Thịt dê
Vùng núi Trường Yên, huyện Hoa Lư có lợi thế nhiều núi đá vôi, từ bao đời nay người dân đã nuôi dê để phát triển kinh tế. Dê sống trên núi, ăn nhiều loại cây, cỏ tự nhiên, thịt dê thơm mùi thảo dược và đậm đà hương vị núi đá. Các món ăn đặc sản chế biến từ thịt dê rất đa dạng như: dê tái, dê áp chảo, dê xào xả ớt, dê hầm thuốc bắc, nem dê… Dê núi Ninh Bình đã được tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận là một trong 50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam.
Cơm cháy
Cơm cháy Ninh Bình đã được Tổ chức kỷ lục châu Á công nhận là một trong 12 món ăn đặc sản Việt Nam theo bộ tiêu chí “Giá trị ẩm thực châu Á” vào tháng 8/2012. Cơm cháy đều được làm thủ công và theo bí quyết gia truyền riêng. Gạo vo sạch, cho vào nồi và nấu chín. Gạo để nấu cơm được lựa chọn kỹ càng từ những loại gạo dẻo, đặc biệt là gạo tám thơm, nếp cái hoa vàng. Nước sốt ăn kèm thường được làm từ thịt dê, có vị cay, thơm, đủ độ sánh để ngấm vào miếng cháy, tạo nên sự độc đáo của món ăn.
Rượu Kim Sơn
Rượu Kim Sơn là một loại rượu có thương hiệu, hiện được đề cử kỷ lục "Top 10 đặc sản rượu nổi tiếng nhất Việt Nam". Rượu được sản xuất từ các làng nghề truyền thống thuộc huyện miền biển Kim Sơn. Rượu được chưng cất từ gạo nếp, men thuốc bắc, nguồn nước giếng khơi tự nhiên, sản xuất theo bí quyết của người dân địa phương. Rượu thường có nồng độ cao, trong suốt, bọt tăm rượu càng to thì độ rượu càng cao. Trước đây, rượu được đựng trong các vò đất và nút lá chuối khô, khi uống vào cảm thấy rất thơm và êm dịu.
Gỏi nhệch
Đây là một trong những đặc sản nổi tiếng của vùng ven biển Kim Sơn. Để chế biến ra món ăn đặc sắc gỏi cá nhệch này cần một chuỗi nhiều khâu hết sức kì công. Món ăn này mang hương thơm bùi bùi của gạo nếp rang, vị chua thanh thanh của dấm xen vào cái vị cay ấm của gừng với tỏi, ớt, tiêu, sả. Gỏi cá nhệch thơm và bùi, có mùi vị rất đặc trưng.
Bún mọc Kim Sơn
Bún mọc Kim Sơn gồm có bún, mọc, rau sống và nước dùng, thành phần tuy đơn giản nhưng người làm phải rất kỳ công từ khâu chọn nguyên liệu và cách ăn thì không như những nơi khác, chan nước vào bát to bỏ sẵn bún và mọc mà được để riêng thành từng đĩa, tùy người dùng lựa chọn ăn nhiều, ăn ít, ăn đến đâu lấy đến đó. Nếu bạn có dịp ghé thăm nhà thờ Phát Diệm – Kim Sơn đừng bở lỡ món bún độc đáo này.
Mắm tép Gia Viễn
Huyện Gia Viễn được biết đến là một vùng chiêm trũng, địa phương này có nhiều kênh rạch nên từ bao đời nay, người dân nơi đây đã có nghề riu tép và làm mắm ngon độc đáo. Để làm được những hũ mắm tép ngon, người ta chỉ chọn tép già, thân tròn, màu xanh lam, và phải còn tươi nguyên. Sau khi rửa sạch, để ráo nước thì đem trộn đều với thính và muối rồi mới cho vào hũ sành, đậy kín nắp, để nơi thoáng mát chừng hơn một tháng là có thể dùng được. Mắm tép Gia Viễn được tổ chức Sách kỷ lục Việt Nam đề cử là một trong những món ăn tiêu biểu của Việt Nam.
Miến lươn
Miến lươn Ninh Bình là một món ăn nổi tiếng. Miến lươn gia truyền ở Ninh Bình có hương vị nổi bật hơn ở những vùng miền khác. Nước dùng của món ăn này được làm từ xương lươn nên du khách có thể cảm nhận rõ vị đặc trưng. Thịt lươn lại được rim theo công thức gia truyền nên khi ăn thấy mùi thơm cùng vị béo ngọt hấp dẫn lại không hề có mùi tanh…
Nem chua Yên Mạc
Xã Yên Mạc, huyện Yên Mô từ lâu được biết đến với nghề làm nem chua nổi tiếng. Tên gọi “nem chua Yên Mạc” là sự gắn kết địa danh của làng xã với món ăn dân dã của người dân nơi đây. Nghề làm nem chua ở đây đã có từ rất lâu, nem Yên Mạc đòi hỏi một quy trình chế biến nghiêm ngặt. Loại thịt làm nem phải là loại thịt ngon, sạch. Người ta thường chọn thịt ở phần đùi mông sau thịt lợn, khi làm sẽ cho ra những chiếc nem chua có độ tơi, khô, dẻo thơm, chua chua độc đáo. Nem chua Yên Mạc được ăn kèm với lá ổi, rau thơm, lá sung, mơ lông, đinh lăng, rau thơm và chấm nước mắm pha nhạt với chanh, tỏi, ớt. Nem Yên Mạc đã được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận là một trong 10 đặc sản nem chả nổi tiếng của Việt Nam.
PV