Việt Nam sở hữu nhiều di sản thế giới nổi tiếng và hấp dẫn đã được UNESCO công nhận, có hệ thống các làng nghề và lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Ẩm thực Việt Nam cũng rất đa dạng, phong phú và độc đáo, nhiều món ăn, đặc sản nổi tiếng của Việt Nam đã được khách du lịch quốc tế rất ưa chuộng như phở, nem, bún chả, bánh mì... Bên cạnh đó, Việt Nam tự hào khi nhắc đến Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình), nơi được mệnh danh là vương quốc hang động của thế giới, trong đó có hang Sơn Đoòng được Hiệp hội nghiên cứu hang động Hoàng gia Anh khám phá và công nhận là hang động lớn nhất thế giới trong năm 2009 – 2010. Chính hệ thống hang động kỳ vỹ và bí ẩn này đã tạo thành sản phẩm du lịch khám phá, mạo hiểm hấp dẫn và độc đáo tại Việt Nam.
Nhằm đa dạng hóa và nâng cao sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch, thời gian qua, Việt Nam đã đầu tư xây dựng rất nhiều dự án sân golf, khu vui chơi giải trí có quy mô lớn và mở cửa một số casino phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của khách du lịch trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, để thỏa mãn sở thích mua sắm của khách du lịch, hàng loạt những trung tâm thương mại có quy mô lớn, đạt tiêu chuẩn quốc tế đã được xây dựng và đưa vào khai thác với những thương hiệu nổi tiếng thế giới và Việt Nam, những sản phẩm tiêu dùng và sản phẩm thủ công, mỹ nghệ, đặc sản mang đậm nét truyền thống của Việt Nam đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách du lịch.
Trước sự phát triển của ngành Du lịch, đặc biệt là sự tăng trưởng về số lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong những năm gần đây, Việt Nam đã chú trọng đầu tư xây dựng và phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, hệ thống khách sạn, nhà hàng. Nhiều tập đoàn quốc tế, thương hiệu quản lý khách sạn nổi tiếng đã quan tâm đến thị trường kinh doanh dịch vụ lưu trú tại Việt Nam như: Accor, InterContinental, Best Western International, Novotel, Sheraton, Park Hyatt, Marriott, Sofitel Metropole, Hilton, Anatara… Cùng với đó là những chuỗi khách sạn tư nhân Việt Nam như Mường Thành, Sungroup, Vingroup cũng ngày càng mở rộng các cơ sở lưu trú có chất lượng cao trên phạm vi cả nước. Bên cạnh đó là hơn 2.500 doanh nghiệp lữ hành quốc tế luôn sẵn sàng đón du khách từ các nước trên thế giới đến với Việt Nam. Tất cả đã tạo điều kiện thuận lợi cho Du lịch Việt Nam trong việc thu hút khách du lịch và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, tăng khả năng cạnh tranh cho ngành Du lịch Việt Nam.
Từ những tiềm năng và lợi thế về du lịch, Việt Nam đã xây dựng nhiều sản phẩm độc đáo và hấp dẫn, đặc biệt nhấn mạnh đến 4 sản phẩm chủ đạo: du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, và du lịch đô thị. Sản phẩm du lịch của Việt Nam được thiết kế dựa theo đặc trưng riêng của mỗi vùng miền: du lịch khám phá với nhiều tour độc đáo như chinh phục các đỉnh núi cao, trekking, leo núi, vượt thác, chèo thuyền kayak, tham gia các trò chơi mạo hiểm như dù lượn, highwire, zip line, nhảy bungee, khám phá các hang động… (Quảng Bình, Lâm Đồng…); du lịch nghỉ dưỡng biển với những hoạt động vui chơi dưới nước như lặn biển ngắm san hô, motor nước, flyboard, dù bay trên biển, lướt ván trên biển... (Nha Trang, Bình Thuận, Cô Tô…); hay du lịch cộng đồng dựa vào thiên nhiên và trải nghiệm văn hóa, lối sống, phong tục tập quán, làng nghề của người dân Việt Nam (các tỉnh vùng núi phía Bắc); hoặc cuộc sống vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long với những ruộng lúa mênh mông thẳng cánh cò bay, những vười cây trái quanh năm tươi tốt, hệ thống kênh rạch, các vườn quốc gia U Minh Thượng, U Minh Hạ, Tràm Chim cũng là những sản phẩm được Du lịch Việt Nam giới thiệu rộng rãi và được du khách quốc tế yêu thích.
Có thể khẳng định, với những sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo, sự thân thiện mến khách của người dân Việt Nam, chính sách tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch, miễn giảm thị thực cho công dân các nước khu vực ASEAN, các thị trường trọng điểm, Việt Nam đang dần trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch quốc tế.
Năm 2019, tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới lần thứ 26 dành cho khu vực châu Á và châu Đại Dương, Việt Nam đã xuất sắc giành được 4 giải thưởng quan trọng: Điểm đến hàng đầu châu Á 2019, Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á, Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á, Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á: Hội An. Đồng thời, tại Lễ trao Giải golf thế giới lần thứ 6, Việt Nam được vinh danh với 2 giải thưởng: Điểm đến golf tốt nhất thế giới và Điểm đến golf tốt nhất châu Á. Cùng với giải thưởng du lịch quốc gia, 25 doanh nghiệp dịch vụ du lịch và lữ hành của Việt Nam cũng vinh dự được nhận giải thưởng. Với những giải thưởng du lịch thế giới mà Việt Nam nhận được cho thấy sức hấp dẫn của Du lịch Việt Nam ngày một lan tỏa rộng rãi trên bản đồ du lịch thế giới; chất lượng, thương hiệu điểm đến Du lịch Việt Nam ngày càng được khẳng định. Đây cũng là cơ hội tốt để quảng bá mạnh mẽ hình ảnh Du lịch Việt Nam tới cộng đồng du lịch quốc tế, đồng thời là yếu tố giúp du lịch phát triển bền vững, mang lại doanh thu và việc làm cho người dân bản địa.
Sau những ảnh hưởng sâu rộng do dịch bệnh Covid-19 bùng nổ khắp toàn cầu và Việt Nam đang kiểm soát tình hình dịch rất tốt, Du lịch Việt Nam đã bắt đầu trở lại và thực hiện các giải pháp nhằm khôi phục ngành Du lịch trên cả nước, trước mắt triển khai Chương trình kích cầu du lịch nội địa trên phạm vi toàn quốc, từng bước chuẩn bị cho lữ hành quốc tế để phục hồi du lịch sau Covid 19. Với những giải pháp đồng bộ và hiệu quả, Du lịch Việt Nam đang đón chờ những kết quả ấn tượng trong thời gian không xa.
Lê Thu Hà