 |
Ba nhà rường nổi của ông Chơi |
Hơn 30 năm hành nghề lái đò trên sông Hương, ông Nguyễn Chơi, 57 tuổi, ở 144 Bạch Đằng - Huế đã nghĩ ra ý tưởng, trên dòng sông đẹp như thơ này phải có một ngôi nhà rường mang đặc trưng Huế, ngôi nhà sẽ đưa du khách đến với những danh lam thắng cảnh của Huế.
Thế là, hai con thuyền ghép đặc biệt được làm bằng nhôm đặc chủng trên 100 triệu đồng, một ngôi nhà rường 3 gian 2 chái “mọc” lên đúng ý ông Chơi ấp ủ bấy lâu. Trong thuyền rường, tứ linh - long, lân, quy, phụng - tạo nên những hoạ tiết hài hòa. Ông đã bỏ thời gian hàng tháng trời đi khắp xứ Huế để copy mẫu xưa, tích hợp những nét tinh tuý các bậc tiền bối để lại rồi về làm theo... y hệt. Ông tâm sự: “Tôi muốn cho du khách thấy đặc trưng nhà rường và văn hoá Huế ngay trên sông. Để du khách vừa du ngoạn, vừa tìm hiểu văn hoá Cố đô.”
Theo ông Chơi, để làm cái nhà rường trên thuyền độc nhất vô nhị này ông đã mất gần 10 năm tích góp 6m3 gỗ kiền(nhóm 2), 1m3 gỗ huện (nhóm 4). Gỗ phải ngâm 3 nước, phơi 3 nắng mới “trụ được” giữa nắng mưa trên 50 năm mà không hề tu sửa. Với diện tích rộng 135m2, thuyền rường được trang trí một cách tinh tế, với đầy đủ những gì mà một ngôi nhà rường kiểu Huế vốn có. Để chắc chắn, ông Chơi chọn 8 đà gỗ (10 - 15cm, dài 7m) khoá chặt ở các chốt, để tạo thế chắc chắn mới mong trụ vững gần 100 năm trên sông nước. Thuyền rường được lợp 3 lớp men, mút và tôn ở phía trên nên cho dù nắng chói chang vẫn mát lạnh như thường. Đầu rồng ở phía trước, ông Chơi nhờ một người bạn chụp mẫu ở Trung Quốc. Ngày 10/2/2006, ông Chơi cùng 11 người con trai và đoàn thợ bắt tay vào việc. Ròng rã hơn 01 năm trời đến đầu tháng 5/2007 chiếc nhà rường của ông mới được hoàn thiện và cấp phép lưu hành.
Không chỉ vì tiền…
Nhà rường có 9 bộ bàn ghế, mỗi bộ dành cho 6 khách. Một sân khấu được làm bằng gỗ kiền kiền cũng sang trọng như chính ngôi nhà. Phông màn của sân khấu là những chiếc tủ mang phong cách cổ xưa của người Huế. Ánh sáng cũng được thiết kế khá độc đáo, công phu. Qua lời của ông Chơi, tôi có thể hình dung ra sắc màu ánh sáng dịu dàng, huyền ảo từ những chiếc đèn lồng như trong cung đình Huế thời xưa. “Mong muốn của tôi là làm sao để vừa tạo được không khí lãng mạn, vừa tạo sự ấm áp, tao nhã lại mang chút đài các, sang trọng cho ngôi nhà” - ông Chơi tâm sự. Nhà rường nổi của ông có thể chứa đến 200 người nhưng theo quy định của cơ quan chủ quản, chỉ được phép chở 35 khách. Điều khiến ông Chơi phấn khởi nhất là từ lúc nhà rường chưa đi vào hoạt động nhưng đã có người đặt trước hàng tháng trời. Đặc biệt, trên thuyền rường của mình, ông Chơi trang trọng dành một gian giữa để thờ Bác Hồ kính yêu. Ông tâm niệm: “Có Bác mới có ngày hôm nay. Tôi thờ Bác trên thuyền rường, một mặt để tỏ lòng kính yêu, răn dạy con cháu, ngoài ra để cho du khách năm châu thấy được tầm vóc của vị Cha già dân tộc Việt”.
Theo ông Chơi, giữ nếp gia phong vốn có khách lên thuyền rường cũng phải giữ phong thái đàng hoàng, trang nghiêm, vì mục đích của ông không chỉ vì... tiền, mà điều ông thực sự mong muốn là: Thuyền rường này có thể giúp người chơi “chơi” thoả thích được thưởng thức không gian văn hóa Huế một cách đúng nghĩa”.
Bây giờ, trên sông Hương đã xuất hiện một ngôi nhà rường ngày đêm lượn lờ, xuôi ngược! Cùng với dòng Hương êm đềm, khách du lịch ngồi trong nhà rường sẽ được tận hưởng những phút giây tuyệt vời, được lắng nghe những làn điệu ca Huế, dân ca Bình Trị Thiên ngọt ngào. Với con thuyền độc đáo của mình, ông Chơi đã làm được một việc thật sự có ý nghĩa.
Bài và ảnh: Vũ Hào