Tính kết nối của Khu du lịch thác Bản Giốc với CVĐC toàn cầu Non nước Cao Bằng và mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO
Tối 24/11/2018, Cao Bằng long trọng tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng; công bố Di tích lịch sử Địa điểm Chiến thắng Biên giới 1950, huyện Thạch An là Di tích quốc gia đặc biệt gắn với Chương trình Du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ X- Cao Bằng 2018. Những sự kiện được công nhận và vinh danh, vừa là vinh dự, tự hào nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm to lớn trong việc bảo vệ, phát huy giá trị của di sản. Việc UNESCO công nhận Công viên địa chất Toàn cầu Non nước Cao Bằng càng có ý nghĩa hơn vì Việt Nam có thêm một thương hiệu quốc gia về thắng cảnh và địa chất mang tầm quốc tế. Nếu biết cách tương tác giữa di sản với những yếu tố đặc sắc khác của Cao Bằng, cũng như kết nối với các di sản khác của vùng và các trung tâm du lịch lớn thì di sản của Cao Bằng sẽ là nguồn lực rất quan trọng cho phát triển bền vững. Chương trình du lịch "Qua những miền di sản Việt Bắc" được tổ chức luân phiên, năm nay tại Cao Bằng là cơ hội lớn để đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch, khai thác và lan tỏa giá trị các di sản của vùng Việt Bắc. Tăng cường hợp tác, kết nối trong chia sẻ nguồn lực và cơ hội để cùng phát triển, xây dựng môi trường du lịch thân thiện, nâng cấp hệ sinh thái du lịch, liên kết cụm ngành du lịch, đầu tư kết nối hạ tầng, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng có diện tích hơn 3.072 km2, nằm trên địa bàn của 9 huyện, nơi sinh sống của hơn 250.000 người thuộc 9 dân tộc anh em. Đến nay các nhà khoa học đã phát hiện, đánh giá, đề xuất xếp hạng trên 130 điểm di sản địa chất độc đáo, với các dạng địa hình, cảnh quan đá vôi hết sức phong phú, đa dạng như: các tháp, nón, thung lũng, hang động, hệ thống hồ – sông - hang ngầm liên thông..., phản ánh một chu kỳ tiến hóa karst hoàn chỉnh ở vùng nhiệt đới. Thêm vào đó là rất nhiều di sản địa chất khác như các hóa thạch cổ sinh, ranh giới giữa các phân vị địa chất, đứt gãy, các loại hình khoáng sản..., tất cả cùng minh chứng cho lịch sử phát triển địa chất phức tạp, kéo dài đến hơn 500 triệu năm ở vùng đất này.
Được sự tư vấn của chuyên gia UNESCO, Cao Bằng đã hoàn thành việc xây dựng 03 tuyến du lịch địa chất trong vùng CVĐC non nước Cao Bằng, cụ thể: Tuyến Du lịch cụm phía Tây “Khám phá Phia Oắc – vùng núi của những đổi thay” (huyện Nguyên Bình); Tuyến du lịch cụm phía Bắc “Hành trình về nguồn cội” (gồm huyện Hòa An và Hà Quảng); Tuyến Du lịch cụm phía Đông “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ xở thần tiên” (gồm 4 huyện: Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hạ Lang).
Huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng được thiên nhiên ban tặng nhiều phong cảnh đẹp và nổi tiếng như Thác Bản Giốc, Động Ngườm Ngao và nhiều địa danh nổi tiếng khác gắn với môi trường sinh thái và nhiều giá trị về văn hoá ẩm thực, văn hoá phi vật thể (các làn điệu dân ca như: Giá Hai, Si giang, Hà Lều, Phong Slư, Hát Then, Hát Lượn..). Bên cạnh đó, Trùng Khánh là huyện có đường biên giới dài 66km, tiếp giáp với 2 huyện Tịnh Tây và huyện Đại Tân (Quảng Tây, Trung Quốc), là thị trường du lịch quốc tế đầy tiềm năng có thể khai thác và mang lại hiệu quả cao.
Khu du lịch thác Bản Giốc nằm ở xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng là nơi chứa đựng các giá trị nổi bật về di sản địa chất và những nét văn hóa, ẩm thực đặc sắc của người Tày vùng biên cương, với các điểm tham quan, ngắm cảnh đẹp và có giá trị tâm linh, tiêu biểu như:
Động Ngườm Ngao phát triển trong đá vôi chứa nhiều hóa thạch San hô,
Huệ biển, được thành tạo ở vùng biển cổ cách ngày nay khoảng 400 triệu năm. Trong động có nhiều buồng, tầng, bậc hang, hành lang đủ mọi kích cỡ; nhiều nhũ, măng, cột, rèm, riềm đá... Một dòng suối ngầm với tích tụ cuội sỏi cao đến hàng mét thoát ra sông Quây Sơn chảy rì rầm ngày đêm, phát ra âm thanh vọng vào vách hang nghe như tiếng hổ gầm, vì thế mà thành tên.
