Tổng kết Chương trình Hành động quốc gia về Du lịch
Tổng kết Chương trình Hành động quốc gia về Du lịch
Thứ hai, 15/05/2006 | 15:01 GMT+7
Tổng cục Du lịch vừa tổ chức hai hội nghị tổng kết Chương trình Hành động quốc gia (HĐQG) về Du lịch giai đoạn 2000 - 2005 và triển khai Chương trình 2006 - 2010 tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Hội nghị đã nhận được sự tham gia đóng góp ý kiến tích cực của các thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch, các Bộ, Ban, Ngành, địa phương và doanh nghiệp du lịch, lữ hành, khách sạn trên cả nước. Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Võ Thị Thắng đã tới dự hội nghị tại Hà Nội và chỉ đạo hội nghị tại TP. Hồ Chí Minh.
Báo cáo tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Từ đã nhận định sau 5 năm triển khai Chương trình đã thật sự tạo ra sự chuyển biến tích cực từ công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch đến việc đa dạng hóa và nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm du lịch Việt Nam. Chương trình đã góp phần tăng nhanh tốc độ tăng trưởng bình quân lượng khách du lịch trong nước và quốc tế. Nếu năm 2000, Du lịch Việt Nam mới đón được 2, 142 triệu lượt khách quốc tế và 11, 2 triệu lượt khách nội địa thì đến năm 2005 đã đạt 3, 43 triệu lượt khách quốc tế và trên 16 triệu lượt khách nội địa; thu nhập du lịch đạt 30.000 tỷ đồng. Chương trình đã tổ chức, hướng dẫn và tham gia tổ chức tuyên truyền quảng bá du lịch qua hoạt động của gần 100 sự kiện du lịch trong nước và phát hành trên 4, 5 triệu đầu ấn phẩm các loại tiếng nước ngoài: Anh, Pháp, Trung, Nhật, Đức và một phần tiếng Việt sử dụng trong các chiến dịch xúc tiến hình ảnh điểm đến ở các hội chợ, hội nghị, hội thảo, roadshow, diễn đàn du lịch ở nước ngoài; cung cấp 32.000kg ấn phẩm các loại cho các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; tranh thủ các sự kiện quốc tế tại Việt Nam để tiến hành các hoạt động giới thiệu về đất nước con người Việt Nam. Trong 5 năm, Chương trình đã tổ chức tham gia 49 hội chợ du lịch quốc tế định kỳ hàng năm; tổ chức 28 chương trình giới thiệu điểm đến tại các thị trường gửi khách quan trọng; phối hợp tham gia 11 hoạt động xúc tiến chung do các Bộ, Ngành tổ chức tại nước ngoài… Bên cạnh đó, hoạt động của Chương trình HĐQG về Du lịch 2000 – 2005 đã kích thích và góp phần huy động các nguồn lực xã hội cho hoạt động đầu tư vào lĩnh vực du lịch ở hầu hết các địa phương trong cả nước. Tổng kinh phí của Chương trình HĐQG về Du lịch 2000 – 2005 là 112, 506 tỷ đồng. Trong đự, kinh phí chuyển về hỗ trợ cho các hoạt động ở địa phương là 37, 197 tỷ đồng. Việc hỗ trợ kinh phí từ Chương trình đã lôi cuốn nhiều địa phương quan tâm đầu tư cho phát triển du lịch.
Chương trình HĐQG về Du lịch từ 2000 - 2005 đã thực sự tạo ra bước đột phá, làm chuyển biến nhận thức và hành động của toàn xã hội, đạt hiệu quả nhiều mặt cả về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá, an ninh quốc phòng, hội nhập quốc tế. Du lịch phát triển, đã có tác động tích cực đến sự phát triển của các ngành khác như Hàng không, Giao thông - Vận tải, Bưu chính - Viễn thông, Thủ công nghiệp..., tạo thêm nhiều việc làm, góp phần thiết thực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Hoạt động du lịch khởi sắc đã tạo ra khả năng tiêu thụ tại chỗ cho hàng hóa và dịch vụ sản xuất trong nước, góp phần thúc đẩy các ngành hữu quan cùng phát triển, khôi phục nhiều nghề thủ công truyền thống, đào tạo nguồn lực cho sự nghiệp phát triển du lịch…
Với các hoạt động mạnh mẽ, liên tục ở cả trong và ngoài nước, Chương trình HĐQG về Du lịch đã thực sự trở thành một động lực cho sự phát triển của Ngành. Để tiếp tục triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng IX trong lĩnh vực Du lịch, chuẩn bị tiền đề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng X và tạo đà tăng trưởng cao cho thời gian tiếp theo, Tổng cục Du lịch đã xây dựng Chương trình HĐQG về Du lịch giai đoạn 2006 - 2010 với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn của du lịch thế giới. Chương trình HĐQG về Du lịch giai đoạn 2006 – 2010 nằm trong tiến trình thực hiện Chiến lược của Ngành 2001 - 2010 và định hướng đến năm 2020 với mục tiêu tổng quát là phát triển nhanh và bền vững ngành kinh tế mũi nhọn du lịch. Phấn đấu đến năm 2010 đưa Du lịch Việt Nam vào nhóm nước có du lịch phát triển hàng đầu trong khu vực. Chương trình HĐQG về Du lịch giai đoạn 2006 - 2010 sẽ tập trung vào 3 Dự án: tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến du lịch; đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo vệ tài nguyên, môi trường, phát triển du lịch bền vững; đổi mới, tăng cường thể chế, chính sách và phát triển nguồn nhân lực du lịch. Trong đó, mỗi dự án có những mục tiêu và giải pháp cụ thể cho từng mặt hoạt động.
LÊ HẢI