngoạn đầy ý nghĩa trên sông giúp cho du khách nói chung, đặc biệt là sinh viên, học sinh nói riêng hiểu sâu hơn về giá trị của dòng kênh xanh trong việc cải tạo và bảo vệ môi trường; hiểu được các nguyên lý cơ bản trong việc xử lý rác thải, nước thải. Ngoài ra còn giúp các em biết thêm một số loài cây có giá trị, góp phần bảo vệ môi trường được trồng nhiều dọc hai bên bờ kênh như: Sao đen, Viết, Nhạc ngựa... Mặc dù đó là những loài cây lấy gỗ nhưng trong giới làm du lịch gọi đây là loài “cây môi trường” vì có tán rộng, quang hợp tốt, ít rụng lá, không sâu bọ… Du khách Nguyễn Văn Hải (ngụ ở Trần Đình Xu, Q.1, TP.HCM), cùng cậu con trai học lớp 8, sau khi trải nghiệm tour môi trường đã tỏ ra rất hài lòng, cho rằng “Ở trên bờ các em được học về “cây môi trường”, dưới nước lại học và hiểu được cách xử lý rác, nước thải…, đây là tour rất cần đầu tư”.
Trong chuyến du hành trên thuyền, tính từ đầu bến cầu Thị Nghè đến cầu Lê Văn Sỹ với độ dài chừng 5 cây số, du khách còn được chiêm ngưỡng một phần vẻ đẹp của 9 cây cầu mang tên những vị anh hùng dân tộc bắc ngang dòng kênh như: cầu Lê Văn Sỹ gắn với Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn; cầu Công Lý gắn với anh hùng Nguyễn Văn Trỗi; cầu Hoàng Hoa Thám gợi nhớ đến cuộc khởi nghĩa Yên Thế chống thực dân cùng với bao anh hùng khác như Trần Khánh Dư, Bùi Hữu Nghĩa…
Dưới mỗi chân cầu đều được tái hiện những bức tranh gắn liền với những giai đoạn lịch sử nhất định. Có thể nói đó là 9 bài sử quý giá dành cho du khách, qua đó giúp người thưởng ngoạn thích thú khi hiểu biết thêm về lịch sử với trực quan sinh động. Việc lồng ghép lịch sử độc đáo, giúp bất kỳ lứa tuổi nào cũng có thể tiếp cận lịch sử một cách nhẹ nhàng và dễ nhớ. Đặc biệt là những bài học lịch sử về lòng biết ơn tổ tiên trên đoạn kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, đấy còn là lòng tự hào của dân tộc nói chung và của TP.HCM nói riêng.
Có thể nói, tour môi trường và học lịch sử trên sông sẽ là tour có giá trị lớn trên dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Điều này thể hiện rất rõ, nếu mọi người biết ý thức bảo vệ môi trường, giữ cho dòng kênh luôn trong xanh, thoáng đãng, tạo nên đường thủy nội đô trên bến dưới thuyền, không hổ thẹn với danh xưng đô thị phồn hoa với “đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ”.
Cao Phương