Làng đá Khuổi Ky là một ngôi làng khá đặc biệt trong quần thể Khu du lịch thác Bản Giốc. Cuộc sống đồng bào dân tộc Tày nơi đây từ ngàn đời đã gắn bó đá và hình thành nên tín ngưỡng thờ đá. Làng có 14 nhà sàn làm bằng đá trải rộng khoảng 10.000 m2, dựa lưng vào núi đá, phía trước là dòng suối có tên gọi Khuổi Ky.
Xóm Lũng Niếc nằm ngay dưới chân chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc, đây là một ngôi làng mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Tày ở miền biên cương Tổ quốc. Lũng Niếc nằm trong khu vực dự án "Tăng cường sinh kế cho người dân tộc thiểu số thông qua du lịch cộng đồng tại tỉnh Cao Bằng" do tổ chức Helvetas Thụy Sỹ tại Việt Nam tài trợ, được Trung tâm Phát triển Kinh tế Nông thôn (Cred) triển khai. Hiện nay, Lũng Niếc đã hoàn thiện homestay để đón khách. Dự án đang tiếp tục tiến hành khảo sát, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, đậm đà bản sắc.
Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc là cột mốc được xây dựng trên mảnh đất biên cương phía Bắc của Tổ quốc, với kiến trúc của một ngôi chùa Việt truyền thống, trên ngọn núi Phia Nhằm cách thác khoảng 500m. Từ trên Chùa có thể nhìn bao quát được toàn bộ thác Bản Giốc và một vùng không gian rộng lớn phía dưới.
Danh thắng thác Bản Giốc được nhiều tạp chí, hãng truyền thông vinh danh là thác lớn thứ 04 thế giới trong các thác nước nằm trên đường biên giới giữa các quốc gia; là thác nước tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á. Tạp chí Touropia bình chọn là một trong 10 thác nước kỹ vĩ nhất thế giới; Hãng tin Anh Fox News bình chọn là top 7 thác nước hùng vĩ nhất thế giới. Năm 2017, Hãng Sputnik Nga đánh giá thác Bản Giốc là một trong những thác nước đẹp nhất thế giới, tạp chí National Geographic (của Hiệp hội địa lý Hoa Kỳ) bình chọn thác Bản Giốc (Cao Bằng) vào top 7 kỳ quan thiên nhiên ở châu Á.
Việc ký kết Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) – Đức Thiên (Trung Quốc) giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là khung pháp lý để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản trong khu vực thác Bản Giốc. Vì vậy, từ năm 2017 tỉnh Cao Bằng (Việt Nam) đã tổ chức gặp gỡ, tọa đàm với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) nhằm triển khai hiệu quả Hiệp định như: Hai Bên đã và đang tiến hành xây dựng hàng rào theo đường biên giới, trạm kiểm soát thuận tiện cho khách du lịch, lựa chọn mô hình bán vé và những vấn đề liên quan; thống nhất tổ chức thí điểm cho du khách qua lại Khu cảnh quan dự kiến vào tháng 10/2018. Đây là mô hình hợp tác đầu tiên giữa hai quốc gia, phấn đấu xây dựng trở thành khu hợp tác kiểu mẫu trong khu vực và trên thế giới.
Trong Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Khu du lịch thác Bản Giốc nằm trong danh mục các địa điểm tiềm năng phát triển Khu du lịch quốc gia. Tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020 xác định Du lịch là 1 trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội địa phương, với mục tiêu phấn đấu Khu du lịch thác Bản Giốc được công nhận là Khu du lịch quốc gia vào năm 2020.
Với tiềm năng thế mạnh để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch biên giới, Khu du lịch thác Bản Giốc nằm trong Tuyến Du lịch cụm phía Đông “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ xở thần tiên” được xác định là khu du lịch trọng điểm của tỉnh, cũng là điểm nhấn của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng và có tính kết nối cao với các tuyến trong vùng CVĐC Non nước Cao Bằng, các CVĐC toàn cầu trong khu vực và thế giới.
Quốc lộ 34 là con đường kết nối giữa 02 CVĐCTC (Non nước Cao Bằng và Cao nguyên đá Đồng Văn Hà Giang) với các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn. Nếu như quá trình Karst hóa trên Cao nguyên đá Đồng Văn chủ yếu là ở giai đoạn trẻ, thì tại Cao Bằng, nhất là phần phía đông (trong đó có Thác Bản Giốc) chủ yếu là đã ở giai đoạn "Trưởng thành" và "già". Do vậy, Cao nguyên đá Đồng Văn rất phổ biến các chóp liên kết gần đỉnh, bao quanh các hố sụt dạng phễu còn đang trong quá trình phát triển xuống sâu nên Cao nguyên đá khan hiếm cả đất lẫn nước, đặc biệt là nước mặt. Trong khi đó các huyện phía Đông tỉnh Cao Bằng có địa hình Karst " trưởng thành" và "già" đặc trưng bởi các chóp nón đã tách rời, có các thung lũng mở, với các dòng chảy mặt. Quá trình Karst hóa sâu rộng đã sinh ra nhiều diện tích đất tàn dư mầu mỡ, phì nhiêu.
Sự khác biệt này tạo nên nét riêng biệt và thu hút khách đến tham quan không chỉ với Cao nguyên đá Hà Giang mà còn muốn được trải nghiệm ở CVĐC Non nước Cao Bằng. Bên cạnh đó, Ban quản lý CVĐC Cao Bằng và Hà Giang luôn chủ động tích cực tăng cường sự kết nối, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý CVĐC phù hợp với điều kiện từng địa phương.
Công tác quảng bá giới thiệu hình ảnh CVĐC đến du khách trong nước và quốc tế luôn được chú trọng. CVĐC toàn cầu Non nước Cao Bằng tích cực tham gia các hoạt động do Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO tổ chức thông qua hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế, điển hình: Năm 2016, tham dự "Hội nghị quốc gia về mạng lưới công viên địa chất Nhật Bản" tại Nhật Bản, tại Anh quốc; Hội nghị mạng lưới CVĐC Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 5, năm 2017, tại tỉnh Quý Châu, Trung Quốc; Kỳ họp lần thứ 204 của Hội đồng chấp hành UNESCO tại Paris, Pháp. Đồng thời nhiệt tình tham gia các khóa đào tạo, tập huấn, các gian hàng trưng bày, giới thiệu những nét độc đáo, đặc sắc về CVĐC trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, để công tác xúc tiến giới thiệu quảng bá CVĐC Non nước Cao Bằng đạt hiệu quả cao, mở rộng thị trường khách quốc tế, năm 2018, CVĐC Non nước Cao Bằng đã ký kết hợp tác - kết nghĩa với CVĐC toàn cầu Haute – Provonce của Pháp.
Hiện nay, Việt Nam có 05 tỉnh đã hình thành CVĐC và đang trong quá trình xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận là CVĐC toàn cầu gồm: Quảng Ngãi (Đảo Lý Sơn), Đắk Nông (Núi lửa Krông Nô), Gia Lai, Phú Yên, Bắc Kạn (Hồ Ba Bể). Đây là những Công viên địa chất tiềm năng, với nhiều sản phẩm du lịch khác lạ, thu hút khách du lịch. Khu du lịch thác Bản Giốc sẽ là điểm đến hấp dẫn với mô hình “đến một nước được tham quan hai nước” đối với khách du lịch nội địa và quốc tế.
Nhằm phát huy tối đa các giá trị di sản của Khu du lịch thác Bản Giốc, trong thời gian tới, CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng tập trung thực hiện một số nội dung sau:
- Tích cực tham gia các hoạt động theo yêu cầu của UNESCO về một CVĐC toàn cầu: tham dự Hội nghị mạng lưới tại nước Ý vào tháng 9/2018; tham gia chương trình, khóa tập huấn của mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO để thúc đẩy quan hệ hợp tác, trao đổi về các mô hình, kinh nghiệm thành công giữa các thành viên, như: khóa tập huấn về CVĐC tại Thái Lan và các Hội nghị, hội thảo cùng các hoạt động khác do UNESCO tổ chức.
- Đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác - kết nghĩa giữa CVĐCTC Non nước Cao Bằng và CVĐCTC Haute – Provonce, Pháp, liên kết trang website CVĐC caobanggeopark.com với các trang quảng bá của các CVĐC khác...
- Tăng cường liên kết hợp tác với CVĐC toàn cầu trong nước và quốc tế, dự kiến ký kết hợp tác với CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang; CVĐCTC Lạc Nghiệp (Quảng Tây, Trung Quốc), CVĐC toàn cầu Chức Kim Động (tỉnh Quý Châu, Trung Quốc) và các CVĐC tiềm năng của Việt Nam.
- Chủ trì tổ chức Hội thảo, Hội nghị, cuộc họp giao ban của UNESCO, trước mắt, tổ chức Hội thảo quốc tế về phát triển Du lịch bền vững thông qua mô hình CVĐCTC UNESCO, dự kiến vào tháng 3/2019./.
PV